16/03/2013 06:23 GMT+7

Hai sinh viên đặc biệt

THẾ TRUYỀN
THẾ TRUYỀN

TT - Trong buổi lễ bế giảng và trao bằng tốt nghiệp cử nhân luật do Đại học Huế tổ chức mới đây, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi thấy hai người cao tuổi trong lễ phục cử nhân đứng lên bục nhận bằng và chụp hình lưu niệm. Điều đáng nói hơn, đây là hai vợ chồng đã ở tuổi gần 70.

Đó là vợ chồng ông Trần Hữu Tài (69 tuổi) và bà Lê Thị Bạch Vân (66 tuổi), hiện đang sinh sống tại phường 3, quận 6, TP.HCM.

Trong niềm vui tốt nghiệp, ông Tài cho biết: “Vợ chồng tôi trước đây cùng làm nghề giáo, đã về hưu mười năm nay, không vướng bận con cháu nên tôi rủ bà ấy đi học để bổ sung kiến thức trong nhiều lĩnh vực và để tập thể dục cho bộ não. Hơn nữa, đi học chung với các bạn trẻ, tôi thấy tâm hồn mình trẻ ra. Vợ chồng tôi đều có chung một khát khao được học tập. Mục đích hai vợ chồng cùng đi học cử nhân luật ngoài việc nâng cao kiến thức về pháp luật còn để về nhà đỡ phải “cãi nhau” khi gặp những vấn đề cần tranh luận trong cuộc sống”.

Trước đây ông Tài là giáo viên dạy tiếng Anh ở Trường THCS Hồng Bàng (Q.5), bà Vân là giáo viên dạy môn sinh học tại Trường THPT Nam Kỳ Khởi Nghĩa (Q.11). Trong thời gian công tác, nghĩ đến chuyện về hưu ở nhà sẽ buồn, hai vợ chồng ông đã cùng tham gia học lớp dược sĩ tại Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch (khóa 1997-2001) để sau này mở nhà thuốc tư nhân. Năm 2001, ông bà lại rủ nhau đi học tiếp lớp đông y tại Trường đại học Y dược TP.HCM (khóa 2001- 2006).

Đầu năm 2008, khi đọc báo thấy Đại học Huế liên kết với Trung tâm Cemet thuộc Trường cao đẳng Giao thông vận tải III tuyển sinh cử nhân luật, vợ chồng ông lại tiếp tục ghi danh theo học.

Nhận xét về hai sinh viên đặc biệt, tiến sĩ khoa học Đặng Công Tráng, người giảng môn luật hiến pháp cho lớp này, nói: “Đã nhiều năm đứng trên bục giảng nhưng lần đầu tiên tôi thấy cả hai vợ chồng sinh viên già cùng học chung một lớp. Tuy lớn tuổi nhưng hai sinh viên này không những tham gia đầy đủ các buổi học mà còn rất tích cực phát biểu xây dựng bài, luôn hoàn thành các bài kiểm tra và bài thu hoạch sớm. Sau đợt giảng dạy đó, về nhà tôi thường lấy hai tấm gương này ra để giáo dục các con”.

Nói về hai “sinh viên già”, các cán bộ giáo vụ của Trung tâm Cemet và nhiều sinh viên học cùng lớp đều có chung nhận xét: “Đây là hai sinh viên tham gia đầy đủ nhất các buổi học. Có hôm trời mưa to, đường ngập, kẹt xe, lớp chỉ có một số sinh viên đi học được nhưng hai bác vẫn có mặt trong số đó. Hai bác tuy lớn tuổi nhưng là những người có kiến thức xã hội rộng, có kinh nghiệm sống và rất chăm chỉ học bài nên nắm rất vững kiến thức mà các thầy cô giảng dạy và nội dung bài học trong giáo trình. Hai bác là tấm gương sáng cho lớp trẻ bọn em noi theo”.

Khi được hỏi về kế hoạch học tập trong tương lai, ông Tài cho biết: “Trước mắt hai vợ chồng tôi đã nộp hồ sơ tham gia khóa đào tạo luật sư của Học viện Tư pháp, khai giảng vào tháng 6 tới. Sau khi kết thúc khóa học, trong thời gian tập sự, chúng tôi sẽ tiếp tục đăng ký thi và học tiếp cao học tại một trường nào đó”.

Lội sông đến trường

Nhiều năm qua, các em học sinh thôn 57, xã Đắc Pre, Nam Giang, Quảng Nam phải xăn quần xăn áo lội sông đến trường tìm chữ (ảnh) trong nỗi lo khôn nguôi bởi hiểm nguy sông nước luôn rình rập, đe dọa.

Theo người dân nơi đây, khoảng mười năm trước thôn 57 nằm trong quy hoạch giải tỏa phải di dời về khu tái định cư mới như một hòn đảo nằm nhánh bên kia sông Nin. Do không có cầu bắc qua sông nên trong những năm qua người dân nơi đây cảm thấy khổ sở mỗi khi lội sông đi làm và trẻ em đi học cũng phải lội sông đến lớp. Ông Hiên Hòa, trưởng thôn 57, cho hay: “Đoạn sông Nin chảy qua địa phận xã Đắc Pre hết sức khúc khuỷu, trơn dốc, nhiều đoạn xuất hiện những chỗ sâu hoắm. Tụi nhỏ đi học nếu bất cẩn sẽ rất dễ bị trượt chân cuốn theo dòng nước. Năm ngoái có một em học sinh lớp 2 trên đường lội sông về nhà đã bị té ngã chết đuối. Những hôm trời mưa to gió lớn, nước sông dâng cao, bọn trẻ làng này phải nghỉ học. Nhiều em vì ham học con chữ cố gắng bơi qua sông đến trường thì áo quần lấm lem, ướt sũng”.

Ông Brôl Trường, chủ tịch UBND xã Đắc Pre, cho biết: “Tình cảnh học sinh thôn 57 lội sông đến trường đã được bà con nhiều lần phản ảnh trong các cuộc họp chi bộ, nhưng khổ nỗi nguồn kinh phí của xã không đủ xây dựng cây cầu giải quyết khó khăn đi lại của bà con. Sắp tới chúng tôi sẽ vận động người dân trong xã đóng góp bắc tạm cây cầu tre giúp các em học sinh đỡ khó khăn trong việc lội sông đến trường như những năm qua”.

THANH BA

vcVGDJRX.jpgPhóng to
Vợ chồng ông Tài, bà Vân tại lễ nhận bằng tốt nghiệp cử nhân luật - Ảnh: Thế truyền
bFJeo1QW.jpgPhóng to
THẾ TRUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp