17/01/2020 14:26 GMT+7

Hai Lúa mần bonsai bạc tỉ

THÀNH NHƠN
THÀNH NHƠN

TTO - Nói Phước Lộc là "vua kiểng bạc tỉ", ổng giãy nảy: "Hổng dám, hổng dám đâu". Nhưng thiệt là nhìn vườn tược và những sản phẩm màu xanh bạc tỉ dưới đôi tay nghệ thuật của ổng ai cũng nể.

Hai Lúa mần bonsai bạc tỉ - Ảnh 1.

Thú vui của ông Nguyễn Phước Lộc là màu xanh tươi của cây cối - Ảnh: THÀNH NHƠN

Làm thế nào vịt hóa thiên nga. Bonsai là tác phẩm nghệ thuật không bao giờ hoàn chỉnh. Nghệ nhân không cho phép bản thân nghỉ ngơi vì sáng tạo là không ngừng. Mỗi tác phẩm bonsai chứa tâm tư, linh hồn người tạo tác muốn gửi gắm.

Ông NGUYỄN PHƯỚC LỘC

Đó là nghệ nhân nổi tiếng Nguyễn Phước Lộc (49 tuổi) ở miệt Sa Đéc, Đồng Tháp. Người cả đời say mê tạo tác những tác phẩm kiểng có giá trị cả về nghệ thuật lẫn... tiền bạc cao đến mức khó tin.

Bỏ giảng đường thành... nghệ nhân bonsai

Tại cuộc thi bonsai châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tháng 6-2015 ở Hóc Môn (TP.HCM), ông Lộc là một trong những người Việt làm giám khảo chấm giải. Đối với ông, đó là kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời gắn bó cùng những tác phẩm xanh tươi.

"Điều đó khẳng định trình độ nghề của mình được bạn bè quốc tế công nhận. Được cầm cân nảy mực đánh giá tác phẩm các nước chứng tỏ nghệ nhân Việt không thua kém so với Đài Loan, Trung Quốc, Nhật Bản" - ông Lộc chia sẻ.

Sinh ở cái nôi làng hoa sông nước miền Tây, Nguyễn Phước Lộc lại bén duyên với nghề bonsai nhờ lên Sài Gòn học... kỹ sư điện tử. Tình cờ, ông ở trọ tại nhà người quen ngay câu lạc bộ Bích Câu (quận Tân Bình). Ngoài thời gian đi học, sinh viên Lộc vui vẻ "trà châm nước rót" cho các lão niên chơi bonsai tại đây.

Những năm 1990, nghề bonsai vàng son trở lại. Nhiều nghệ nhân tạo tác bonsai nổi tiếng như Thanh Tâm, Nguyễn Ngọc Ái, Đỗ Hữu Da, Minh Tân tựu về. 

"Ngày nào mấy ổng cũng trò chuyện đủ thứ trên trời dưới đất về bonsai. Rồi tự dưng như cái nghiệp, nó thấm vô máu mình, khiến mình yêu thích khi nào hổng hay" - ông Lộc chia sẻ cơ duyên đến với bonsai.

Mỗi lần về nhà, ông Lộc lại chở theo những chậu bonsai trên chiếc Cub 50 cà tàng. Nhờ tài ăn nói cùng kiến thức tích lũy được từ các bậc tiền bối chơi bonsai ở Sài Gòn, cây ông đem về bán "đắt như tôm tươi". "Lão mai sinh quý tử" (cây mai già có cây con phía dưới) hay "Con hơn cha là nhà có phúc" (cây nhỏ phía dưới nâng đỡ cây to phía trên) được ông diễn giải ngẫu hứng, nhưng mấy bậc tri điền ở quê lại khoái chí vỗ đùi đen đét.

Năm 1994, gia đình gặp biến cố, ông Lộc bảo lưu kết quả học tập rồi trở về Sa Đéc tiếp quản kiôt cây kiểng của gia đình. Việc làm ăn ngày càng khấm khá khi công viên Suối Tiên (TP.HCM), khu du lịch sinh thái Ba Láng (Cần Thơ) liên tục thiếu kiểng, phải xuống Sa Đéc nhờ "chi viện". 

Ông Lộc nhớ mãi: "Bận đó, có thời điểm thu nhập gần 100 cây vàng. Mê mần ăn, thời gian bảo lưu kết quả học tập trôi qua lúc nào không hay. Nghĩ lại, chắc là ông trời khiến tui theo nghiệp này".

Từ cầm bút học, Lộc chuyển qua cầm kềm, cưa, nhôm kẽm để uốn nắn, đục đẽo cây kiểng. Như "thiên phú", ông dần tạo tác được những tác phẩm khó với thế độc, lạ rất đẹp. Có dạo cứ cây nào ông đem đi thi là lại ẵm giải cao. Gần 30 năm tuổi nghề, năm 2014, ông Lộc vinh dự được công nhận là nghệ nhân bonsai cấp quốc gia khi 44 tuổi.

Bonsai là tâm hồn nghệ nhân

Hiện vườn bonsai, kiểng cổ của ông Lộc có khoảng 2.000 cây với tầm 50 loại khác nhau như: vạn niên tùng, mai chiếu thủy, nguyệt quế, kim quýt, mai vàng... Theo ông, chọn cây làm bonsai cũng như chọn hoa hậu, ít nhất phải cân đối, hài hòa và thấy được tiềm năng.

Với bonsai thì gốc rễ là quan trọng nhất vì ít có thể can thiệp, trong khi thân, cành có thể đục đẽo, uốn nắn theo ý nghệ nhân.

"Người có nghề thì cây củi sau thành cây kiểng có giá vài chục, vài trăm triệu đồng là thường. Người không có nghề thì từ cây kiểng thành củi đốt cũng không gì bất ngờ. Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" - ông Lộc triết lý.

Dạo quanh vườn kiểng, ông chỉ nhiều tác phẩm với các tên gọi độc đáo như: gió lùa, trượng phu, thác đổ, thân xoắn, sơn thủy... Trong đó, đặc biệt có cặp me kiểng hơn 150 tuổi được Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là "Cặp me kiểng cổ nhất Việt Nam" năm 2013.

Cặp me này ông sưu tầm tại Tiền Giang những năm 1990 và tạo tác cao khoảng 6m, bề hoành 1,6m. Chúng được nhiều người trả giá tiền tỉ nhưng ông chưa bán.

Theo ông Lộc, do bonsai được truyền từ đời này sang đời khác nên người và cây như tri kỷ. "Người xưa còn có quan niệm khi người chủ cây qua đời thì tất cả cây kiểng trong vườn phải mang khăn tang. Nói vậy để biết có sợi dây liên kết bền chặt giữa người và cây" - ông Lộc chia sẻ.

Bonsai có những chuẩn mực, nhưng theo ông Lộc, không nên cứng nhắc mà nghệ nhân cần sáng tạo. Từ cây thô kệch ban đầu, nghệ nhân có thể biến thành tác phẩm ấn tượng, độc đáo của riêng mình mới là nghệ nhân giỏi.

Niềm vui san sẻ nghề

Mấy năm gần đây, ông Lộc gác bớt lại việc tư vấn, thiết kế, thi công vườn kiểng để thực hiện ước mơ truyền dạy nghệ thuật. Người ta thấy ông rong ruổi từ Bắc chí Nam truyền đạt những bí quyết của mình cho thế hệ trẻ đam mê bonsai.

Những lần xuất ngoại giao lưu, ông tận mắt thấy nghề bonsai của Nhật Bản, Đài Loan... chỉ còn mang tính bảo tồn do người trẻ ít đam mê. Trăn trở gầy dựng thế hệ kế cận tạo tác bonsai Việt, ông không ngại chia sẻ bí quyết tích lũy gần 30 năm.

"Nhận thiết kế, thi công sân vườn là có tiền tỉ, nhịp đùi nhận tiền. Nhưng cái tui mong ước là gầy dựng say mê cho anh em làm nghề, như ngày xưa các bậc cha chú đã truyền lại nhiệt huyết cho tui" - ông Lộc chia sẻ.

Trực tiếp tham gia lập Hội quán Những người yêu bonsai tại TP Sa Đéc, ông mong muốn tạo sân chơi giao lưu giữa những người cùng đam mê. Phiên chợ bonsai cũng được tổ chức định kỳ vào thứ bảy, chủ nhật tuần đầu tiên của tháng nhằm giúp người đam mê cây cảnh có nơi mua bán.

Anh Nguyễn Thành Quang - thành viên hội quán - cho biết: "Anh Lộc mời các chuyên gia, tiền bối đến chia sẻ kiến thức với anh em chơi bonsai. Lối sống của ảnh hào sảng, giản dị nên được anh em yêu mến".

Nói về dự định sắp tới, ông Lộc hào hứng: "Tui sẽ cố hết mình cho việc phát triển nghề tạo tác bonsai Việt. Hi vọng sẽ kết nối được với hội bonsai các nước để nghệ nhân mình thêm phát triển"…

Kết nối bonsai Việt với quốc tế

bosai_11 (1) tn 4(read-only)

Cặp me kiểng tiền tỉ được Sách kỷ lục Việt Nam công nhận là Cặp me kiểng cổ nhất Việt Nam - Ảnh: THÀNH NHƠN

Anh Lê Văn Tâm - phó chủ tịch Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đồng Tháp - cho biết mỗi khi tỉnh tổ chức hội thi, trưng bày sinh vật cảnh thì anh Lộc đều hỗ trợ gửi cây tham dự.

"Chúng tôi đang có ý định kết nối với các nhà vườn làm bonsai bên Đài Loan để kết nối giao thương, tạo thị trường cho người trồng kiểng bonsai. Anh Lộc đã ấp ủ dự án này rất lâu, dự định sẽ thực hiện trong thời gian tới" - anh Tâm chia sẻ.

Chiêm ngưỡng những tác phẩm bonsai, suiseki tiền tỉ Chiêm ngưỡng những tác phẩm bonsai, suiseki tiền tỉ

TTO - Gần 1.000 tác phẩm nghệ thuật sinh vật cảnh, 250 tác phẩm suiseki, và hàng trăm nghệ nhân từ 50 quốc gia tranh tài tại Lễ hội triển lãm bonsai và suiseki châu Á - Thái Binh Dương lần thứ 15 năm 2019. Trong đó, nhiều tác phẩm có giá đến tiền tỉ.

THÀNH NHƠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp