Thông tin được ông Lê Khắc Nam - phó chủ tịch UBND TP Hải Phòng - cho biết khi trả lời câu hỏi của Tuổi Trẻ Online ở buổi họp báo sáng 26-4 tại Hà Nội, thông tin về Lễ hội Hoa Phượng Đỏ - Hải Phòng 2024.
Lễ hội lần thứ 11 năm nay được tổ chức lớn, bởi ngoài gắn với kỷ niệm 69 năm Ngày giải phóng Hải Phòng (13-5-1955 - 13-5-2024) như thường niên, còn có lễ đón nhận danh hiệu di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long - quần đảo Cát Bà của Ủy ban Di sản thế giới UNESCO.
15 tỉ đồng ngân sách cho Lễ hội Hoa phượng đỏ
Ông Nam cho biết với chủ đề "Hải Phòng - Bừng sáng miền di sản", lễ hội sẽ có 26 hoạt động văn hóa lớn và 78 hoạt động kinh tế hưởng ứng, diễn ra trong cả tháng, từ 30-4 cho đến 1-6.
Về kinh phí thực hiện lễ hội như câu hỏi của Tuổi Trẻ Online, ông Nam nói "tinh thần phần lớn là kêu gọi xã hội hóa".
Ông cho biết cách đây hai ngày (ngày 24-4), UBND thành phố Hải Phòng đã mời doanh nghiệp đến gặp gỡ vì câu chuyện xã hội hóa này và ngay ngày đầu tiên gặp gỡ các doanh nghiệp này, thành phố đã nhận được tài trợ cho lễ hội 22 tỉ đồng.
Còn lại, thành phố bố trí 15 tỉ đồng từ ngân sách.
Về câu hỏi liệu thành phố có kế hoạch tặng quà cho toàn dân như ý tưởng vài năm trước tặng bộ ấm chén cho toàn thể hộ dân Hải Phòng nhân kỷ niệm Ngày Giải phóng Hải Phòng, ông Nam nói năm nay không tặng quà.
Dịp này thành phố chỉ tặng quà cho những người từng tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, phần quà cho mỗi người trị giá 2 triệu đồng.
Ông Nam nói riêng chuyện tặng quà cho người có công thì Hải Phòng "cao nhất toàn quốc". Hằng năm vào dịp Tết Nguyên đán và 27-7, mỗi người có công ở Hải Phòng được nhận phần quà trị giá 5,5 triệu đồng. Hải Phòng có khoảng 46.000 người có công.
Sẽ có Liên hoan đờn ca tài tử ở Hài Phòng
Về Lễ hội Hoa Phượng Đỏ, bà Trần Thị Hoàng Mai - giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hải Phòng - trả lời Tuổi Trẻ Online cho biết trong suốt một tháng diễn ra lễ hội, quảng trường Nhà hát lớn thành phố Hải Phòng sẽ là sân khấu trình diễn các loại hình văn hóa nghệ thuật được UNESCO vinh danh như ca trù, hát văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, múa rối nước, đờn ca tài tử…
Theo bà Hoàng Mai, Hải Phòng là thành phố phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn bảo tồn được nhiều loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống được UNESCO ghi danh như các làng cổ hát ca trù, tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, làng múa rối nước Nhân Mục (huyện Thủy Nguyên)...
Đờn ca tài tử không phổ biến trong cộng đồng nhưng Hải Phòng có Nhà hát cải lương đã 60 năm tuổi.
Lần đầu tiên Hải Phòng sẽ tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử mở rộng dịp này. Các nghệ sĩ từ phía Nam ra, từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc sẽ về với người dân thành phố.
Ngoài ra, trong một tháng diễn ra lễ hội, dải cây xanh công viên dài 3km ngay trung tâm thành phố Hải Phòng sẽ diễn ra chuỗi sự kiện sôi động hấp dẫn giới trẻ như âm nhạc đường phố…
Bảo tàng Hải Phòng sẽ trưng bày các bảo vật quốc gia mà Hải Phòng đang sở hữu.
Trọng điểm của Lễ hội Hoa Phượng Đỏ là chương trình nghệ thuật diễn ra tối 11-5 tại quảng trường phía trước Trung tâm chính trị - hành chính tại khu đô thị mới Bắc sông Cấm, huyện Thủy Nguyên, có sức chứa khoảng 18.000 người.
Các ca sĩ tham gia chương trình có Thanh Lam, Tùng Dương, Thu Phương, NSND Khánh Hòa, Phạm Thu Hà, Isacc, Hòa Minzy, Erik…
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận