12/02/2023 11:58 GMT+7

Hai người Việt ở 'thành phố truyện tranh'

Trong 1.245 tác giả được mời dự liên hoan truyện tranh lớn nhất thế giới, có hai tác giả trẻ gốc Việt lần đầu tiên tham dự: Lê Trung Nguyễn với The Magic Fish và Trần Hải Anh với Sống.

Tác giả Lê Trung Nguyễn (phải) và Hải Anh tại quầy ký tặng sách cho độc giả tham gia festival truyện tranh - Ảnh: HẠ TRIỀU

Tác giả Lê Trung Nguyễn (phải) và Hải Anh tại quầy ký tặng sách cho độc giả tham gia festival truyện tranh - Ảnh: HẠ TRIỀU

truyện tranh, còn được gọi là nghệ thuật thứ chín, ra đời tại Thụy Sĩ với tác giả Rodolphe Topffer (1827), và cho dù Bruxelles (Bỉ) vẫn được xem là thủ đô các tác giả truyện tranh, Angoulême - thành phố dưới 50.000 dân ở miền trung nước Pháp - lại là nơi tổ chức liên hoan truyện tranh lớn nhất thế giới.

Đan kết những mảnh nhỏ quê hương

Cứ hằng năm, vào những ngày cuối tháng giêng, hơn 200.000 người yêu truyện tranh từ khắp nơi tụ họp về đây xem sách và tìm gặp tác giả họ yêu thích để hàn huyên, xin chữ ký/hình vẽ tặng trên sách. 

Sau hai năm hoạt động cầm chừng vì đại dịch, liên hoan năm 2023, cũng là lần thứ 50, Angoulême tập hợp 380 nhà xuất bản, tổ chức rộng ra 27 địa điểm của thành phố, trong đó có 9 không gian triển lãm vinh danh những tác giả lớn nhất như Ryoichi Ikegami (Sanctuary), Hajme Isayama (Attack on Titan).

Ngồi cạnh "tân binh" Hải Anh tại sự kiện ở Angoulême, Lê Trung Nguyễn - tác giả đã thành danh với The Magic Fish (Con cá phép thuật) tại Giải văn học Harvey ở thể loại tiểu thuyết hình họa, được Nhà xuất bản Ankama mua bản quyền tiếng Pháp - hào hứng: "Cho dù hành trình và đào tạo về văn hóa của chúng tôi rất khác nhau, thật là khích lệ và khai sáng khi anh em chúng tôi thảo luận về quê hương. Tôi chưa từng có cơ hội bàn chuyện như thế ngoài gia đình. Thật là thú vị đối với tôi!".

Đúng là hành trình và đào tạo về văn hóa của hai bạn rất khác nhau. Trung Nguyễn cho biết: "Nguồn gốc của tôi luôn là điều khá bí ẩn đối với tôi. Tôi biết bố mẹ nhớ Việt Nam nhưng không thể chia sẻ tất cả với tôi, vì họ phải làm việc cật lực để tạo cho gia đình gốc rễ mới ở Hoa Kỳ. 

Tôi cảm thấy tách biệt mạnh mẽ khỏi nền văn hóa của gia đình, nhưng tôi cũng cảm nhận nỗi nhớ nhung của bố mẹ. Tôi nghĩ rằng một phần công việc của tôi, đặc biệt với The Magic Fish, là cố gắng tìm ra những mảnh nhỏ và đan kết chúng lại với nhau".

Hải Anh lại có một gia đình "mâu thuẫn" khác, ở đó mẹ của cô (đạo diễn Việt Linh) là người từng theo kháng chiến và sau hòa bình say sưa công việc sáng tác của mình đến nỗi tạo ra những rạn nứt giữa hai mẹ con. 

Nhà báo Florian Moine nhận xét: "Bằng cách tiếp thu câu chuyện của mẹ mình, Hải Anh đã được hòa giải với nguồn gốc, chọn đến Việt Nam sinh sống. 

Nhà biên kịch chia sẻ câu chuyện này với họa sĩ Pauline Guitton - người bạn thời thơ ấu - và họ đã chọn một đường nét rõ ràng, cách cắt hiệu quả để mang lại sự nhẹ nhàng, sống động cho câu chuyện. 

Sống vừa là bằng chứng nội tâm về chiến tranh Việt Nam, vừa là câu chuyện nhạy cảm về sự truyền tải ký ức giữa người mẹ và con gái của bà".

Mong muốn tâm tình

Giới thiệu về Sống, Nhà xuất bản Ankama viết: "Đôi khi chúng ta biết rất ít về những người ta thân thiết. Mối quan hệ giữa Hải Anh và mẹ Linh luôn phức tạp. 

Vào tuổi trưởng thành, trong khi băn khoăn nguồn gốc cũng như bản sắc mắc kẹt giữa hai quốc gia và hai nền văn hóa, cô đặt câu hỏi về các ký ức và hành trình của mẹ. 

Từ các khoảnh khắc tâm sự quý giá đan xen hai thế giới điện ảnh và kháng chiến đã giúp Hải Anh khám phá lại mẹ, yêu mến quê hương như cô nói: "Tôi nghĩ điều hiển nhiên gắn kết tôi với mẹ - bất chấp những khác biệt văn hóa, thế hệ - là các câu chuyện và mong muốn tâm tình".

"Mong muốn tâm tình" có lẽ là điểm chung của thế hệ trẻ như Trung Nguyễn và Hải Anh. Tâm tình với cha mẹ, với cộng đồng... 

Trung Nguyễn nói: "Do hoàn cảnh gia đình chúng tôi có vẻ xa lạ đối với người Mỹ, chúng tôi sử dụng nghệ thuật để nói với những người khác về bản thân mình. Những cách phát biểu gián tiếp, dài dòng thông qua nghệ thuật và cổ tích là cần thiết khi ta quên một số mảng ngôn ngữ và cần có công cụ bổ sung".

Không có cùng mục tiêu, nhưng qua Lê Trung Nguyễn và Hải Anh, ta thấy thế hệ trẻ, cách này hay cách khác, luôn cần tâm tình, hòa giải với nguồn cội, với người thân, với thế giới chung quanh... 

Và trong cuộc hòa giải đó, họ đã làm nên những tác phẩm hấp dẫn, cảm động và chân thực - như hầu hết bình luận đều nhận xét.

SỐNG: Một người mẹ kể cho con gái nghe câu chuyện thời niên thiếu của mình trong chiến tranh Việt Nam chống Mỹ. Từ năm 1969 đến 1975, Linh (hôm nay là đạo diễn) đã trải qua bảy năm sống cùng người cách mạng cộng sản, những người bước đầu hướng dẫn cô vào kháng chiến cũng như đến với điện ảnh.

THE MAGIC FISH: Hiền và con trai Tiến thích đọc truyện cổ tích cho nhau nghe - một cách để mẹ hoàn thiện vốn tiếng Anh và truyền lại di sản cho cậu con chưa từng đến Việt Nam. Tiếng Việt của Tiến được cải thiện khi đọc, nhưng cuộc trò chuyện cũng khiến anh khao khát tiết lộ với bố mẹ anh thích con trai.

Tác phẩm Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế - tín hiệu mừng cho truyện tranhTác phẩm Việt Nam đoạt giải thưởng quốc tế - tín hiệu mừng cho truyện tranh

Lần thứ ba tác giả Việt Nam lọt vào danh sách nhận giải thưởng truyện tranh manga quốc tế Nhật Bản (Japan International Manga Award).

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp