16/05/2018 08:47 GMT+7

Hai mươi năm trồng tre giữ... cò

SƠN LÂM
SƠN LÂM

Hai mươi năm nay, lão nông ở Đồng Tháp đã làm chuyện bao đồng: lấy đất nhà chỉ để trồng tre cho... cò ở.

Hai mươi năm trồng tre giữ... cò - Ảnh 1.

Ông Chín Nghĩa trong vườn tre 5ha của mình - Ảnh: THANH TÚ

Vườn tre của ông Chín Nghĩa (Lê Thanh Nghĩa) nằm ở xã Tân Hộ Cơ, Tân Hồng, Đồng Tháp.

Khôi phục... huyền thoại

Sinh ra ở Campuchia, đến năm 9 tuổi mới về lại Mỹ Tho (Tiền Giang). Ông Chín Nghĩa có những cảm xúc đặc biệt với... tre. "Thời trai trẻ đi bộ đội, hễ thấy tre là tui liền sờ tay ướm thử thanh tre, để cái mát lạnh với cảm giác sạch sẽ của tre thấm truyền vào người. Thích lắm!", ông Chín Nghĩa cười kể. Với ông, tre có một màu rất riêng mà không lẫn được với màu xanh khác. "Từ thân cho đến lá cây tre có thể gợi trong tui một thứ cảm giác dễ chịu khi nhìn thấy, hơn hẳn những màu xanh của các thứ khác", ông Chín Nghĩa tự ngẫm.

Vùng đất Gò Nổi xưa kia toàn là tre, cò ngày đêm ríu rít rợp trời... Nhưng quá trình khai phá Đồng Tháp Mười cũng đánh đổi nhiều thứ. Rừng tre từ thời chiến không còn. Câu chuyện về một rừng tre toàn là cò mà ông Chín Nghĩa nghe được khi từ chiến trường Campuchia trở về ngang qua cửa khẩu Dinh Bà đã khiến ông trăn trở mãi.

Thế nên, dù người thân ngăn cản, năm 1994, ông Chín Nghĩa cũng sẵn sàng bán đi lô đất của gia đình ở thị xã Hồng Ngự để về chốn heo hút, chỉ mới có đường mòn lầy lội, để mua 5ha đất.

Cứ nghỉ phép, ông Chín Nghĩa lại lặn hụp trên 5ha đất này. Đi đi, về về ròng rã hơn 20 năm. Cuối năm 2017, khi gác lại công việc chuyên viên kiêm thông dịch viên ở phòng Tham mưu Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Đồng Tháp để về hưu, ông Chín Nghĩa đã có một rừng tre phủ kín với 42 loài tre.

Trên mảnh đất ấy có cả ao nuôi cá, nhà cống cho chuột, dãy lồng cho rắn...

“Năm 2019 tui sẽ khai trương. Thực ra nói làm khu du lịch, chứ mục đích chính của tui không phải chỉ là để kinh doanh, mà là tạo một chỗ giao lưu giữa con người và chim trời"

Kết nối tre - cò - người

Hơn 20 năm để có một rừng tre phủ trắng bóng cò mỗi chiều, ông Chín Nghĩa không nói nhiều về công sức mà chỉ xem đó là một thú vui để thỏa mãn đam mê. Nhiều khi sự đam mê cũng bị gác lại thời gian dài khi tốn cả chục triệu đồng, lặn lội cả ngàn cây số từ Bắc chí Nam, sang tận Campuchia chỉ để tìm một giống tre về trồng, để rồi dăm ba bữa thì... cây chết.

Bao năm hoang hóa, vùng Gò Nổi đã bị nhiễm phèn quá nặng. Chăm bón hoài không xong, đến năm 2008 ông Chín Nghĩa mới quyết liều cả gia tài dành dụm và huy động vốn của bạn bè cả tỉ đồng để xây dựng một hệ thống nước ngọt ngầm trong lòng 5ha đất để rửa phèn.

"Hơn 10 năm đầu xem như thử nghiệm, tiền bạc đổ theo việc thử nghiệm giống rất nhiều nhưng cũng đổi lại được rất nhiều kinh nghiệm. Sau khi xử lý lại được đất, tui trồng kỹ theo loại rồi cấy từng giống", ông Chín Nghĩa kể. Tùy thuộc vào từng giống tre mạnh tông, tre sim, tre ngà, tầm vong, điền trúc, lục trúc... mà ông cho vào từng bầu đất với chế độ thổ nhưỡng riêng thích hợp, đến lúc cây cứng cáp mới "thả" ra đất.

Hai mươi năm trồng tre giữ... cò - Ảnh 3.

Chim cò về rợp trên rừng tre ông Chín Nghĩa - Ảnh: CHEA PRUM

Có nhiều giống tre "khó chịu" với đất lạ, ông Chín Nghĩa phải thuê người sở tại của giống tre đó ương cho mình mỗi cây với giá 500.000 đồng/cây, bồi dưỡng thêm công chăm bón cho tre cứng cáp mới vận chuyển về nuôi. Đến năm 2010, vườn tre mới bắt đầu tạm ổn, có thể tự bươn đất mà sống.

Trong rừng tre của ông, mỗi giống tre còn được đặt tên theo địa phương mà nó được tìm thấy. Đủ cả địa danh Campuchia, Thái Lan... "Tui đặt tạm vậy thôi, chứ có giống nào mới tui cũng làm tư liệu gửi nhờ các chuyên gia tìm tên khoa học của chúng hết", ông Chín Nghĩa cười.

Khi vườn tre đã thành rừng, nhưng lũ cò cũng chẳng đếm xỉa tới. "Chim cò đã bỏ đi lâu quá, mà rừng của mình cũng là rừng nhân tạo. Tui phải đi mua cò sống về thả, làm mô hình tổ giả để tạo đàn ...", ông Chín Nghĩa kể chuyện "dụ" cò như vậy.

Những đặc tính của cò đơn giản hơn nhiều so với độ "khó chịu" của tre nên chẳng mấy chốc ông Chín Nghĩa cũng thành chuyên gia chim, cò. Một con cò con bị bắt thì không sao, nhưng một con cò mẹ bị bắt thì cả chục con sẽ bỏ đi theo. Khi cò mới bắt đầu về, ông phải thuê thêm nhân công, rải ra ngủ canh ở các góc vườn để phòng nạn săn bắn trộm.

Giấc mơ về một khu du lịch sinh thái cho tre, cò ở vùng cửa khẩu Dinh Bà của ông Chín Nghĩa đã ở ngay trước mắt. Hiện ông đang tích cực săn tìm thêm những vật dụng đặc trưng của văn hóa miền Tây. Mục đích của khu du lịch mà ông Chín Nghĩa hướng đến sẽ là những cảnh quan miền Tây dưới bóng tre, bên ao nước để du khách có thể đến nghỉ ngơi, tham quan và chơi với chim, cò nơi vùng biên viễn này.

Năm sau mới khai trương, nhưng từ mấy năm nay, vườn tre của ông Chín Nghĩa đã trở thành điểm dừng chân lý tưởng của những người qua lại vùng biên giới Tân Hồng. Vốn thích nấu ăn, hễ gặp khách là ông lại sẵn sàng xắn tay áo vào bếp. Có bạn cùng thảnh thơi ngắm đàn cò về trên rừng tre của mình luôn là một niềm hạnh phúc với ông Chín Nghĩa.
SƠN LÂM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp