08/10/2008 14:30 GMT+7

Hai mẹ con nuôi chữ trên đảo Thiềng Liềng

HIẾU HIỀN
HIẾU HIỀN

TTO - Ngày ngày, chị Nguyễn Thị Thảo đi đốn lá dừa thuê kiếm vài chục ngàn. Bé Hoàng Anh đi học, tối về nhảy ùm xuống con rạch trước nhà mò ba khía, mò còng kiếm tiền phụ mẹ. Cách đây vài tuần, em có được chiếc xe đạp để đi học. Năm năm trời, em toàn phải lội bộ đến trường.

gVanY8wl.jpgPhóng to
Chị Thảo và Hoàng Anh trước căn nhà lá - Ảnh: H.Hiền
TTO - Ngày ngày, chị Nguyễn Thị Thảo đi đốn lá dừa thuê kiếm vài chục ngàn. Bé Hoàng Anh đi học, tối về nhảy ùm xuống con rạch trước nhà mò ba khía, mò còng kiếm tiền phụ mẹ. Cách đây vài tuần, em có được chiếc xe đạp để đi học. Năm năm trời, em toàn phải lội bộ đến trường.

Từ tờ mờ sáng Hoàng Anh phải đi bộ gần cả giờ đồng hồ băng qua ruộng muối, băng qua rừng đước vắng tanh. Hai mẹ con chắt chiu từng đồng để nuôi con chữ vì với họ đi học là niềm vui, là danh dự và là ước mơ đổi đời.

Hai mẹ con ở ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM. Người ta gọi Thiềng Liềng là đảo trong đảo, vì từ trung tâm huyện mất 45 phút đi đò qua trung tâm xã Thạnh An, rồi cũng mất ngần ấy thời gian đi đò qua đảo Thiềng Liềng. Cả trung tâm xã Thạnh An và ấp Thiềng Liềng đều là những hòn đảo ngập mặn tách rời khỏi đất liền. Ở Thiềng Liềng có 184 hộ dân, một nửa trong số đó là hộ xóa đói giảm nghèo. Ở đây chỉ có một ngôi trường duy nhất là trường tiểu học Thạnh An, phân hiệu Thiềng Liềng, toàn trường có 62 học sinh. Sĩ số cao nhất là 17 em lớp 3. Các bé mẫu giáo và học sinh cấp II cũng học chung ở đây. Hầu như học sinh ở đây học đến cấp II là nghỉ học đi làm muối. Nếu muốn học tiếp, các em phải trọ học ở thị trấn Cần Thạnh, cách đảo Thiềng Liềng hai chuyến đò gần hai giờ đồng hồ.

Con lội bộ đến trường

Ngôi nhà của chị Thảo nằm lụp xụp trên đồi. Trước nhà là con rạch nhỏ cách ngăn với rừng đước. Những ngôi nhà trên đảo Thiềng Liềng thường giống nhau ở chỗ nhà ở chung với kênh rạch, sát bên là rừng đước.

5g sáng, Hoàng Anh phải thức dậy. Em đi học khi trời còn mờ sáng. Bữa sáng của em là 1.000 đồng mẹ dúi vào tay. Nhiều khi với em, vài viên kẹo ngọt là đã xong bữa sáng.

Xung quanh nhà em là những ruộng muối khô quắt queo, đất nứt nẻ dưới chân. Ở đây người ta chỉ làm muối từ tháng mười hai đến tháng tư. Đến mùa muối, đi học Hoàng Anh phải băng theo những bờ ruộng lấm lem bùn lầy. Đi qua ruộng muối, Hoàng Anh xuyên qua khu rừng đước.

Con đường đến trường dài ngoằn ngoèo, cũng phải 5km. Người lớn đi bộ còn thấy mỏi chân nhưng Hoàng Anh đã đi bộ gần năm năm trời. Vừa rồi mẹ em đã sửa lại chiếc xe đạp cũ để em có phương tiện đến trường.

LYYFGTZf.jpgPhóng to
Hoàng Anh phụ mẹ vác lá dừa - Ảnh: H.Hiền

Từ khi có chiếc xe đạp, buổi trưa Hoàng Anh đạp xe về nhà ăn cơm rồi đạp xe ngược đến trường. Lúc trước em toàn la cà đến những nhà dân quanh trường. Nhà nào cho gì thì ăn nấy. Cô Phạm Thị Tuyết Loan, giáo viên chủ nhiệm lớp 4 của Hoàng Anh, có bữa nấu cơm thì kêu em ăn chung.

Mẹ đốn lá dừa mướn

Đến ấp Thiềng Liềng hỏi thăm nhà nào khó khăn nhất, người dân ở đây không ngần ngại chỉ tay vào tít sâu trong ruộng muối nói rằng: nhà chị Thảo đó. Quê chị Nguyễn Thị Thảo ở phà Bình Khánh, cách nơi đây gần 70km. Cùng theo chị em đến đảo Thiềng Liềng lập nghiệp cách đây mười mấy năm, vậy mà chỉ có chị là long đong lận đận.

Không có ruộng muối như người ta, chị Thảo chỉ làm thuê làm mướn, chủ yếu là chặt lá dừa trong rừng cho người ta lợp nhà. Một ngày chị chặt 250 lá dừa thì được 100.000 đồng. Năm nay đã 42 tuổi, chị cũng không biết sức vóc của mình có thể kham được công việc nặng nhọc này được bao lâu.

Thuộc diện xóa đói giảm nghèo, chị Thảo vay được 5 triệu đồng, nuôi 30 con vịt xiêm và mấy chục con gà. Mấy năm trước, dịch cúm gia cầm cũng lan đến tận nơi đây làm chị điêu đứng. Tháng mười này phải trả nợ ngân hàng, chị tính vay của chị em trả nợ rồi vay lại tiếp.

Nhà không có đàn ông chị phải lo toan tất cả. Căn nhà lá trên đồi, nằm trong khu vực rừng phòng hộ Cần Giờ, do một người anh họ cho chị. Căn nhà tuềnh toàng, ẩm thấp đầy những phân gà, phân vịt. Tối đến chỉ có ngọn đèn dầu hiu hắt. Khi chúng tôi đến chị thắp thêm đèn điện từ bình ăcquy soi cá.

Ở ấp Thiềng Liềng đường dây điện chưa kéo tới được. Nhà nào khá giả thì mua máy phát điện, chạy dầu. Nhà nào trung bình thì mua tấm năng lượng mặt trời. Còn những nhà như chị Thảo thì xài đèn dầu tù mù. Vì tối đến ngoài việc cho bé Hoàng Anh học bài thì cũng chẳng dùng vào việc gì khác. Những nhà dân trong khu vực cách nhau cả cây số, muốn đi lại phải băng qua ruộng muối vắng tanh trong đêm.

Mỗi tối đi học về Hoàng Anh nhảy ùm xuống con rạch trước nhà mò ba khía, còng, nhái, rắn nước đem bán phụ mẹ. Ngày mưa, mỗi tối em có thể bắt được 5-7kg ba khía (7.000 đồng/kg). Số tiền này cùng với tiền đốn lá dừa giúp hai mẹ con trang trải hằng ngày.

Quyết nuôi con đến trường

Đứa con lớn của chị nghỉ học năm lớp 7. Hoàng Anh học lớp 4 nhưng đã ở lại lớp đến hai năm. Nhưng chị vẫn quyết cho con đi học. Hơn ai hết, chị rất thấm thía cái sự thua thiệt của một người không biết chữ.

fx4CDlFC.jpgPhóng to

Hoàng Anh trong lớp học

Chị Thảo vốn xuất thân trong một gia đình nghèo, đông anh em, nên chị phải đi làm nuôi mấy em đi học. Đến giờ, dù đã qua một lớp học xóa mù chữ nhưng “24 chữ cái rời rời thì tui biết chứ quất vô một nùi thì tui không biết chữ gì”. Chị nói: “Cũng là nhờ mấy anh bộ đội biên phòng tới nhà vận động tui đi học. Lội qua bờ ruộng con con, mưa nước ngập lũm tũm mà mấy ổng cũng nhiệt tình. Cấp cho tui cuốn tập, cây viết...". Nhưng cũng nhờ lớp học xóa mù chữ của bộ đội biên phòng mà chị biết ký tên, còn làm những gì nữa thì chị không biết.

Dù cuộc sống còn rất khó khăn nhưng chị vẫn tâm niệm phải cố cho bé Hoàng Anh đi học, để sau này cuộc sống em đỡ vất vả... Mong cho hai mẹ con có đủ nghị lực để vững bước, thực hiện được ước mơ của mình.

HIẾU HIỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp