Tài khoản Twitter của người phát ngôn Hải quân Ấn Độ chia sẻ video về cuộc tập trận Malabar qua các năm từ 1992 tới nay - Video: Người phát ngôn Hải quân Ấn Độ
Ngày 26-8, lực lượng hải quân của 4 nước trong nhóm "Bộ tứ kim cương" (QUAD) - gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, và Úc - đã khởi động cuộc tập trận Malabar 21 ngoài khơi đảo Guam ở Tây Thái Bình Dương.
Theo báo Hindustan Times, cuộc tập trận quân sự kéo dài 4 ngày, với sự tham gia của tàu khu trục, khinh hạm, tàu hộ tống, tàu ngầm, trực thăng, máy bay tuần tra hàng hải tầm xa...
"Mục tiêu của cuộc tập trận là tăng khả năng tương tác giữa hải quân các nước tham gia, phát triển sự hiểu biết chung và các quy trình vận hành tiêu chuẩn (SOP) đối với các hoạt động an ninh hàng hải", Hải quân Ấn Độ cho biết.
Tham gia Malabar 21, hải quân các nước sẽ tiến hành nhiều hoạt động như chống tàu ngầm, phòng không, các hoạt động chiến thuật... Các lực lượng đặc nhiệm như SEAL (Mỹ), MARCOS (Ấn Độ) và SBU (thuộc Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản) sẽ tiến hành hoạt động "thăm, lên tàu, tìm kiếm và bắt giữ" (VBSS) cũng như mô phỏng giải cứu con tin, theo Hindustan Times.
Cuộc tập trận Malabar trên biển đầu tiên bắt đầu vào năm 1992, lúc đó chỉ là cuộc tập trận hải quân song phương giữa Mỹ và Ấn Độ. Đến năm 2015, Nhật Bản tham gia cuộc tập trận này với tư cách đối tác thường trực. Trong khi đó, Hải quân Hoàng gia Úc bắt đầu tham gia cuộc tập trận Malabar năm 2020.
Các tàu sân bay và tàu chiến tham gia cuộc tập trận Malabar của Mỹ - Nhật - Ấn - Úc ở phía bắc biển Ả Rập hồi tháng 11-2020 - Ảnh: AP
Đưa tin về cuộc tập trận này, ngày 26-8, báo Times of India (Ấn Độ) chạy dòng tít: "Các nước QUAD khởi động tập trận hải quân Malabar 4 ngày, với sự để mắt tới Trung Quốc".
Hôm 25-8, Đô đốc John Aquilino, chỉ huy Bộ tư lệnh Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (INDOPACOM) của Mỹ, đã hối thúc các quốc gia trong nhóm QUAD tăng cường khả năng tương tác để đối phó mối đe dọa do Hải quân Trung Quốc đặt ra.
"Hải quân Trung Quốc có thể vận hành đội tàu của họ ở bất kỳ nơi đâu. Họ có thể trở thành chướng ngại vật với Ấn Độ và có thể cũng là chướng ngại vật với Mỹ. Một lần nữa vấn đề không phải là họ có thể làm gì hay họ có thể đi được tới đâu, mà là họ có ý định gì", ông Aquilino phát biểu.
Cả 4 nước Mỹ - Nhật - Ấn - Úc đều đang có nhiều căng thẳng với Trung Quốc, từ tranh chấp lãnh thổ tới thương mại. "Bộ tứ kim cương" đã cam kết thúc đẩy trật tự tự do, rộng mở và dựa trên luật lệ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, tờ Thời Báo Hoàn Cầu (Trung Quốc) cho rằng để chính thức biến QUAD thành một liên minh giống NATO là rất khó, bởi vì điều kiện trước tiên là Mỹ phải thuyết phục Nhật Bản sửa hiến pháp hòa bình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận