19/10/2023 20:36 GMT+7

Hai Phượng không muốn nghỉ học thêm lần nữa

10 năm trước, cô học trò nghèo Lê Thị Kim Phượng đành nghỉ học lớp 7 giữa chừng để sớm lao vào đời làm thợ may phụ giúp gia đình.

Lê Thị Kim Phượng chăm sóc em gái là Lê Thị Như Quỳnh bị bệnh suy thận bẩm sinh - Ảnh: NHẬT LINH

Lê Thị Kim Phượng chăm sóc em gái là Lê Thị Như Quỳnh bị bệnh suy thận bẩm sinh - Ảnh: NHẬT LINH

Nghỉ học để bươn chải nhưng niềm đam mê con chữ của Phượng chưa bao giờ tắt. Bốn năm sau ngày nghỉ học, Phượng trở lại ngôi trường cấp 2 xưa cũ để xin được đi học tiếp lớp 7 và viết lên câu chuyện cổ tích có thật giữa đời.

10 năm sau, cô bé học sinh nghèo ngày nào nay đã đạt được ước mơ trở thành sinh viên đại học. Nhưng ước mơ đó với Phượng thật mong manh khi em đứng trước ngưỡng cửa phải nghỉ học một lần nữa, cũng vì chữ nghèo.

Bị đánh, bị mắng cũng không từ bỏ việc học

Căn nhà nhỏ của tân sinh viên Lê Thị Kim Phượng (ngành sư phạm tiếng Pháp - Trường ĐH Ngoại ngữ Huế) có "view triệu đô" nhìn thẳng ra cánh đồng làng Phổ Lại (xã Quảng Vinh, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế).

Căn nhà cấp 4 ấy cũng là nơi ở của hộ gia đình khó khăn nhất nhì xã Quảng Vinh. Mẹ Phượng là bà Hồ Thị Linh không có nghề nghiệp ổn định, ai kêu gì làm nấy.

Kim Phượng là con đầu của bà Linh nên bạn trong làng thường gọi em là Hai Phưọng. Em gái Phượng là Lê Thị Như Quỳnh mắc bệnh suy thận bẩm sinh. Quỳnh năm nay 21 tuổi nhưng chỉ nặng hơn 20kg, cứ hở trời trở gió mưa là em mệt lả, chỉ nằm yên một chỗ.

Phượng kể rằng em cũng từng có ba. Thế nhưng cuộc hôn nhân không được hạnh phúc, ba bỏ đi biệt xứ để mặc mấy mẹ con rau cháo nuôi nhau.

Hoàn cảnh khó khăn đến cái ăn còn lo chưa tới khiến bà Linh từng buộc Phượng phải nghỉ học lớp 7.

"Năm đó bệnh tình cái Quỳnh trở nặng, có bao nhiêu tiền đều dồn hết cho em đi nằm viện. Thiệt tình lúc đó cái ăn còn không biết kiếm đâu ra chứ nói gì đến tiền cho Phượng đi học. Tui phải ép, phải nạt, thậm chí… xách roi đánh cả Phượng bắt nó nghỉ, dù nó không chịu", bà Linh chua xót nhớ lại.

Nghỉ học, mẹ chở Phượng lên thị trấn xin vào học việc rồi làm thợ cho một tiệm may đồ gia dụng. Mỗi tháng chủ tiệm trả em khoảng 800.000 đồng tiền công, suốt 4 năm trời.

"Đến một ngày em nghiệm thấy cứ mãi làm thợ may như vậy thì không có tương lai nên em xin mẹ cho em được đi học lại. Mẹ thì không chịu vì không có tiền. Em tự làm hồ sơ rồi chạy đến Trường THCS Nguyễn Hữu Đà gần nhà, lên thẳng phòng thầy hiệu trưởng để xin được đi học và được thầy đồng ý", Phượng kể.

Cô bé từng nghỉ học viết lên chuyện cổ tích

Chuyện một cô bé 16 tuổi xin đi học lại… lớp 7 thực sự gây rúng động toàn Trường THCS Nguyễn Hữu Đà lúc đó. Ngay cả khi đọc hồ sơ của Phượng, hiệu trưởng nhà trường lúc đó là thầy Trần Quang Minh cũng đã nói rằng em sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn khi quay trở lại học tập.

Thấy ánh mắt của cô học trò nghèo như có lửa, thầy Minh hiểu và nói rằng sẽ giúp đỡ Phượng hết sức.

Tân sinh viên Lê Thị Kim Phượng (Trường ĐH Ngoại ngữ Huế) từng nghỉ học một lần và không muốn đứt gánh học thêm một lần nào nữa - Ảnh: NHẬT LINH

Tân sinh viên Lê Thị Kim Phượng (Trường ĐH Ngoại ngữ Huế) từng nghỉ học một lần và không muốn đứt gánh học thêm một lần nào nữa - Ảnh: NHẬT LINH

Chính Phượng ngày đầu tiên đến trường cũng không khỏi cảm thấy bỡ ngỡ, thậm chí khó chịu khi bắt gặp những ánh mắt dị nghị của chúng bạn không cùng trang lứa.

Phượng từng bị bạn cùng lớp bắt nạt chỉ vì… lớn tuổi nhất trong lớp. Việc ôn tập lại những kiến thức học đường đã dẹp hết qua một bên để thay vào đó là đường kim mũi chỉ cũng khiến Phượng gặp không ít khó khăn.

Thế nhưng Phượng đã vượt qua. Năm nào đi học Phượng cũng có giấy khen học sinh giỏi, học sinh tiên tiến đem về nhà.

Lên cấp ba, Phượng được phân làm lớp trưởng. Ngoài thành tích học tập, Phượng còn tham gia vào cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật và từng giành hai giải khuyến khích cấp huyện.

Kỳ thi THPT vừa qua, Phượng đã thi đậu vào ngành sư phạm tiếng Pháp Trường ĐH Ngoại ngữ Huế với số điểm 22.

Không muốn nghỉ học thêm một lần nào nữa

Hay tin con gái đậu đại học, bà Linh thần người, ngồi bệt xuống một góc thềm. Bà vừa thương cho nỗ lực của cô con gái hiếu học, vừa nghĩ đến khoản nợ hơn 50 triệu đồng vay mượn người ta để đưa Như Quỳnh nhập viện sau một cơn ốm nặng hồi năm ngoái.

Nuốt nước mắt, một lần nữa bà Linh bảo Phượng nghỉ học. Lần này Phượng nhất quyết không chịu.

"Mẹ có đánh, có mắng con thế nào đi nữa thì con cũng không nghỉ. Con không muốn nghỉ học thêm một lần nào nữa", Phượng vừa khóc vừa nói với mẹ trong ngày đáng ra với người khác phải mở tiệc ăn mừng.

Hành trang lên phố nhập học của Phượng chỉ gói gọn là chiếc xe máy cà tàng được một người thân cho lại, vài bộ quần áo, cái ba lô đi học và một thùng mì gói.

Ngày ba bữa, Phượng ăn mì gói qua ngày để tiết kiệm chi phí. Phượng xin làm thêm ở quán ăn nhưng một thời gian thì khách ế quá, chủ quán bảo Phượng nghỉ.

"Mấy ngày này em đang cố gắng rảo quanh TP Huế tìm chỗ làm thêm mà nơi nào họ cũng bảo đủ người rồi. Em sẽ cố gắng tìm việc làm thêm để trang trải cho việc học. Khó mấy em cũng không bỏ học thêm lần nữa đâu", Kim Phượng nói.

Ngày mai Tiếp sức đến trường đến với tân sinh viên Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi

Ngày mai 20-10, báo Tuổi Trẻ phối hợp cùng Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 72 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Thừa Thiên Huế. Tổng kinh phí chương trình hơn 1 tỉ đồng do Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế tài trợ (mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng).

Đây là điểm trao thứ năm trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình Vì ngày mai phát triển lần thứ 571 của báo Tuổi Trẻ.

Cách đây 20 năm, từ 6 tân sinh viên của Thừa Thiên Huế có hoàn cảnh khó khăn đầu tiên được tiếp sức, đến nay Câu lạc bộ Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế đã tiếp sức cho 1.368 tân sinh viên với tổng kinh phí học bổng hơn 11,6 tỉ đồng. Bên cạnh hỗ trợ suất học bổng, nhiều thành viên của câu lạc bộ còn nhận nuôi, hỗ trợ kinh phí sinh hoạt, phương tiện đi lại, việc làm… cho tân sinh viên xa nhà.

Ngoài tân sinh viên của Thừa Thiên Huế, chương trình còn trao 14 suất học bổng cho tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của Quảng Ngãi đang theo học tại Đà Nẵng và Huế.

Hai Phượng không muồn nghỉ học thêm lần nữa - Ảnh 5.

Học bổng Tiếp sức đến trường: Lời hứa cho mai sauHọc bổng Tiếp sức đến trường: Lời hứa cho mai sau

81 tân sinh viên sáu tỉnh Tây Bắc (Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái) đã nhận học bổng Tiếp sức đến trường vào sáng 18-10 tại Lào Cai.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp