Từ trái qua: nụ cười thanh xuân ở tuyến đầu Tổ quốc của chiến sĩ Thập Văn Hoan và trung úy Phạm Công Giáp - Ảnh: My Lăng
Mình rất tự hào vì được đi ra Trường Sa. Cả đời người lính mấy ai một lần được ra Trường Sa. Khi vào bờ mình sẽ kể cho bạn bè nghe về Trường Sa, về những đồng đội ở đây.
Chiến sĩ Thập Văn Hoan
Chàng sĩ quan học bộ binh, ra đảo làm nhiệm vụ
Hiện ở quần đảo Trường Sa có 41 sĩ quan, chiến sĩ người dân tộc thiểu số đang làm nhiệm vụ, trong đó có người Chăm, Mường, Dao, Mông, Khmer, S’Tiêng, Tày, Raglai...
Riêng đảo Sơn Ca có hai người dân tộc thiểu số là trung úy Phạm Công Giáp, dân tộc Mường ở Thanh Hóa, và chiến sĩ Thập Văn Hoan, dân tộc Chăm ở Ninh Thuận.
Trung tá Phạm Doãn Thảo, chính trị viên cụm 1, cười tủm tỉm bảo: "Hai đồng chí này tiếp thu rất nhanh, nhiệt tình trong các công việc, nhiệm vụ. Giáp chỉ huy có tác phong, chăm chỉ, chịu khó, quyết tâm cao, việc gì cũng làm được. Còn Thập Văn Hoan hiền lắm, có điệu cười tủm tỉm rất dễ mến, thuận tay trái, rất khéo tay. Sơn vẽ bảng tin, làm các giỏ hoa, xe đạp, ngôi sao, chim sắt, chậu cảnh..., ở đơn vị toàn cậu ấy làm cả đấy".
Trung úy Phạm Công Giáp, 26 tuổi, phân đội trưởng, người dân tộc Mường ở huyện Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa. Giáp ra đảo Sơn Ca làm nhiệm vụ từ tháng 12-2018. Trước đó, tốt nghiệp Trường Sĩ quan lục quân 1, anh chàng được điều về Bộ tư lệnh Vùng 3 Hải quân, công tác ở tiểu đoàn huấn luyện tân binh. Hai năm sau, Giáp được điều về Bộ tư lệnh Vùng 4 Hải quân rồi đi đảo.
Đó là lần đầu tiên người sĩ quan trẻ đến từ một huyện vùng núi mới biết thế nào là đảo. Trước đó chưa bao giờ Giáp được đi đảo vì học chuyên ngành bộ binh, ra trường hai năm vẫn công tác ở trong đất liền dù là lính hải quân.
"Quê mình ở miền núi, có biển đâu. 16 tuổi, mình mới được đi biển Sầm Sơn chơi, lúc đó mới biết biển là thế nào" - Giáp cho hay. Gần chín năm sau chuyến đi đó, anh chàng mới được thấy lại biển và còn được đặt chân lên đảo giữa trùng khơi. "Biển ở Trường Sa đẹp hơn tưởng tượng của mình nhiều" - Giáp bảo.
Khá bất ngờ khi nghe Giáp cho hay đi Trường Sa là nguyện vọng của chàng sĩ quan người dân tộc Mường này. "Mình rất thích biển và chưa biết Trường Sa như thế nào nên rất muốn đi, thích đi. Mình đã xem YouTube, xem tivi, coi những phim tài liệu thời trước, đã biết bộ đội ngoài Trường Sa vất vả như thế nào nhưng mình vẫn xung phong đi. Mình còn trẻ, cần được thử thách rèn luyện cho trưởng thành hơn, ngại gì" - trung úy Phạm Công Giáp nói.
Hỏi anh chàng ra đây có được ưu ái gì không, Giáp cười: "Mình là người dân tộc thiểu số vùng núi khó khăn, khi đi thi đại học được ưu ái về điểm số nhưng ra đảo làm nhiệm vụ thì cũng như các sĩ quan khác. Ở đây chỉ có cái nắng quá, gió quá thôi. Mưa bão cũng thấy dữ dội hơn trong đất liền".
Chàng út người Chăm ở Sơn Ca
26 tuổi, anh chàng vẫn chưa từng yêu ai. "Ở trong kia thì lo học. Ra ngoài này làm gì có cô nào mà yêu" - Giáp tủm tỉm nói. Chàng sĩ quan người Mường khoe đã được đón hai cái tết ngoài đảo. "Tết đầu tiên ở Trường Sa thấy đặc biệt lắm" - Giáp nói. Đặc biệt vì tết đầu tiên ở Trường Sa, trong thời khắc giao thừa Giáp ôm súng đứng ngoài vọng gác. "Đó là ca gác đặc biệt với mình. Mấy ai được đi gác đúng lúc giao thừa mà lại trực gác ở Trường Sa, thiêng liêng lắm, xúc động nữa. Mình thấy tự hào và chỉ muốn kể ngay cho cha mẹ biết" - Giáp hào hứng khi nhớ lại khoảnh khắc ấn tượng đó.
Ra đảo, nắng và gió Trường Sa đã tôi luyện thêm bản lĩnh và nhuộm màu làn da chàng sĩ quan người dân tộc Mường thêm rắn rỏi, mặn mòi. Giáp bảo: "Từ lúc nhập ngũ đến giờ mình có hai dấu ấn đặc biệt: đó là diễn tập hồi học ở Trường Sĩ quan lục quân 1 và công tác ở Trường Sa. Môi trường ngoài đảo trau dồi, rèn luyện giúp mình trưởng thành hơn, vững vàng hơn nhiều lắm".
Ở đảo Sơn Ca, ngoài chàng sĩ quan người dân tộc Mường Phạm Công Giáp thì còn một chiến sĩ người dân tộc Chăm. Đồng đội trong đơn vị hay gọi Thập Văn Hoan, chàng chiến sĩ 20 tuổi đến từ Ninh Thuận, tên thân mật là Thập Hoan, Mười Hoan.
Là con út trong một gia đình có bốn người con nên khi Thập Văn Hoan báo tin mình được ra Trường Sa - một quần đảo xa xôi, mọi người trong nhà rất lo lắng. Nhưng cậu con út thì khác, vui sướng ra mặt khi sắp được ra quần đảo vốn chỉ biết qua tivi, báo đài, sách vở.
"Hồi nhỏ mình đã thích bộ đội rồi. Trong gia đình mình là người đầu tiên đi bộ đội. Lúc nhận tin đi Trường Sa mình vừa mừng vừa lo. Lo vì không biết mình có làm tốt nhiệm vụ không chứ không phải lo vì sợ khổ" - Hoan nói.
Anh chàng chiến sĩ người Chăm nhớ mãi về thời gian đầu lên đảo, thấy cái gì cũng mới lạ, hay hay. "Chiến sĩ trẻ tụi mình rất thích ngắm hoa bàng vuông. Loài hoa này chỉ nở buổi tối, bông màu hồng nở bung ra rất đẹp. Tụi mình rất thích ngắm hoàng hôn và bình minh trên đảo, đẹp lắm. Ngoài này mặt trời mọc sớm hơn. Xung quanh toàn biển nước nên thoáng, rộng, không bị che khuất như trong đất liền, ngắm bình minh sướng luôn" - chiến sĩ Thập Văn Hoan hào hứng nói.
Thập Văn Hoan cho biết ở đây anh em chiến sĩ đến từ nhiều tỉnh thành nhưng rất đoàn kết. Mọi người không chỉ giao lưu trong phạm vi từng đơn vị nhỏ mà còn tổ chức hoạt động phong trào theo hướng. Vào các ngày nghỉ, chiến sĩ ở hướng tây, hướng đông lại giao lưu hát karaoke, cùng chơi bóng chuyền, kéo co, chạy 100m...
Hoan bảo không nghĩ khi ra đảo xa, chiến sĩ người dân tộc thiểu số như mình lại được đồng đội giúp đỡ nhiều đến thế. "Ra đây mình có thêm nhiều bạn tốt lắm - Thập Văn Hoan nói - Đồng chí, đồng đội ở đây rất vui, chọc nhau cười hoài à. Làm gì cũng có nhau, giúp đỡ nhau. Lâu lâu có giận gì cũng chỉ một lát lại vui vẻ bình thường, không giận lâu được".
Nhờ nhiệt tình và chăm chỉ, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ, anh chàng người Chăm này là một trong những chiến sĩ đạt được danh hiệu "Chiến sĩ tiên tiến" của lữ đoàn 146. Trong tiếng gió biển ào ạt, ngồi dưới hàng cây bàng vuông, Hoan hào hứng nói về dự định tương lai khi vào bờ sẽ đi học lấy bằng sửa chữa ôtô, kiếm một công việc ổn định phụ giúp cha mẹ...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận