1

"Khai quật" bão số 13 đổ bộ miền Trung


Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 2.

Dự đoán đường đi của siêu bão Hải Yến năm 2013 được "khai quật" vào tháng 11-2017

Ngày 5-11-2017, khi cơn bão số 12 vừa quét qua miền Trung, gây tang thương, thiệt hại lớn, trên mạng xã hội bắt đầu chia sẻ thông tin xuất hiện siêu bão số 13, mang tên Hải Yến, dự kiến đổ bộ trong 'vài ngày tới' vào miền Trung. 

Thật ra "siêu bão số 13 mang tên Hải Yến" là cơn bão năm 2013, được dự báo là "mạnh nhất lịch sử Biển Đông", dự kiến đổ bộ vào Đà Nẵng lúc 7h ngày 10-11-2013.

Rất may khi đó, bão Hải Yến đã đổi hướng, không đi vào đất liền Việt Nam.

Các ý kiến trên Facebook cũng lên án rất dữ dội hành động chia sẻ lại về bão số 13 năm 2013 để "câu view" nhưng đã gây hoang mang cực độ. 

2

Đồn vỡ đập Sông Tranh 2


Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 4.

Thủy điện Sông Tranh 2 - Ảnh: LÊ TRUNG

Khi mưa lũ đang gây tang tóc ở miền Trung và có động đất nhẹ ở khu vực này, đầu tháng 11 trên mãng xã hội xuất hiện thông tin đập Sông Tranh 2 vỡ đập khiến người dân vùng hạ du các huyện như: Bắc Trà My, Hiệp Đức, Nông Sơn,TP Hội An rất hoang mang. Nhiều gia đình phải dọn nhà lên núi, lên chỗ cao để lánh nạn. 

Trưa 6-11, Thứ trưởng Bộ Công thương Hoàng Quốc Vượng đang thị sát tình hình mưa lũ tại nhà máy cũng bác bỏ tin này.

Ông Vượng khẳng định: "Công trình Nhà máy thủy điện Sông Tranh 2 đang trong tình trạng an toàn. Việc đưa tin vỡ đập Sông Tranh là hoàn toàn thất thiệt. Tôi đề nghị bà con cứ yên tâm, không hoảng loạn dẫn đến các sự cố đáng tiếc".

3

Bà Melania Trump có "thế thân"


Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 6.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump không hề có "thế thân" - Ảnh: REUTERS

Tháng 10-2017, một người tên Joe Vargas tung tin trên Twitter rằng có thể Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump đã bị "thay thế" bởi một ai đó. 

Tin vịt rõ như ban ngày này vẫn thu hút được nhiều người tin (có thể vì quá ghét Tổng thống Donald Trump), còn Vargas cũng rất tích cực "bảo vệ" những ai cho rằng mình xạo. 

Tin giả này được xem là một trong những ví dụ cho thấy tin giả trong thời buổi hiện nay không nhất thiết phải vì mục đích chính trị mà chỉ là tin spam.

4

Bão Harvey "cuốn" cá mập đến Houston


Ngày 27-8, khi thành phố Houston, bang Texas, Mỹ phải vật lộn với những cơn mưa to do bão Harvey gây ra, một người tên Jason Michael đưa lên Twitter tấm ảnh đã được chỉnh sửa photoshop và khẳng định có cá mập bơi trên xa lộ ở Houston. 

Và vì Twitter luôn là nơi tin đồn tràn đi như vũ bão, nhất là khi đang có... bão lũ, bức ảnh photoshop này được chia sẻ chóng mặt, làm tăng thêm hoang mang giữa cảnh mưa gió bão bùng. 

Cho đến ngày 27-12, tin vịt do Michael tung ra được chia sẻ lại đến 87.494 lượt trên Twitter.

5

Melania Trump "đạo văn" Michelle Obama


Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 10.

Đệ nhất phu nhân Mỹ Melania Trump trong một lần phát biểu - Ảnh: REUTERS

Tháng 9-2017, sau khi phát biểu tại Liên Hiệp Quốc, đệ nhất phu nhân Melania Trump bị tố là "đạo" một đoạn trong diễn từ năm 2014 của bà Michelle Obama. Một bức ảnh chế đặt hai bài phát biểu cạnh nhau để thấy sự giống nhau được lan truyền trên mạng, khiến dân tình "ném đá" tân đệ nhất phu nhân.

Tuy nhiên, phần phát biểu của bà Trump là hoàn toàn giả. Đoạn văn được cho là "cọp dê" đó thực tế không hề xuất hiện trong diễn từ của đương kim đệ nhất phu nhân. 

Kẻ tung tin vịt đã tự thêm vào và nhiều người tin sái cổ, nhiệt tình chia sẻ tấm ảnh chế mà không tự mình tìm toàn văn hay chí ít nghe lại bài phát biểu (có thể xem trên mạng) của vợ tổng thống Trump.

6

Morgan Freeman giục Trump bỏ tù Hillary Clinton

Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 12.

Một chia sẻ bản tin giả về Morgan Freeman trên Twitter

Cuối tháng 10-2017, trang web thường xuyên đăng tin vịt Your News Wire đăng bài phỏng vấn diễn viên nổi tiếng Morgan Freeman với nhiều trích dẫn "tưởng tượng". 

Bài báo "nhét chữ vào mồm" nam tài tử gạo cội rằng ông đã thúc giục tổng thống Trump mau mau bỏ tù bà Clinton để khôi phục niềm tin vào chính quyền của ông.

Your News Wire cho rằng ông Freeman đã nói như trên khi tham gia quảng bá bộ phim tài liệu The Story of Us của National Geographic ở New York. Song trang này không đưa được đoạn video làm chứng nào, vì làm gì có một đoạn băng như thế!

7

Bỗng dưng thành "sát thủ Las Vegas"

Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 14.

Bức ảnh và tin giả lan truyền trên Internet về Geary Danley, người bị vu là hung thủ xả súng Las Vegas

Sau vụ xả súng tại sự kiện âm nhạc ở Las Vegas ngày 1-10, ông Geary Danley "bỗng dưng" bị điểm mặt trên mạng xã hội là kẻ thủ ác. Nguyên nhân có thể là vì ông là chồng cũ bà Marilou Danley, bạn gái của hung thủ thực sự là Stephen Paddock.

Ngay cả khi cảnh sát đã chính thức công bố Paddock là hung thủ, tin giả về Geary Danley vẫn tiếp tục lan đi trên mạng, và tờ Independent (Anh) nhận định việc này dường như phục vụ cho một âm mưu chính trị!

8

Google, Youtube "thị thiền" cho tin giả


Cũng liên quan tới vụ xả súng tại Las Vegas,  YouTube và Google đang hứng chịu chỉ trích từ các nạn nhân sống sót sau vụ xả súng đẫm máu ở Las Vegas vì cáo buộc quảng bá cho các "thuyết âm mưu" cho rằng thảm kịch này chỉ là một màn kịch của chính phủ.

Theo Guardian, một video trên YouTube khẳng định các vụ xả súng tại Mỹ trong những năm gần đây đều là màn kịch do chính phủ dựng nên để thúc đẩy kiểm soát súng đạn.

Video này thậm chí còn trưng ra "bằng chứng" là những tấm ảnh chụp nạn nhân trong các vụ xả súng khác nhau đều xuất hiện một cô gái trẻ vừa ôm mặt khóc vừa gọi điện cho người thân, và khẳng định đây chỉ là một diễn viên được thuê để che mắt người dân.

9

Fan cuồng Angelina Jolie thành "xác sống" vì phẫu thuật thẩm mỹ

Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 17.

Bức ảnh đáng sợ này là sản phẩm của Photoshop chứ không phải hậu quả của 50 lần phẫu thuật thẩm mỹ - Ảnh: INSTAGRAM/ Sahar Tabar

Cuối tháng 11-2017, cô gái Iran 19 tuổi Sahar Tabar "gây bão" trên mạng xã hội khi tuyên bố đã phẫu thuật thẩm mỹ 50 lần để giống thần tượng, nữ diễn viên nổi tiếng Angelina Jolie. 

Tuy nhiên, bức ảnh mà Tabar đăng trên Instagram lại cho thấy cô chẳng khác nào một "xác sống" (zombie), với gương mặt biến dị và làn da xám ngoét. 

Bức ảnh và câu chuyện khó tin nhanh chóng lan truyền trên mạng xã hội và nhiều trang báo mạng, cho đến đầu tháng 12, khi cô nàng Iran thừa nhận mình đã tự tung tin giả như thế với bức ảnh được photoshop.

10

Các nguyên thủ "vây quanh" Tổng thống Putin

Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 19.

Bức ảnh được cho là trông giống như tranh thời Phục hưng, ngụ ý chỉ bức "Bữa tối cuối cùng" khi các môn đồ bao quanh Chúa Jesus - REUTERS

Đầu tháng 7-2017, khi Hội nghị thượng đỉnh G20 diễn ra ở Đức, báo chí phương tây và mạng xã hội dậy sóng với bức ảnh các nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới trong đó có Tổng thống Mỹ Donald Trump vây quanh Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Tấm ảnh gây bão trên Twitter này sau đó đã được xác định là sản phẩm của Photoshop. Dù không xác định được ai là người đầu tiên đưa tấm hình có chỉnh sửa này lên mạng, nhiều ý kiến cho rằng Nga đứng đằng sau vụ này để phô trương quyền lực của ông Putin.

Trong tấm ảnh thật của hãng Getty Images, vị trí của ông Putin thật ra là chiếc ghế trống, vốn dành cho thủ tướng Anh, dựa theo bảng tên để trên bàn.

11

Lấy vợ Iceland được trả 5.000 USD mỗi tháng


Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 21.

Một cổ động viên Iceland xinh đẹp ở World Cup 2016 - Ảnh: REUTERS

Tháng 9-2017, nam giới tại Việt Nam và nhiều nơi khác trên thế giới "phát sốt" vì thông tin nên những người nhập cư Iceland nếu lấy vợ người bản xứ sẽ được hưởng 5.000 USD/tháng do lẽ quốc gia châu Âu này "quá thiếu đàn ông".

Tin vịt được cho là xuất hiện đầu tiên vào cuối tháng 6-2016 từ một số trang tin tức trên mạng không đáng tin cậy tại châu Phi và được The Spirit Whispers cùng một số trang khác xới lại vào năm 2017.

Trang tin chuyên kiểm chứng tin giả Snopes đã khẳng định thông tin này là sai.

Đại sứ quán Đan Mạch tại Ai Cập, đơn vị xử lý các vấn đề liên quan tới Iceland trong khu vực, cũng thông báo chính thức trên Facebook rằng "thông tin thời gian qua lan truyền trên mạng Internet về việc chính phủ Iceland cấp tiền cho những người nhập cư kết hôn với phụ nữ Iceland là KHÔNG ĐÚNG".

12

Bão tin giả quanh siêu bão Irma đổ bộ nước Mỹ

Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 23.

Hiện trường bão Irma ở Miami, nhưng không có chuyện bão này "phá hủy New York" - Ảnh: REUTERS

Ngày 5-9-2017, một trang tin có tên NewsPunch.com tung tin siêu bão Irma sẽ xóa xổ 5 quận và hầu hết khu vực New Jersey ở New York, làm dư luận hoang mang. 

Tuy nhiên, trang tin chuyên kiểm chứng tin giả mạo PolitiFact sau đó ba hôm đã nhanh chóng xác định đây là tin giả mạo. NewsPunch thực ra chính là trang Your News Wire đổi tên mà thành.

Cũng liên quan đến tin giả trong vụ bão Irma là chuyện giám đốc mạng xã hội của tổng thống Mỹ Donald Trump, Dan Scavino Jr cũng "ăn quả lừa". 

Trong thời điểm bão Irma đổ bộ Florida, gây thiệt hại cực lớn với nước Mỹ, Dan Scavino Jr. đăng lên tài khoản Twitter một đoạn clip cảnh ngập lụt ở sân bay và cho rằng đó là sân bay quốc tế Miami.

Song, vị giám đốc này phải lẳng lặng tháo đoạn clip này xuống khoảng 30 phút sau mà không hề 'viết đính chính', vì đại diện sân bay khẳng định đó là ảnh chụp nơi khác và thời điểm khác.

13

Bé Frida Sofia sống sót sau động đất là "nhân vật hư cấu"


Việc bé gái 12 tuổi tên Frida Sofía được cứu sống một cách kỳ diệu  trong đống đổ nát của ngôi trường Enrique Rebsámen ở thành phố Mexico City sau trận động đất kinh hoàng ngày 8-9 tại Mexico từng gây xúc động mạnh cho bao người , hóa ra không có thật. 

Thông tin tiết lộ chuyện chưa từng có một bé gái nào tên là Frida Sofía bị mắc kẹt đã khiến nhiều người dân Mexico nổi giận. Họ cảm thấy như mình đã bị báo chí và các quan chức chính quyền "nhồi" cho một câu chuyện giả dối về hy vọng.

14

Bắt chó thả rông ở TP.HCM cho sư tử ăn


Hãi hùng những tin giả của năm 2017 - Ảnh 26.

Chó thả rông bị bắt ngày 15-9 - Ảnh: QUANG KHẢI

Ngày 29-9, Chi cục trưởng Chi cục Thú y TP.HCM khẳng định không có chuyện đơn vị này đề xuất cho bắt chó thả rông làm mồi nuôi sư tử ở Thảo Cầm Viên như thông tin trên mạng.

Ông Phạm Văn Tân, giám đốc Thảo Cầm Viên, cho biết không thể dùng động vật sống như chó làm mồi cho sư tử, hổ được nuôi dưỡng tại đây vì rất phản cảm, không chấp nhận được; cũng chưa từng có văn bản đề xuất sử dụng chó hay động vật khác làm mồi cho thú nuôi ở Thảo Cầm Viên.  

Trước đó, nhiều trang mạng đăng thông tin Chi cục Thú y TP.HCM đề xuất với UBND TP.HCM cho bắt chó thả rông làm mồi cho sư tử nuôi ở Thảo Cầm Viên.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên

    Tin cùng chuyên mục

    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp