22/09/2019 08:56 GMT+7

Hai người cha và chuyện nuôi con sau ly hôn ở tòa án

TÂM LỤA
TÂM LỤA

TTO - Người này phân bua "Tui lấy đâu ra tiền để trợ cấp nuôi con 5 triệu đồng một tháng theo yêu cầu của bả"; người kia lại tìm đủ cách đòi nhận nuôi 2 con tự kỷ ở bên Mỹ: "Từ khi tôi về VN, vợ cũ ở Mỹ không chăm sóc các con được chu đáo...".

Hai người cha và chuyện nuôi con sau ly hôn ở tòa án - Ảnh 1.

Một người thì viện đủ lý do để mong được giảm trách nhiệm của mình với con, trong khi người cha còn lại thì tìm mọi cách để mong được nhận hai đứa con bị tự kỷ về nuôi...

Kỳ kèo bớt một thêm hai

Một ngày tháng 7-2019, người đàn ông vóc dáng nhỏ bé, rụt rè đến tòa gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM để gặp thẩm phán giải quyết vụ việc. Ông là bị đơn trong vụ án tranh chấp về cấp dưỡng mà vợ cũ của ông là nguyên đơn.

Khi ly hôn cách đây 9 năm, ông và vợ cũ đã thống nhất vợ ông sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng đứa con chung sinh năm 2008. Ông có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con 600.000 đồng/tháng, sau đó hai người thỏa thuận tăng lên 800.000 đồng. Đến năm 2018, cho rằng chi phí chăm sóc, nuôi dưỡng con chung ngày một tăng nên người vợ đã khởi kiện chồng cũ ra tòa, yêu cầu mỗi tháng phải cấp dưỡng nuôi con 5 triệu đồng. Theo người vợ thì chồng cũ mới bán được mảnh đất trị giá 5 tỉ đồng, nên bà yêu cầu ông phải có trách nhiệm cấp dưỡng thêm để nuôi con và phải cấp dưỡng một lần đến năm con 18 tuổi, với tổng số tiền là 480 triệu đồng.

"Công việc chính của tui là chăn nuôi bò, thu nhập hằng tháng không ổn định. Tui lấy đâu ra tiền để trợ cấp nuôi con 5 triệu đồng một tháng theo yêu cầu của bả" - người chồng nói ở tòa sơ thẩm. Tòa án đã nỗ lực hòa giải hai người để tìm tiếng nói chung nhưng không có kết quả. Nhận định việc người vợ yêu cầu tăng trợ cấp nuôi con là đúng vì đứa trẻ ngày càng lớn thì càng tốn nhiều chi phí trong sinh hoạt và học tập, tòa án đã tuyên mỗi tháng ông phải trợ cấp nuôi con 2 triệu đồng. Ông lập tức kháng cáo.

Hồ sơ vụ việc của ông được chuyển đến tòa gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM để giải quyết. Thấy bản án sơ thẩm tuyên là phù hợp nên vị thẩm phán đã nhiều lần gặp ông để thuyết phục. "Ở tòa, có lúc ông thừa nhận mới chuyển nhượng đất, điều kiện kinh tế ổn định, có khả năng cấp dưỡng với mức cao hơn nhưng chỉ có 2 triệu đồng nuôi con mỗi tháng mà còn muốn mặc cả xuống 1 triệu. Ông nghĩ sao chỉ 1 triệu mỗi tháng mà có thể nuôi được đứa trẻ ở thành phố này..." - vị thẩm phán nói và cho rằng với chứng cứ, tài liệu hiện có thì nếu có xét xử, tòa cũng khó chấp nhận đơn kháng cáo của ông. Đó là chưa kể khi ra tòa, ông còn phải nghe các thành viên trong hội đồng xét xử và đại diện Viện kiểm sát chất vấn về trách nhiệm làm cha với chính đứa con của mình...

Mất hai lần đến tòa nghe động viên, thuyết phục, người đàn ông này mới chịu rút đơn kháng cáo và đồng ý với mức hỗ trợ nuôi con 2 triệu đồng/tháng.

Mong được ôm về mình gánh nặng

Nếu người cha trong câu chuyện trên tìm mọi cách để được giảm tiền cấp dưỡng nuôi con thì trái lại, người cha trong câu chuyện sau đây luôn viện dẫn mọi lý lẽ và tình thương để được nhận hai đứa con tự kỷ về nuôi.

Người cha này làm đơn khởi kiện đến tòa gia đình và người chưa thành niên TAND TP.HCM để yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn. Phiên xét xử được mở vào một ngày cuối tháng 7-2019. Phiên tòa không có bị đơn, không có luật sư, chỉ có nguyên đơn và hội đồng xét xử.

Anh và bạn gái là du học sinh, kết hôn tại Mỹ. Năm 2007, chị sinh con trai đầu lòng và đến năm 2011 thì tiếp tục sinh đôi hai con trai nhưng không may mắc chứng tự kỷ. Sau đó, do mâu thuẫn nảy sinh nên anh về VN sinh sống. Năm 2013, họ được công nhận ly hôn theo phán quyết của một tòa án tại tiểu bang Louisiana, Hoa Kỳ, được ghi chú ly hôn tại VN theo quy định của pháp luật.

Theo phán quyết của tòa án Mỹ thì anh và vợ cũ sẽ cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Vợ anh sẽ nuôi các con trong 10 tháng của năm học tại Mỹ. Anh sẽ chăm sóc các con trong 2 tháng hè tại VN. "Từ khi vợ cũ của tôi lập gia đình mới thì số điện thoại và email của cô ấy không liên lạc được. Tôi không nhận được bất cứ thông tin nào về tình hình học tập, phát triển của các con. Lần cuối cùng tôi được gọi video nói chuyện với các con là tháng 1-2017. Cuộc gọi chỉ kéo dài trong 3 phút và từ đó đến nay tôi không được nhìn thấy con thêm bất cứ lần nào" - giọng người cha nghẹn lại khi nhắc về hai đứa con sinh đôi mắc chứng tự kỷ.

Rồi anh kể cụ thể về từng giai đoạn phát triển của con. Năm 2016, khi các con tròn 5 tuổi được về VN thăm quê nội, anh đưa hai trẻ đi khám nhưng mức độ nhận thức của hai cháu chỉ tương đương trẻ 2,5 tuổi. Bé N., một trong hai đứa, còn không có khả năng điều khiển chân trái mà phải có người lớn bế hoặc đẩy đi. Chân trái của bé không được sử dụng khiến cơ bị teo, ngắn chi. Anh đưa con đi khám thì kết quả xương chậu của bé bị biến dạng, cột sống bị vẹo và xoắn.

"Từ khi tôi về VN, vợ cũ ở Mỹ không chăm sóc các con được chu đáo. Cô ấy thường xuyên đi công tác và phải thuê sinh viên làm thêm giờ giữ con. Trước đó cả hai bé đều được tập vật lý trị liệu mỗi tuần hai lần. Khi các con về VN, tôi đều đưa con đi tập nên các con phát triển được kỹ năng ngôn ngữ và giao tiếp. Đến khi quay về Mỹ, tình hình các con ngày một xấu đi. Xin tòa giao cho tôi được nuôi hai con mắc chứng tự kỷ, còn đứa con khỏe mạnh để vợ cũ của tôi nuôi dưỡng..." - anh khẩn khoản.

Tòa nghe anh nói đến đó thì ngắt lời: "Tại sao từ khi về VN anh không quay lại Mỹ thăm con? Hiện anh ở nhà thuê, sống độc thân, đi làm suốt ngày với mức lương hơn 10 triệu đồng một tháng, cũng không có người thân hỗ trợ chăm sóc các cháu thì đón con về anh sẽ xoay xở ra sao?". Người đàn ông lặng đi một lúc trước câu hỏi của tòa. Anh thừa nhận với mức lương hiện tại, anh không đủ điều kiện để qua Mỹ thăm con. "Nhưng tôi có tình yêu thương, dù mức lương thấp tôi cũng có thể nuôi dạy các con tốt và đảm bảo cho các cháu được tập vật lý trị liệu đều đặn...". Có lẽ hiểu được nỗi lòng của người cha nên hội đồng xét xử đã để anh trình bày lâu hơn bình thường.

Quá trình giải quyết vụ án, tòa án không thể hòa giải được vì vợ cũ của anh ở Mỹ. Tòa đã nhiều lần tống đạt văn bản thông qua Đại sứ quán VN tại Hoa Kỳ nhưng đến ngày mở phiên tòa, chị vẫn không có mặt. Sau khi nghị án, tòa đã bác yêu cầu khởi kiện của anh vì nhận định từ năm 2016 đến nay, anh chưa từng sang Mỹ thăm con để biết tình hình phát triển của các con như thế nào. Anh không chứng minh được vợ cũ không còn đủ điều kiện để chăm sóc, nuôi dưỡng các con. Và nếu để anh đón hai bé về VN thì sẽ làm xáo trộn cuộc sống của các bé...

Người đàn ông 39 tuổi bước ra khỏi sân tòa với khuôn mặt như chực khóc. Sáu năm sau khi ly hôn, anh không lập gia đình mới vì muốn đợi đến ngày được đón hai đứa con thiếu may mắn về chăm sóc. Vì các con, anh không ngại nhận gánh nặng về mình. Thế nhưng mong ước của người cha đã không thể thành sự thực.

Sự quan tâm luôn cần thiết

"Khi xử các vụ hôn nhân gia đình, chúng tôi thấy đa số phụ nữ đều nhận nuôi con sau ly hôn. Pháp luật quy định trách nhiệm nuôi con thuộc về hai vợ chồng, thế nhưng việc người cha có cấp dưỡng nuôi con hay không đa phần lại phụ thuộc vào sự tự nguyện của họ. Có khi tòa án buộc phải cấp dưỡng, người cha có tiền cũng không chịu tự nguyện thi hành. Trong trường hợp này, người vợ có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án nhưng ít ai chọn phương án này vì họ sợ phức tạp, tốn thời gian. Bố mẹ ly hôn thì trẻ là người thiệt thòi nhất, vì vậy sự bù đắp về cả vật chất và tinh thần đối với trẻ luôn là điều rất cần thiết".

Một thẩm phán (tòa gia đình và người chưa thành niên, TAND TP.HCM)

Ký sự pháp đình: Một vụ trộm hột xoàn Ký sự pháp đình: Một vụ trộm hột xoàn

TTO - “Huỳnh Thanh Phong: 26 tuổi. Từ năm 1991 đến năm 2014: Sống nhiều nơi, không rõ địa chỉ. Không rõ lai lịch cha và mẹ. Thường trú: Không đăng ký. Nghề nghiệp: Làm thuê. Trình độ văn hóa: Không biết chữ”.

TÂM LỤA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp