08/11/2024 16:15 GMT+7

Hai phi công được tìm kiếm, giải cứu giữa rừng rậm như thế nào?

Quá trình giải cứu hai phi công trong vụ rơi máy bay huấn luyện ở Bình Định không thể triển khai nhanh chóng nếu không có công nghệ hỗ trợ.

Hai phi công được tìm kiếm, giải cứu giữa rừng rậm như thế nào? - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Quang Ẩn (bìa trái) - nhân viên kỹ thuật tại Viettel Bình Định - cùng đoàn tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn

Trong địa thế rừng núi hiểm trở, cây cối bạt ngàn, việc tìm kiếm dựa trên các cách thức, phương tiện thông thường trở nên bất khả thi.

Xác định công tác cứu hộ, cứu nạn cần phản ứng nhanh, Tổng công ty Mạng lưới Viettel sau khi nhận tin báo đã huy động đầy đủ các lực lượng kỹ sư, chuyên gia giỏi trong lĩnh vực mạng lõi, vô tuyến thuộc Trung tâm Kỹ thuật khu vực 2 tham gia vào nhiệm vụ.

Kích sóng tối đa để cứu người

Ngay lập tức cả đội tiến hành phân tích lịch sử thuê bao, dự đoán đường đi, khoanh vùng những trạm phát sóng gần khu vực đáp của hai phi công

Tuy nhiên vị trí đáp của cả hai nằm sâu trong cánh rừng nguyên sinh, địa hình khuất, nhiều thung lũng khiến công cuộc xác định vị trí gặp thách thức. Lúc này, phương án điều chỉnh ăng ten, tăng công suất các trạm phát sóng được tính đến.

Một mặt đội ngũ kỹ thuật dùng công nghệ điều khiển từ xa để thay đổi, mặt khác một đội nhân viên tuyến huyện của Viettel Bình Định được cử đi điều chỉnh trực tiếp phần cứng trên ăng ten ở các trạm chỉ định. Điều chỉnh xong, nhóm tiếp tục đẩy, tăng công suất phát sóng tối đa của các trạm, sử dụng băng tần thấp để tăng cường phủ sóng.

Công suất phát của ăng ten được tăng lên gấp bốn lần, hiệu chỉnh góc của ăng ten phát để mở rộng vùng phủ của trạm lên gấp 5-7 lần, từ bán kính 1,5-2km tăng lên thành 7-8km, đồng thời phủ sóng 4G phủ lên vùng đồi núi cao xung quanh.

Thông thường việc kích sóng chỉ được sử dụng trong các tình huống khẩn cấp như cứu hộ, cứu nạn.

Hai phi công được tìm kiếm, giải cứu giữa rừng rậm như thế nào? - Ảnh 2.

Khu vực 2 phi công quyết định nhảy dù thuộc thôn Bình Lộc, xã Bình Hòa, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định

Qua phân tích, nhóm Viettel xác định hai phi công đáp xuống hai hướng khác nhau, nên phải liên tục điều chỉnh để tìm ra trạm phát sóng có tín hiệu. Sau khoảng 15-20 phút từ lúc đội điều chỉnh, tin mừng đầu tiên trả về, thượng tá Nguyễn Hồng Quân - một trong hai phi công - đã liên lạc được về đơn vị bằng điện thoại di động, vào khoảng 16h30 cùng ngày.

Trong khi đó việc tìm ra vị trí của đại tá Nguyễn Văn Sơn lại khó nhằn hơn bởi nơi đáp xuống của anh nằm khuất sâu, sóng khó đến do vướng nhiều cây cối, núi đá cản trở. Đội ngũ kỹ thuật sau nhiều lần xoay xở điều hướng vùng phủ sóng, đồng thời liên tục gọi vào điện thoại của đại tá Sơn, cuối cùng đến 18h45 đã nhận được tín hiệu trả lời.

Từ những cuộc gọi này, lực lượng kỹ thuật của Viettel tiếp tục hướng dẫn hai phi công dùng sóng data 4G gửi tọa độ về cho đơn vị. Ngoài hiện trường, nhóm ứng cứu mau chóng lên phương án tổ chức tiếp cận cứu hộ.

Kịp thời giải cứu nhờ thông thạo địa hình

Anh Nguyễn Quang Ẩn, nhân viên thuộc chi nhánh Viettel Bình Định, trực tiếp tham gia cùng đoàn tìm kiếm ngay khi nhận lệnh. Anh Ẩn vốn là nhân viên kỹ thuật tại cụm Tây Sơn - Vĩnh Thạnh, chuyên lắp đặt các trạm phát sóng ở trong khu vực núi cao nên thông thuộc địa hình.

Chủ tịch Tập đoàn Viettel - Thiếu tướng Tào Đức Thắng đã gọi điện cho anh Ẩn, giao nhiệm vụ đi theo tọa độ đã được xác định để giải cứu người mắc nạn sớm nhất có thể. Nhận được cuộc gọi, anh Ẩn vừa bất ngờ vừa thấy vinh dự. Hiểu rõ trách nhiệm được giao, anh quyết tâm, sẵn sàng lên đường, tiến sâu vào khu vực rừng núi.

Hai phi công được tìm kiếm, giải cứu giữa rừng rậm như thế nào? - Ảnh 3.

Định vị từ hệ thống của Viettel giúp đơn vị cứu nạn xác định vị trí của 2 phi công trong vụ máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Ở vai trò hoa tiêu, cứ đi được 20-30m, anh Ẩn lại kiểm tra tọa độ một lần để đảm bảo cả đoàn đang đi đúng hướng. Bởi trong đêm tối, đường rừng vốn đã rậm rạp, khó đi, lại gặp mưa to, gió lớn, núi đá trơn trượt.

Khoảng 20h cùng ngày, thượng tá Quân được tìm thấy tại ngọn núi thuộc khu vực Hầm Hô, xã Tây Phú, huyện Tây Sơn, cách khu vực nhảy dù khoảng 10km.

Chia sẻ thêm về quá trình cứu hộ, anh Ẩn cho hay: Sau khi tìm thấy thượng tá Quân, cả đội đã thấm mệt, điện thoại mang theo hầu hết đã cạn pin, đội tính đến phương án sẽ để đội khác vào ứng cứu anh Sơn tiếp. 

Nhưng khi kiểm tra tọa độ, phát hiện anh Sơn ở cách đó không xa, khoảng 600m, cả đội quyết tâm giải cứu luôn. Một nhóm được chia ra đưa anh Quân ra khỏi rừng, một nhóm tiếp tục tìm kiếm anh Sơn.

Dù trên bản đồ, nơi anh Sơn trú ẩn đã ở rất gần, nhưng trên thực tế nhóm ứng cứu phải mất thêm hai tiếng mới tiếp cận được đúng vị trí. Đường núi trơn trượt do mưa lớn, cả đội chủ yếu phải lần mò giữa đêm tối, nhiều đoạn trượt té hoặc phải bò, bám vào mặt đất. Áo mưa đem theo cũng bị cây cối cào làm rách gần hết, có người đành cởi ra, dầm mưa bước tiếp.

"Anh em tự nhủ không muốn để anh Sơn đợi lâu thêm, lại không biết anh có bị thương ở đâu không, nên lại động viên nhau đi tiếp", anh Ẩn kể lại.

Mọi công sức được đền đáp khi khoảng 22h20, lực lượng cứu hộ tìm thấy đại tá Sơn. Gần đến nơi, mọi người thi nhau gọi tên anh Sơn. Thời khắc nghe thấy tiếng viên phi công đáp lại, cả đội vỡ òa, vội chạy một mạch đến nơi phát ra âm thanh.

Sau gần tám tiếng dầm mưa, tiến sâu vào vùng núi đá hiểm trở, đội ứng cứu hoàn thành nhiệm vụ. 

"Công việc hằng ngày giúp tôi có ít nhiều kinh nghiệm về địa hình khu vực, cách hoạt động các trạm ở sâu trong núi. Nhưng lần vượt núi băng rừng này thật sự đáng nhớ vì cả đội hoàn toàn phải lặn lội trong đường rừng giữa mưa lớn, không có đường mòn men theo. Thời điểm cứu được cả hai anh, tôi thật sự rất vui, quên hết mọi vất vả", anh Ẩn bày tỏ.

Ra khỏi bìa rừng lúc nửa đêm, nhiệm vụ hoàn thành, cả đội an toàn trở về vào lúc rạng sáng ngày 7-11.

Theo đại diện Tập đoàn Viettel, nhiệm vụ đảm bảo thông tin liên lạc trong công tác phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn là một trong những nhiệm vụ quan trọng hằng năm của Viettel. Từ các đợt tham gia ứng cứu bão lũ, đơn cử như trận sạt lở tại Làng Nủ (Lào Cai) trong cơn bão Yagi hồi tháng 9, đã giúp lực lượng kỹ thuật Viettel có nhiều kinh nghiêm xử lý, tìm ra giải pháp trong thời gian ngắn nhất.

Việc lực lượng kỹ thuật thông thuộc đặc điểm địa hình, thiết kế trạm ở các khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa cũng đóng vai trò quan trọng, mang yếu tố quyết định. Trong đó, việc thiết kế các trạm di động được tính toán sao cho ngoài đảm bảo sóng 4G cho dân cư, còn đảm bảo độ phủ rộng nhất phục vụ các tuyến đường liên huyện, liên tỉnh và các tình huống cứu hộ, cứu nạn.

Thiếu tướng Vũ Hồng Sơn - phó tư lệnh, tham mưu trưởng Quân chủng Phòng không, Không quân gửi lời cảm ơn trân trọng đến Viettel và các đơn vị khác đã cùng phối hợp, nỗ lực để đưa hai phi công về an toàn trong thời gian sớm nhất.

Trung tướng Phạm Trường Sơn - phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam - đánh giá cao công tác giải cứu lần này.

"Bằng nhiều biện pháp kỹ thuật, các đơn vị đã tính toán từng chi tiết, tìm ra vị trí của hai phi công để triển khai lực lượng tìm kiếm một cách hợp lý nhất.

Mưa to, gió lớn, sông suối chảy rất xiết, rừng sâu, dốc núi cao nhưng các lực lượng đã nhanh chóng đưa anh em về trong điều kiện thời tiết rất phức tạp", Trung tướng Phạm Trường Sơn nhận định.

Hai phi công được tìm kiếm, giải cứu giữa rừng rậm như thế nào? - Ảnh 4.Thủ tướng Chính phủ biểu dương đội ngũ an ninh mạng Viettel

Ngày 1-11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gửi thư biểu dương các kỹ sư an ninh mạng của Viettel đã có thành tích giành ngôi vô địch hai năm liên tiếp tại Pwn2Own, một trong những cuộc thi an ninh mạng lớn nhất và uy tín nhất thế giới.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp