Bóng chiếc máy bay P3 Orion của không quân New Zealand bay trên bầu trời Ấn Độ Dương để tìm kiếm máy bay MH370 - Ảnh: Reuters |
Có người cho rằng Mỹ hoặc Nga đã bắn rơi máy bay MH370, nó bị không tặc chiếm và hạ cánh xuống Afghanistan, thậm chí có thể máy bay đã bị người ngoài hành tinh bắt cóc... Tuy nhiên có hai giả thuyết được giới chuyên gia và truyền thông đánh giá là hợp lý hơn cả.
Lửa cháy trong buồng lái
Trên trang Wired, phi công Chris Goodfellow với 20 năm kinh nghiệm cho rằng có thể lửa đã bốc lên từ buồng lái do chập điện. Trong trường hợp đó, phản ứng đầu tiên của phi công là ngắt các cần nối mạch điện cho đến khi cô lập được mạch điện bị chập. Khi đó, máy bay sẽ ngừng truyền dữ liệu về đài kiểm soát không lưu.
Vụ hỏa hoạn trong buồng lái đó có thể là tai nạn nghiêm trọng đến mức các phi công phải tập trung toàn bộ sức lực vào việc kiểm soát máy bay. Việc liên hệ với đài kiểm soát không lưu không còn là ưu tiên hàng đầu. Cháy mạch điện có thể gây khói hoặc không. Nhưng còn có một khả năng nữa là do bộ phận hạ cánh bị nóng quá mức, bánh lái hạ cánh có thể bị cháy.
Điều này đã từng xảy ra trong một chuyến bay ở Nigeria. Cháy bánh lái sẽ dẫn tới khói độc mù mịt. Chuyên gia Goodfellow đánh giá việc máy bay bất ngờ đổi hướng có thể do cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah quyết định tìm sân bay gần nhất để hạ cánh. Bởi khi hỏa hoạn xảy ra, việc làm đầu tiên là phải hạ cánh máy bay.
“Các phi công có kinh nghiệm như chúng tôi luôn biết rõ đâu là sân bay gần nhất trên tuyến đường để hạ cánh khẩn cấp. Khi ông ấy đổi hướng bay, tôi biết rằng ông ấy tìm đến một sân bay gần nhất. Khi đó có thể ông ấy muốn đến sân bay Palau Langkawi gần hơn Kuala Lumpur và có địa hình thuận lợi hơn” - ông Goodfellow khẳng định.
Các phi công có thể đã tăng độ cao máy bay lên 13.000 m, nơi mật độ ôxy ngoài không khí thấp nhất, để dập ngọn lửa. Nhưng ở độ cao này rất khó giữ máy bay ổn định. Khả năng máy bay bị khựng lại là có thể xảy ra. Trên thực tế dữ liệu rađa cho thấy máy bay giảm độ cao rất mạnh xuống 7.620 m trước khi lấy lại sự cân bằng.
Cũng có thể các phi công đã giảm độ cao đột ngột nhằm vô hiệu hóa ngọn lửa. Và khói trong buồng lái có thể khiến các phi công bị ngất đi. Trong buồng lái có mặt nạ dưỡng khí nhưng không trụ được bao lâu. Các phi công ngất đi, máy bay tiếp tục bay cho tới khi cạn nhiên liệu và rơi xuống khu vực phía nam Ấn Độ Dương.
“Đây là giải thích đơn giản rằng tại sao phi công lại chuyển hướng bay. Cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah là một người thông minh. Ông ấy chỉ không có đủ thời gian để cứu máy bay” - phi công Goodfellow khẳng định.
Phi công tự sát
Theo báo New York Times, giả thuyết phi công chủ động lái máy bay đâm xuống phía nam Ấn Độ Dương là thuyết phục nhất và có nhiều khả năng xảy ra nhất. “Đây là khả năng hợp lý nhất vì nó phù hợp với các diễn biến đã xảy ra” - chuyên gia hàng không Úc Peter Marosszeky nhận định.
Cựu phi công Malaysia Airlines Nik Huzlan, một người bạn thân của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah, cho rằng chỉ có sự can thiệp cố ý của một người trong buồng lái thì mới khiến máy bay bất ngờ đổi hướng, tắt mọi liên lạc với đài kiểm soát không lưu, rồi bay liên tục sáu giờ cho đến khi máy bay hết nhiên liệu và rơi xuống đại dương.
Các nhà điều tra Malaysia và nhiều chuyên gia quốc tế đồng ý rằng dựa trên các bằng chứng ít ỏi có được trong tay, nhiều khả năng cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah hoặc cơ phó Fariq Abdul Hamid là hung thủ lái máy bay đâm xuống biển.
Chuyên gia Neil Hansford, chủ tịch Hãng Strategic Aviation Solution, nhận định có thể cơ trưởng Zaharie đã chờ khi cơ phó Fariq rời buồng lái để tắt hệ thống liên lạc.
Một điểm nghi vấn là cơ trưởng Zaharie yêu cầu tiếp rất nhiều nhiên liệu cho máy bay dù đoạn đường Kuala Lumpur tới Bắc Kinh không dài.
“Ông ấy có đủ nhiên liệu để bay từ Kuala Lumpur tới Bắc Kinh rồi vòng lại, rồi bay thêm vài giờ nữa. Trong thời điểm giá nhiên liệu cao các máy bay chỉ mang theo lượng nhiên liệu đủ dùng” - chuyên gia Hansford nhấn mạnh.
Trước đây đã từng xảy ra vài vụ phi công tự sát cùng máy bay, như chiếc Boeing 737 của SilkAir đâm ở Indonesia năm 1997 hay một chiếc máy bay của Egypt Air rơi tại Mỹ năm 1999. Dù vậy, phân tích tâm lý của cơ trưởng Zaharie Ahmad Shah cho thấy ông không có động cơ nào để tự sát cùng máy bay.
Chưa rõ số phận chiến dịch tìm kiếm Theo báo Wall Street Journal, nhiều khả năng chiến dịch tìm kiếm máy bay MH370 sẽ bị thu hẹp hoặc dừng lại hoàn toàn sau tháng 5. Mới đây Cục An toàn giao thông Úc, cơ quan điều phối cuộc tìm kiếm, cho biết rất nhiều đầu mối đáng kể về vị trí máy bay đã bị xác định là không đem lại kết quả. Chính phủ Úc sẽ nhóm họp với Malaysia và Trung Quốc vào tháng tới để ra quyết định. Dù vậy, một số nguồn tin từ Malaysia cho biết nước này sẽ nỗ lực duy trì cuộc tìm kiếm kể cả khi Úc rút lui. Nhưng Malaysia thiếu các thiết bị dò tìm đủ hiện đại. Chi phí cuộc tìm kiếm hiện nay lên đến 93 triệu USD, chủ yếu do Úc và Malaysia đóng góp. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận