Đặc biệt, là đầu tư mở rộng các tuyến quốc lộ và xây dựng mạng lưới đường cao tốc, bước đầu tháo gỡ một trong ba điểm nghẽn lớn cho phát triển kinh tế - xã hội.
Nhưng tại không ít nơi, đặc biệt là tại các TP lớn, khu vực trọng điểm kinh tế như cửa ngõ TP.HCM, đã xảy ra tình trạng các dự án BOT mà cụ thể là các trạm thu phí BOT gây bức xúc cho người dân, doanh nghiệp.
Càng nhiều trạm BOT “mọc” lên, bủa vây các con đường trọng điểm, thì người dân và doanh nghiệp càng bị “móc túi” nhiều hơn.
Điều gì đã tạo nên những bức xúc ấy ? Kết quả kiểm toán đã cho thấy rất rõ ràng. Xin nhấn mạnh là Kiểm toán Nhà nước mới chỉ tiến hành kiểm toán 27 dự án trong số hàng trăm dự án BOT, vậy mà đã giảm được gần 100 năm thu phí.
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Ngọc Đông lý giải với phóng viên Tuổi Trẻ rằng, đối với các dự án BOT thì tổng mức đầu tư ban đầu và thời gian thu phí mới chỉ là tạm tính.
Sai số hoàn toàn có thể xảy ra sau khi dự án hoàn thành (phụ thuộc các yếu tố chính như: chi phí dự phòng không dùng đến vì trượt giá thấp hơn dự báo, tiến độ thi công nhanh hơn thực tế, giải phóng mặt bằng ít hơn khối lượng ước tính, giảm quy mô dự án, lựa chọn giải pháp kỹ thuật hợp lý để tiết kiệm hơn…).
Đồng ý với ông thứ trưởng là có sai số, nhưng sai số đến mức 13 năm 1 tháng 12 ngày đối với một dự án chỉ có 37km (dự án công trình mở rộng quốc lộ 1 đoạn km1488 - km1525 tỉnh Khánh Hòa) thì rất khó lý giải.
Một dự án BOT có thời gian thu phí trung bình 20-25 năm, mới kiểm toán 27 dự án đã phát hiện nhiều dự án sai số từ 5-7 năm (đồng nghĩa với những khoản tiền rất khổng lồ).
Vậy thì không thể trách dư luận nghi ngờ về tiêu cực, thông đồng, chia chác để tận thu qua các dự án BOT, đặc biệt là trong bối cảnh không ít dự án BOT đã được chỉ định thầu.
Để khắc phục những tồn tại, Kiểm toán Nhà nước đề nghị Bộ Giao thông vận tải xem xét các chỉ tiêu có sự sai lệch (giữa thực tế phát sinh và phương án tài chính trong hợp đồng BOT gốc) khi thỏa thuận quyết toán dự án và điều chỉnh hợp đồng để xác định chính xác thời gian thu hồi vốn của dự án.
Nhưng để tránh những nghi ngờ, bức xúc và phòng ngừa tiêu cực, đồng thời đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước - nhà đầu tư - người dân, doanh nghiệp trong các dự án BOT, thì chỉ có một giải pháp duy nhất: đảm bảo tính công khai, minh bạch trong thực hiện dự án.
“Tiến hành đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư nhằm tăng tính cạnh tranh, mang lại hiệu quả cho dự án. Các yếu tố chi phí quản lý thu phí, lợi nhuận nhà đầu tư, lãi suất vay vốn, tỷ lệ vốn chủ sở hữu, chi phí xây lắp công trình dự án… đều phải được đấu thầu công khai, minh bạch” - báo cáo Kiểm toán Nhà nước nêu.
Mức phí và thời gian thu phí cho từng dự án cũng phải được tính toán kỹ lưỡng trên cơ sở sức chịu đựng của người dân, doanh nghiệp trong nền kinh tế.
Và cuối cùng, như Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị, Chính phủ chỉ nên cho phép áp dụng đầu tư hình thức BOT đối với những dự án hoàn toàn mới, đặc biệt hạn chế đầu tư BOT với các dự án cải tạo, nâng cấp tuyến cũ và không được cấp phép đầu tư BOT đối với những tuyến độc đạo.
Không được đẩy người tham gia vào hoàn cảnh buộc phải trả phí vì không có lựa chọn nào khác.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận