Do bị sâu đầu đen tấn công, một hộ dân tại huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre phải đốn bỏ vườn dừa hơn 10 năm tuổi của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Giữa trưa nắng tháng 4-2022, bà Nguyễn Thị Hóa (xã Hữu Định, huyện Châu Thành) đang hì hụi cùng nhóm thợ đốn những cây dừa trơ trụi lá trên mảnh vườn của mình. Những cây dừa trên 10 năm tuổi này là nguồn thu nhập hằng tháng của gia đình bà khi chưa bị sâu đầu đen tấn công.
Đốn bỏ trước rồi tính sau
"Hơn một năm qua, sâu đầu đen ăn trụi lủi, phun xịt cỡ nào cũng không hết, hết cách đành phải đốn bỏ chứ tiếc đứt ruột", bà Hóa cho biết. Nhóm thợ thu mua 50.000 đồng mỗi cây dừa. Đốn dừa rồi bà Hóa cũng chưa biết trồng gì.
"Trước mắt cứ đốn rồi tính tiếp, chứ giờ trồng lại dừa thì sợ bị sâu ăn, mà trồng cây khác thì không có nước tưới", bà Hóa nói.
Gần đó, vườn dừa hơn 1.600m2 của ông Nguyễn Long Hổ cũng trơ trụi lá sau một năm bị sâu đầu đen tấn công. Ông Hổ cho biết trước đây vườn dừa này cho thu nhập khoảng 2 triệu đồng/tháng.
Từ khi bị sâu, dù tốn rất nhiều tiền để phun xịt đủ loại thuốc nhưng không hiệu quả, dừa càng ngày càng bị hư hại, nhiều cây chết khô, nhẹ cũng cháy lá, không còn trái.
Hầu hết các vườn dừa gần đó đều có chung tình trạng là cháy lá, không có trái hoặc có nhưng trái bị nhỏ, hư. Nhiều vườn dù đã được phun xịt nhiều lần nhưng vẫn không cứu được cây dừa.
Hiếm hoi lắm mới có một vườn còn có nhiều cây xanh tốt như vườn dừa của ông Lê Tấn Phát. Mang bình xịt máy phun thuốc lên từng đọt cây trong vườn dừa rộng gần 1ha của mình, ông nói: "Sâu gây hại khoảng chục gốc đành phải đốn bỏ, còn giữ được nhiêu đây gốc nên phải xịt thuốc thường xuyên để giữ cây. Dù rất tốn công nhưng cũng phải ráng".
Theo ông Phát, mỗi tháng ông phải phun xịt thuốc 2 lần, nếu thuê thợ phun xịt thì chi phí mỗi cây 10.000 đồng. "Nếu thuê, số tiền này còn lớn hơn cả tiền thu hoạch dừa vì bây giờ giá phân thuốc đều cao trong khi giá dừa chỉ còn khoảng 50.000 đồng/chục", ông Phát nói.
Đại diện UBND xã Hữu Định, địa phương có dịch sâu đầu đen xuất hiện sớm nhất tại Bến Tre, cho biết xã có hơn 860ha dừa. Sau gần 2 năm bị dịch sâu đầu đen, hiện trên 170ha dừa bị thiệt hại đã lan ra toàn bộ 5 ấp. Trong số diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công, có 22ha dừa đã đốn bỏ.
"Thân dừa cao, việc phun thuốc thủ công như trước không hiệu quả. Gần đây, nhiều người dân mua máy xịt áp lực cao về lập các đội phun thuốc thuê để cứu diện tích dừa còn lại. Việc diệt sâu đầu đen vẫn gặp nhiều khó khăn khi nhiều chủ vườn dừa chỉ mua đất để đó, dừa bị sâu đầu đen tấn công thì họ bỏ phế, khiến sâu đầu đen dễ lây lan", vị đại diện địa phương nói.
2 năm, và bao lâu nữa?
Vẫn chưa đưa ra được chu kỳ sinh trưởng, sinh sản của sâu đầu đen? Đây cũng là vấn đề mà Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Bến Tre đã nêu ra khi đi khảo sát thực địa một số vườn dừa trên địa bàn tỉnh.
Một trong những thực tế được Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Bến Tre đưa ra đó là một số diện tích dừa ven thành phố Bến Tre, ven trục giao thông lớn (đường tỉnh, huyện lộ...) tuy trồng dừa nhưng nông hộ không quan tâm, chăm sóc cây dừa với nhiều lý do khác nhau như chờ bán đất hoặc nguồn thu từ cây dừa không quan trọng trong thu nhập của gia đình. Do vậy, vùng này thành nơi tồn lưu và phát triển lây lan dịch sâu đầu đen hại dừa.
Theo Ban kinh tế - ngân sách HĐND tỉnh Bến Tre, việc tỉnh chưa công bố chu kỳ sinh trưởng, sinh sản của sâu đầu đen dù con sâu này đã xuất hiện trên địa bàn hơn 2 năm qua đã phần nào gây khó khăn cho người dân trong việc đưa ra giải pháp khống chế dịch sâu đầu đen.
Tình hình sâu đầu đen trên địa bàn tỉnh Bến Tre ngày càng phức tạp, từ 2 ổ dịch ban đầu nay diện tích dừa bị sâu đầu đen tấn công, phá hoại đã lên tới hơn 873ha.
Theo ông Võ Văn Nam, chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre (Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Bến Tre), một số nước bạn như Thái Lan vốn có công nghệ trồng trọt phát triển cao nhưng chỉ trong vòng hai năm vẫn bị nhiễm sâu đầu đen với diện tích lên đến 40.000ha.
Ngành nông nghiệp đang tiếp tục phối hợp với các viện, trường tiếp tục nghiên cứu tập quán sinh trưởng của loài sâu này để đưa ra quy trình quản lý cụ thể", ông Nam cho biết.
2 năm diện tích dừa bệnh tăng 400 lần
Sâu đầu đen bắt đầu xuất hiện từ tháng 7-2020 tại huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) với diện tích ghi nhận ban đầu chỉ 2,4ha. Tuy nhiên, đến nay diện tích bị nhiễm bệnh đã tăng vọt lên 873ha.
Sâu đầu đen có tên khoa học là Opisina arenosella Walker, từng gây hại cây dừa ở Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan. Ban đầu sâu ăn bề mặt và phần mặt dưới của lá dừa. Sau đó, chúng sẽ làm các mạng tơ ở mặt dưới của lá, sâu nhỏ sẽ ẩn mình ở đây để ăn lá, lá bị hại nhìn như bị cháy sém.
Sâu này thậm chí còn tấn công cả phần bề mặt màu xanh của trái dừa. Bến Tre có trên 78.000ha dừa, chiếm 80% diện tích dừa miền Tây và 50% dừa cả nước.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận