Chiều 3-10, Tổ chức Động vật châu Á đã chuyển hai chú gấu ngựa từ Hà Nội về Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 nằm trong khuôn viên Vườn quốc gia Bạch Mã (huyện Phú Lộc, Thừa Thiên Huế).
Hai chú gấu ngựa nói trên được một hộ gia đình tại xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ, Hà Nội tự nguyện chuyển giao và không đòi hỏi bất cứ nguồn kinh phí nào.
Hai chú gấu khi được cứu hộ có sức khỏe tương đối tốt, được các bác sĩ thú y của Tổ chức Động vật châu Á khám sàng lọc và chuyển lên xe đưa ra Huế.
Hai chú gấu này là hai "cư dân" đầu tiên của Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 trên núi Bạch Mã. Tên của hai chú gấu là Amstrong (gấu đực) và Buzz (gấu cái) - tên của hai phi hành gia đầu tiên đặt chân lên Mặt trăng.
Trong hành trình hơn 800km đưa từ Hà Nội ra Huế, cứ 2 - 3 tiếng đi trên đường, nhân viên chăm sóc sẽ kiểm tra và tiếp nước, lá chuối cho gấu ăn để đảm bảo sức khỏe.
Sau khi đến "nhà mới", hai chú gấu được các nhân viên cho ăn mật ong pha sữa rồi đưa vào khu cách ly theo dõi sức khỏe. Chúng được theo dõi ở khu này từ 30 - 45 ngày, sau đó sẽ đưa vào khu nhà riêng của gấu.
Được biết tổng kinh phí xây dựng Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 ở Huế hơn 10 triệu USD.
Ông Tuấn Bendixen - giám đốc Tổ chức Động vật châu Á, đồng giám đốc Ban quản lý dự án Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam tại Bạch Mã - cho biết sau khi hoàn thiện, nơi đây đủ chỗ để cứu hộ hơn 300 cá thể gấu.
Dự kiến đến cuối năm nay, trung tâm sẽ tiếp nhận khoảng 50 cá thể gấu trên cả nước về đây.
"Chúng tôi chọn Bạch Mã để xây dựng trung tâm cứu hộ gấu bởi nơi đây có khí hậu tuyệt vời, thích hợp cho sự sinh sống và phát triển của loài động vật này. Chúng tôi cũng đang nghiên cứu về việc tái thả một số gấu về với khu vực tự nhiên ở nơi đây", ông Tuấn nói.
Trung tâm cứu hộ gấu 12,7ha
Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam cơ sở 2 được xây dựng ở khu hành chính của Vườn quốc gia Bạch Mã, trên diện tích 12,7ha.
Trung tâm bao gồm 12 nhà gấu, 12 khu bán hoang dã, khu hành chính và khu nghỉ cho nhân viên, khu cách ly, khu bệnh viện thú y, khu chế biến thức ăn cho gấu, khu xử lý chất thải và các khu tiện ích cơ sở hạ tầng khác.
Trung tâm sẽ có năng lực nuôi cứu hộ hơn 300 cá thể gấu tiếp nhận từ các cơ sở nuôi gấu tư nhân, các vụ vi phạm.
Ngoài ra, trung tâm cũng thực hiện các hoạt động nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ loài gấu và lồng ghép vào chương trình nghiên cứu tái thả, bảo tồn loài gấu trong tự nhiên để việc bảo tồn gấu được bền vững.
Một số hình ảnh tại buổi tiếp nhận hai cư dân gấu đầu tiên ở Trung tâm cứu hộ gấu Việt Nam trên núi Bạch Mã:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận