Người dân đánh giá sự hài lòng qua bảng điện tử ở Sở Xây dựng TP.HCM - Ảnh: T.TR.
Cố gắng để đánh giá của Ủy ban MTTQ TP trở thành một tiếng nói độc lập, đáng tin cậy, góp phần tích cực trong công tác cải cách hành chính của TP.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân
Cuộc khảo sát độc lập do Ủy ban MTTQ VN TP.HCM tiến hành trong năm 2018 đã chỉ ra như trên. Thông tin này công bố tại hội nghị sơ kết một năm thí điểm đánh giá sự hài lòng của người dân và tổ chức với công tác cải cách hành chính trên địa bàn TP năm 2018, do Ủy ban MTTQ TP tổ chức ngày 11-4.
Kêu ca nhiều ở các quận huyện
Nói về sự cần thiết của cuộc khảo sát độc lập này, ông Vũ Thanh Lưu - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ TP - cho biết thời gian qua các sở ngành, quận huyện cũng tự tổ chức đánh giá sự hài lòng của người dân.
Kết quả đa số người dân hài lòng, thậm chí có nơi tỉ lệ hài lòng lên tới 99%, nhưng khi cán bộ Ủy ban MTTQ TP tiếp xúc với người dân, còn nhiều người than phiền thủ tục hành chính rườm rà, phải đi lại nhiều lần, cán bộ công chức giải thích các thủ tục khó hiểu gây khó khăn cho người dân.
Năm 2018, Ủy ban MTTQ TP đã khảo sát độc lập ở 2 sở (Sở Xây dựng và Sở Kế hoạch - đầu tư TP) và 3 quận huyện (Q.1, Q.12, H.Hóc Môn).
Từ hơn 38.000 hồ sơ mà các đơn vị này đã giải quyết, MTTQ TP chọn ngẫu nhiên 2.468 hồ sơ và phỏng vấn qua điện thoại hoặc mời đến hội trường Ủy ban MTTQ phường xã, quận huyện phỏng vấn trực tiếp. Kết quả có gần 1.200 người (gần 46%) đồng ý tham gia khảo sát.
Theo đó, người dân hài lòng nhất ở Sở Kế hoạch - đầu tư TP là quy trình tiếp nhận và xử lý hồ sơ nhanh, thuận lợi. Ở Sở Xây dựng TP, người dân hài lòng nhất là công chức có thái độ tốt. Với các quận huyện còn lại, đây cũng là lý do chính khiến người dân hài lòng.
Về lý do không hài lòng, chủ yếu người dân đánh giá thủ tục hành chính còn rườm rà, chưa công khai rõ ràng cho dân biết, thời gian xử lý hồ sơ kéo dài mà không có giải thích thỏa đáng.
Theo chấm điểm của người dân, Sở Xây dựng TP và UBND Q.1 nhận được nhiều điểm 9-10 nhất (cùng 54%), còn H.Hóc Môn nhận nhiều điểm dưới 6 nhất (25%). H.Hóc Môn cũng nhận được nhiều đánh giá chưa tích cực từ người dân.
Thậm chí đây là đơn vị duy nhất có ý kiến không hài lòng vì lý do công chức vòi vĩnh, nhũng nhiễu đòi thêm tiền lệ phí không có hóa đơn.
Xử lý triệt để sau khảo sát
Ông Trần Trọng Tuấn, giám đốc Sở Xây dựng TP, cho rằng việc khảo sát về mức độ hài lòng của người dân là rất cần thiết và mong muốn Sở Xây dựng TP tiếp tục được Ủy ban MTTQ TP khảo sát trong những năm tiếp theo.
"Mỗi tháng Sở Xây dựng TP giải quyết hàng ngàn hồ sơ, nên một vài thiếu sót có khi sẽ thấy nhỏ. Nhưng đối với người dân, có khi cả đời họ chỉ tiếp xúc với cơ quan nhà nước một vài lần, nên nếu bị làm sai hoặc phiền hà thì họ sẽ rất buồn, rất bức xúc" - ông Tuấn nhìn nhận.
Ông Tuấn cũng đề nghị có thông tin cụ thể từ khảo sát của Ủy ban MTTQ TP để xem cán bộ công chức nào, khâu nào làm chưa tốt, chưa đúng nhằm xử lý triệt để.
Theo kế hoạch của Ủy ban MTTQ TP, năm 2019 dự kiến mở rộng khảo sát sự hài lòng của dân ở các sở: Tài nguyên - môi trường, Tư pháp, Y tế, Cục Hải quan, Cục Thuế, UBND 24 quận huyện và UBND 319 phường xã, thị trấn.
Góp ý với kế hoạch này, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng nên giảm bớt phường xã, còn các quận huyện, sở ngành khảo sát hết.
Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh công tác khảo sát sự hài lòng của người dân cần tập trung vào những vấn đề người dân chưa hài lòng. Chẳng hạn ở cấp phường xã nên tập trung vào các thủ tục nhà đất, thay vì chứng thực sao y, hộ tịch là những thủ tục đơn giản, ít phiền hà.
Dân có tin, mới tham gia khảo sát
Có một vấn đề là tỉ lệ người dân tham gia đánh giá sự hài lòng đối với cơ quan công quyền thường không cao, có nơi chỉ 4-5% người dân tham gia. Làm thế nào để người dân tích cực tham gia đánh giá hơn?
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, bà Tô Thị Bích Châu, chủ tịch Ủy ban MTTQ TP, cho rằng bà cũng rất quan tâm đến vấn đề này. Theo bà Châu, việc đánh giá cơ quan công quyền là một việc mới, nhạy cảm.
Người dân chưa có thói quen phản hồi, còn e ngại tham gia khảo sát, trả lời câu hỏi qua loa, chưa có niềm tin các phản hồi của mình sẽ đem lại kết quả.
"Theo tôi, phải làm sao để người dân tin tưởng rằng ý kiến của họ sẽ được xử lý và có thể góp phần thay đổi tích cực hơn. Đồng thời phải tuyên truyền để người dân thấy được trách nhiệm của mình; muốn cải cách, muốn rút ngắn thủ tục thì cũng phải góp phần mình bằng ý kiến đóng góp, chứ không chỉ ngồi kêu ca, than phiền" - bà Châu nhấn mạnh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận