22/06/2011 06:23 GMT+7

Hai đại gia ngân hàng Mỹ hầu tòa

H.TRUNG - T.PHƯƠNG (Theo Wall Street Journal, Bloomberg, Guardian)
H.TRUNG - T.PHƯƠNG (Theo Wall Street Journal, Bloomberg, Guardian)

TT - Chính phủ Mỹ đã kiện hai ngân hàng là J.P. Morgan Chase và RBS (Ngân hàng hoàng gia Scotland) vì đã lừa năm quỹ tiết kiệm lớn mua hơn 3 tỉ USD chứng khoán xấu dẫn đến bị sụp đổ.

ZluuwBi7.jpgPhóng to
RBS và J.P.Morgan là hai đại gia ngân hàng đầu tiên bị NCUA chỉ mặt điểm tên - Ảnh: Reuters

Cơ quan quỹ tiết kiệm quốc gia (NCUA) đòi J.P. Morgan và RBS bồi thường 843 triệu USD vì đã “đưa thông tin bóp méo sự thật”, lừa năm quỹ tiết kiệm lớn, là thành viên của NCUA, mua trái phiếu đảm bảo bằng các khoản vay địa ốc thế chấp “chắc chắn sẽ giảm giá”. Đơn kiện cho biết khi trình bày kế hoạch mua trái phiếu, J.P. Morgan và RBS đã đưa cho các nhà đầu tư tài liệu chứa “những thông tin không đúng sự thật” hoặc “thiếu thông tin đúng sự thật”. Theo NCUA, J.P. Morgan và RBS đã vi phạm luật pháp liên bang.

Trái phiếu rớt giá thảm hại

Trong đơn kiện lên Tòa án Kansas, NCUA đòi RBS bồi thường 565 triệu USD vì vụ bán trái phiếu cho USCCCU, một quỹ tiết kiệm ở Kansas. NCUA cũng đòi J.P.Morgan bồi thường 278 triệu USD liên quan đến USCCCU và bốn quỹ tiết kiệm đã sụp đổ khác là MUCCU, SCCU, CCCU và WCCU.

Dẫn chứng một trường hợp cụ thể: tháng 11-2006, USCCCU mua 120,8 triệu USD trái phiếu đảm bảo bằng các khoản vay địa ốc thế chấp. Khi đó, số trái phiếu này có định mức đầu tư là AA hoặc cao hơn. Tuy nhiên, chỉ một tháng sau khi phát hành, số trái phiếu này đã mất giá trị 206.255 USD do người vay địa ốc không kịp trả nợ.

Số tiền này lại tăng lên 1,3 triệu USD sau hai tháng, 16 triệu USD sau ba tháng, 26 triệu USD sau sáu tháng và 74,5 triệu USD sau chín tháng. Sau một năm, số trái phiếu này mất 105,9 triệu USD giá trị.

Tính đến tháng 5-2007, USCCCU đã đầu tư tới 16 tỉ USD, tương đương 34% tổng đầu tư của mình, vào trái phiếu đảm bảo bằng các khoản vay địa ốc đầy mạo hiểm. Đến tháng 3-2009, NCUA đã phải đứng ra bảo lãnh tài sản của USCCCU và đến tháng 9-2010 thì quyết định đóng cửa quỹ tiết kiệm này.

Các quan chức NCUA cho biết họ sẽ còn kiện ít nhất tám ngân hàng khác vì đã bán chứng khoán xấu trị giá 3 tỉ USD cho năm quỹ tiết kiệm trên.

“NCUA có trách nhiệm làm tất cả trong quyền hạn để đòi bồi thường tối đa từ những tổ chức phát hành và bán các loại chứng khoán xấu, dẫn đến việc sụp đổ của năm quỹ tiết kiệm - chủ tịch NCUA, bà Debbie Matz, khẳng định - Những kẻ gây thiệt hại cho hệ thống quỹ tiết kiệm phải chi trả những khoản lỗ này”. Ước tính NCUA sẽ đòi bồi thường tới hàng tỉ USD.

Hàng ngàn tỉ USD chứng khoán xấu

Theo báo cáo của Thượng viện Mỹ, các ngân hàng Phố Wall đã bán khoảng 2.400 tỉ USD chứng khoán đảm bảo bằng các khoản vay thế chấp cho các nhà đầu tư từ năm 2004 đến 2007. Phần lớn số chứng khoán này đã sụt giá thảm hại khi giá nhà ở Mỹ bắt đầu giảm từ giữa năm 2006.

Trong cuộc khủng hoảng thị trường địa ốc thứ cấp và sau đó là khủng hoảng tài chính, rất nhiều trong tổng số 7.000 quỹ tiết kiệm Mỹ, đóng vai trò quan trọng trong hoạt động cho vay cộng đồng, đã bị thiệt hại nặng nề.

Hơn 40 quỹ tiết kiệm đã sụp đổ kể từ đầu năm 2009, và các quỹ tiết kiệm còn tồn tại buộc phải chịu lỗ nặng, dẫn đến việc phải tăng lãi suất cho vay. Tới nay, NCUA phải ôm khoảng 50 tỉ USD trái phiếu, mà hiện giá trị thị trường chỉ còn bằng một phần rất nhỏ của số tiền mua ban đầu. Sau khi tái cơ cấu 28 tỉ USD trái phiếu và bán đi 10 tỉ USD, tổng lỗ mà NCUA phải gánh chịu khoảng 7-9 tỉ USD. Chủ tịch NCUA Debbie Matz khẳng định đây là cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất trong lịch sử các quỹ tiết kiệm Mỹ.

Thế nhưng, trong khi làm cho các nhà đầu tư điêu đứng thì các ngân hàng Phố Wall vẫn sống khỏe và đảm bảo mức lương cao, thưởng lớn cho giới lãnh đạo và nhân viên của mình. Năm ngoái, RBS đã thưởng cho nhân viên tổng cộng 2,6 tỉ USD. Ở J.P. Morgan, năm 2010, riêng tổng giám đốc Jamie Dimon đã nhận được tổng cộng 21 triệu USD tiền lương thưởng.

Vụ kiện của NCUA diễn ra trong bối cảnh các ủy ban quốc hội và chính phủ Mỹ đang điều tra hoạt động của hàng loạt ngân hàng Phố Wall trước và trong cuộc khủng hoảng tài chính. Giới chính trị gia và công chúng Mỹ đang gây áp lực buộc Washington phải có các biện pháp cứng rắn hơn đối với Phố Wall.

Trước đó vào năm 2010, Tập đoàn Goldman Sachs đã bị Ủy ban chứng khoán Mỹ cáo buộc lừa đảo và buộc phải trả hơn 550 triệu USD để thu xếp êm vụ việc. Theo Financial Times, nhiều ngân hàng nữa cũng đang thương lượng với chính phủ để dàn xếp êm các vụ việc bằng những khoản bồi thường tương tự.

H.TRUNG - T.PHƯƠNG (Theo Wall Street Journal, Bloomberg, Guardian)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp