16/06/2010 06:33 GMT+7

Hải quan điện tử: Thức đêm làm thủ tục

BẠCH HOÀN
BẠCH HOÀN

TT - Bị tính thuế hai lần cho một lô hàng, lô hàng bị đội thêm chi phí, thông quan chậm... Đó chỉ là vài thiệt hại trong rất nhiều rắc rối mà các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang gặp phải chỉ vì đường truyền hải quan điện tử.

UCsqyxgx.jpgPhóng to
Dù đã triển khai hải quan điện tử, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn phải đến làm thủ tục trực tiếp tại các chi cục (ảnh chụp tại Hải quan cảng Cát Lái, Q.2, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Thạch Vân

Trong khi Cục Hải quan TP.HCM đã nắm được thực trạng nhưng vẫn chưa thể khắc phục, các doanh nghiệp phải tìm mọi cách để né thời điểm mạng quá tải. Khai báo điện tử gặp trục trặc liên tục nên các doanh nghiệp vẫn chưa mặn mà với thông quan điện tử.

Mạng báo được, hải quan nói không

Đại diện Tổng công ty Cơ khí giao thông vận tải Sài Gòn cho biết khi làm thủ tục khai báo hải quan điện tử để nhập khẩu một lô hàng, đã được cấp số tiếp nhận, nhưng khi ra cảng làm thủ tục nhận hàng, nhân viên hải quan lại thông báo vẫn chưa nhận được hồ sơ khai báo điện tử của lô hàng trên và đề nghị doanh nghiệp về làm lại. Hoàn thành việc khai báo lần thứ hai, có số tiếp nhận trong tay, công ty ra cảng làm thủ tục thông quan hàng bình thường.

Tuy nhiên, khi kiểm tra danh sách nợ thuế trong hạn, công ty lại phát hiện lô hàng trên còn nợ thuế nhập khẩu và thuế giá trị gia tăng. Như vậy, lô hàng này bị áp thuế hai lần với cả hai sắc thuế trên.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, phó phòng nghiệp vụ Cục Hải quan TP.HCM, thừa nhận tính thuế hai lần là sai và nguyên nhân do lỗi kỹ thuật.

Bà V., giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu hàng tiêu dùng tại TP.HCM, bức xúc vì mới đây đã phải chi thêm gần 6 triệu đồng tiền lưu hàng tại cảng cho một lô hàng nhập khẩu do mạng của hải quan bị “kẹt”, doanh nghiệp không thể truyền được dữ liệu để mở tờ khai. Bà V. cho biết trong hai ngày liền, tờ khai điện tử của công ty bà nhiều lần bị từ chối tiếp nhận.

“Đây không phải là trường hợp cá biệt, chúng tôi nhiều lần bị đóng tiền kho bãi cho cảng và hãng tàu chỉ vì mạng hải quan trục trặc. Không mấy khi khai báo điện tử một lần là được ngay” - bà V. nói.

Tương tự, ông Vũ Huy Giang, phó giám đốc kinh doanh Công ty cổ phần hải sản Sài Gòn, cho biết nhiều lần bị rớt mạng, công ty không thể chờ tiếp tục khai báo điện tử được nên phải ra cảng để xin làm thủ công. Tuy nhiên, doanh nghiệp lại chỉ được khai báo thủ công sau 4g chiều, chờ đợi rất mất thời gian.

Do quá mệt mỏi với làm thủ tục hải quan qua mạng lúc được lúc không, không ít doanh nghiệp phải thuê công ty dịch vụ trong khi bản thân họ cũng có phòng xuất nhập khẩu.

Một số nhân viên xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp tiết lộ kinh nghiệm khai báo điện tử là làm vào những thời điểm ít người truy cập nhất.

“Nhiều hôm mới 6g sáng tôi đã có mặt tại công ty để làm việc. Không phải vì công việc quá nhiều mà bởi lúc đó mạng truyền tờ khai nhanh chóng và nhận được mã số tiếp nhận hồ sơ ngay. Thậm chí có hôm cả công ty đã về hết, đèn phòng tôi vẫn sáng vì ban ngày không mở được tờ khai, đành chờ làm buổi tối”, nhân viên một công ty nhập khẩu hạt nhựa tại TP.HCM cho hay.

Phần mềm không “rành” thủ tục

Ngày 9-6, Hội Dệt may thêu đan TP.HCM có khuyến cáo đến các thành viên về việc khai báo hải quan, sau khi mạng Internet của cơ quan hải quan bị nghẽn trong mấy ngày qua.

Theo quy định, để được làm tờ khai thủ công, doanh nghiệp phải làm đơn giải trình lý do dù nguyên nhân không phải là doanh nghiệp. Vì vậy, song song với làm tờ khai, doanh nghiệp cần chuẩn bị đủ công văn, ghi đầy đủ pháp nhân, địa chỉ, lý do... để được giải quyết sớm, tránh ảnh hưởng tiến độ giao hàng.

Theo Cục Hải quan TP.HCM, hiện nay có 99% doanh nghiệp xuất nhập khẩu trên địa bàn TP.HCM thực hiện khai báo điện tử.

Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, thừa nhận hải quan điện tử đang có ba vấn đề: hạ tầng mạng, thiết bị hải quan chưa tốt và phần mềm hải quan. “Người viết phần mềm thì không rành thủ tục hải quan. Người rành thủ tục hải quan lại không biết viết phần mềm”, ông Nghiệp nói.

Cục Hải quan TP.HCM đang đề xuất xây dựng thêm một trung tâm dự phòng để đề phòng trường hợp trung tâm dữ liệu hải quan điện tử (đường Hai Bà Trưng, Q.1) bị sập mạng. Tuy nhiên, nếu được chấp nhận thì từ khi đề xuất đến khi xây dựng được cũng mất một thời gian dài.

Không “mặn” với thông quan điện tử

Việc khai báo hải quan điện tử khó khăn khiến các doanh nghiệp không mấy mặn mà với thông quan điện tử. Được triển khai từ ngày 15-3-2010 tại cảng Cát Lái, đến nay có 14 doanh nghiệp đăng ký làm thủ tục thông quan điện tử. Tuy nhiên, mới chỉ bốn doanh nghiệp thường xuyên áp dụng. Một số doanh nghiệp làm không thường xuyên hoặc vẫn đang trong quá trình tập huấn.

Tính đến thời điểm này có khoảng 230 container hàng nhập khẩu (chủ yếu là hạt nhựa) được thông quan điện tử.

Theo bà Tạ Thị Dung, phòng xuất nhập khẩu Công ty TNHH thương mại dịch vụ Toàn Đại Hưng (TP.HCM), công ty đã thông quan điện tử được 50 lô hàng hạt nhựa nhập khẩu. Do tranh thủ làm thủ tục vào những thời điểm mạng ít người truy cập nên thông thường thủ tục được giải quyết trong một ngày, trừ trường hợp các lô hàng bị kiểm hóa.

Bà Dung cho rằng thông quan điện tử mang lại khá nhiều lợi ích nhưng doanh nghiệp vẫn ngại do mạng hay bị nghẽn...

BẠCH HOÀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp