Một là những biển cấm sơn đỏ chói ở nhiều tuyến đường Đà Nẵng, "cấm đánh giày, bán hàng rong, bán sách báo dạo…" và hình ảnh kia là một trang quảng cáo ấn tượng trên tờ báo thời trang của ngành hàng không quảng cáo cho một dự án địa ốc, có "căn hộ thượng lưu thời đại 4.0", có cả "bãi giữ xe 4.0".
Ở Việt Nam trong cả năm qua, sự hào hứng với khái niệm cách mạng công nghiệp 4.0 mới mẻ dẫn đến việc xuất hiện một hiện tượng ngôn ngữ thú vị: từ "4.0" đang được dùng trong các cuộc trò chuyện, viết lách… theo nghĩa khác với cách hiểu chính thống, khác với cách hiểu của các nước.
Nó dẫn tới một điều khá khôi hài: "4.0" được gán vào bất kỳ thứ gì có chút ứng dụng tân kỳ của công nghệ thông tin. Vì thế mà rất có thể chỉ là một bãi giữ xe tự động, dùng thẻ quét để vô ra, khỏi có người coi sóc, bãi giữ xe ấy vẫn tự hào được gọi là "bãi giữ xe 4.0".
Tương tự, giáo dục 4.0 được dùng một cách đơn giản để nói đến những việc như sử dụng giáo án điện tử, sách điện tử, các phương tiện nghe nhìn, học từ xa qua mạng, thầy giáo ảo…
Nông nghiệp 4.0 là ứng dụng các đột phá trong công nghệ thông tin vào nông nghiệp như điều khiển tưới nước bằng hệ thống tự động, dùng Internet để biết tình hình trang trại… Chính quyền 4.0 là ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý.
Thôi, ngôn ngữ là phải chấp nhận - hiểu vậy cũng không chết ai, miễn sao cả người nói lẫn người nghe hiểu đúng thông điệp muốn trao đổi.
Chỉ có điều đi kèm với hiện tượng ngôn ngữ này là hàm ý hoàn toàn tích cực cho những cái được mệnh danh 4.0, tức một khi nói điều gì đó 4.0 nghĩa là cả người nói lẫn người nghe đều có hàm ý đây là điều tốt đẹp cần hướng đến, là mục tiêu cần đạt được. Và đó là điều cần cảnh báo.
Các ứng dụng mới nhất của công nghệ thông tin, tự động hóa chưa hẳn đã đem lại toàn điều tốt đẹp cho cuộc sống. Điều này có lẽ ai trong chúng ta cũng dần nhận ra, như kiểu cùng vào quán cà phê hàn huyên tâm sự nhưng ít nhất một nửa người ngồi cùng bàn đang chúi đầu vào màn hình điện thoại di động, một vài người chụp hình, hí hoáy viết nhanh rồi đưa lên Facebook.
Một số bài báo nhận xét, chỉ có người giàu mới đủ điều kiện hạn chế con cái nhìn suốt ngày vào màn hình; con cái người nghèo bị phó mặc. Cũng không ít người từng dùng YouTube để dỗ con cháu ăn, đưa điện thoại hay máy tính bảng cho con để khỏi bị quấy rầy…
Đó chỉ là mặt tiêu cực dễ thấy. Các tác động xấu khác lên mọi mặt xã hội của xu hướng "số hóa" khó thấy hơn. Chẳng hạn, mấy ai ngờ "xe tự lái sẽ thành thiên đường mại dâm" như tít một bài báo viết về một nghiên cứu gần đây. Sự phát triển của xe tự hành được dự đoán sẽ cướp việc làm của cánh tài xế, giảm giá taxi và cho mọi người một nơi mới để... "mây mưa".
Công nhân trong nền kinh tế chia sẻ không có sếp trực tiếp nhưng vẫn sẽ phải làm việc quần quật với đồng lương thấp dưới sự điều hành của các thuật toán vô hồn. Drone (các loại máy bay không người lái) đang ném bom giết người một cách vô tư.
Thử hỏi nếu việc điều khiển chúng, nay vẫn do con người đảm nhiệm, trong tương lai được giao cho trí tuệ thông minh nhân tạo quyết định giết ai, truy sát ai, viễn cảnh đó có đáng sợ không?
Chúng ta sẽ nghĩ sao khi đi tuần tra trên đường phố là các con robot được lập trình sẵn, có thể bắt cướp nhưng cũng rất có thể nhận dạng nhầm bạn là một tên khủng bố? Nói đâu xa, bãi giữ xe 4.0 nói trên sẽ làm mất cơ hội việc làm của ít nhất vài ba người bảo vệ.
Trở lại cái biển cấm ở Đà Nẵng, vẫn biết thành phố có quyền quy định đường phố nào cấm bán hàng rong, nhưng thử nhìn lệnh cấm này như một điều kiện kinh doanh thì sao?
Gán điều kiện kinh doanh cho các ngành nghề lớn như nhập xe hơi, xuất khẩu gạo, bán rượu bia… thì có thể báo chí, công luận lên tiếng đòi bỏ. Nhưng người bán hàng rong, kể cả sách báo, bị cấm hành nghề ở một số tuyến đường - điều không thể gọi tên gì khác chính là một điều kiện kinh doanh, đã có ai đặt câu hỏi về tính hợp lý, hợp tình của nó chưa?
Vì sao cấm? Vì sao không cấm hẳn hành vi như lôi kéo, quấy rối khách du lịch mà cấm chuyện bán hàng rong - một cách mưu sinh chính đáng, được luật pháp bảo vệ?
Sự chia cắt giữa tầng lớp mưu sinh bằng đôi quang gánh với các cửa hàng bóng loáng sang trọng cũng chẳng khác gì sự chia cắt trong tương lai giữa một thiểu số được tiếp cận 4.0 tích cực, còn đa số người dân, nếu không có những chính sách tiên liệu và chuẩn bị thích hợp, sẽ phải chịu hưởng cái 4.0 nhọc nhằn.
Trong tâm thế của đa số chúng ta khi dùng cụm từ "4.0" đều nghĩ đến cái tiện nghi, cái thoải mái, ít ai băn khoăn chuyện "tách biệt kỹ thuật số", chuyện sản sinh ra một "giai tầng vô tích sự" vì đã không theo kịp các xu hướng 4.0 đó.
Hết những tháng ngày ngỡ ngàng khoái chí vì tình yêu 4.0 có thể chỉ đơn giản là các cú trượt màn hình về trái hay về phải, tìm bạn qua đêm nhờ các ứng dụng hẹn hò như Tinder, sẽ là muộn khi muốn quay về đường phố có bóng dáng người quẩy gánh chè ngồi bán vệ đường, đi bên cạnh là người bạn tri kỷ.
Lúc mà người bán chè rong đã biến mất, những người bạn thật trong đời thật cũng tan biến vào khoảng không.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận