Cô Hoàng Thị Thắm (trái) và cô Hoàng Thị Hiếu cùng các học sinh ở Trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba - Ảnh: NAM TRẦN |
Đó là cô Hoàng Thị Thắm (32 tuổi) và cô Hoàng Thị Hiếu (29 tuổi), quê ở huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị. Trường mầm non - tiểu học Hoa Phong Ba với 12 em nhỏ học ghép với nhau. Nơi đó có hai cô giáo gắn bó với con trẻ suốt gần 10 năm qua.
Ngày đầu đặt chân đến đảo Cồn Cỏ, cả cô Thắm và cô Hiếu đều thấy thương những đứa trẻ nơi đây vì cuộc sống quá thiếu thốn, thiếu điện, thiếu nước, phải trông chờ vào nước mưa để có nước sinh hoạt.
Cô Thắm kể bố mẹ các học sinh thường xuyên đi biển hay đi công tác, nên khi đó cô Thắm, cô Hiếu vừa là cô vừa thay bác sĩ chăm sóc các em lúc đau ốm. Ở Trường Hoa Phong Ba chỉ có hai cô giáo thay nhau giảng dạy kiến thức.
“Nếu một trong hai chúng tôi ốm đau hoặc có chuyện gia đình ở trong bờ thì người còn lại sẽ cố gắng duy trì để lớp không nghỉ. Vì tình yêu các con, vì công việc, chúng tôi phải cố gắng nhiều hơn” - cô Hiếu nói.
Cả cô Thắm và cô Hiếu đều có riêng cho mình gia đình nhỏ trên đảo, nhưng chồng đi công tác thường xuyên, một mình các cô nuôi con nhỏ nên lại càng thấm thía sự khó khăn nơi biển đảo. Căn nhà huyện đảo cho mượn là nơi cô Thắm và cô Hiếu ở tạm cùng các con, tự tay các cô trồng rau xanh, nuôi gà vịt để tăng gia vì cuộc sống trên đảo còn nhiều thiếu thốn.
Năm 2008, khi nghe tin huyện đảo Cồn Cỏ tuyển dụng giáo viên mầm non, ngay lập tức cô giáo trẻ Hoàng Thị Thắm nộp đơn xin ra đảo. Tròn 24 tuổi, cô Thắm trở thành cô giáo đầu tiên ra đảo công tác.
“Mừng vì được làm công việc mình yêu thích, lo vì thân con gái phải đi xa một mình, không người thân bên cạnh” - cô Thắm chia sẻ.
Cũng như cô Thắm, ngay sau khi tốt nghiệp Trường trung cấp Mầm non Đắk Lắk, biết tin huyện đảo có chính sách tuyển dụng giáo viên mầm non, cô Hoàng Thị Hiếu đã nộp đơn xin ra đảo. Khi đó Hiếu vừa tròn 21 tuổi.
Cô Hiếu kể: “Tôi nhớ như in ngày đầu bước chân lên đảo, trước mắt chỉ là cảnh vật hoang sơ, lạ lẫm. Nhưng với tuổi trẻ lại muốn khám phá ngay, muốn góp phần dạy dỗ cho các em nơi mảnh đất này”.
Chia sẻ về những khó khăn ngoài đảo xa, cả hai cô giáo đều mỉm cười: “Khó khăn nhiều lắm, nơi đâu cũng thấy thiếu thốn. Khổ nhất, sợ nhất là những lúc mưa bão ập tới. Nhưng những lúc đó chúng tôi lại muốn bám đảo để gần bên các con”.
Nhớ lại trận bão lịch sử năm 2013, cô Hiếu vẫn còn thoảng thốt: “Sau trận bão, mọi thứ trước mắt đều hoang tàn. Lớp học ở Hoa Phong Ba chỉ còn là đống đổ nát, chìm trong biển nước. Khi đó tôi đang bụng mang dạ chửa, lại xa chồng, cũng may có sự giúp đỡ của bộ đội và thanh niên trên đảo cùng vượt qua khó khăn”.
Vượt qua mọi thiếu thốn, gần 10 năm trôi đi, lớp học Hoa Phong Ba trên huyện đảo Cồn Cỏ nay khang trang hơn trước dù còn nhiều thiếu thốn về thiết bị và đồ dùng học tập.
Khi được hỏi các cô có khi nào muốn trở về đất liền để có cuộc sống ổn định và tốt đẹp hơn, cả cô Thắm và cô Hiếu đều lắc đầu nói: “Chúng tôi chưa nghĩ tới. Cuộc sống càng khó khăn thì càng muốn gắn bó vì các con, vì ở đây các con cần chúng tôi. Nay cơ sở vật chất khang trang hơn rồi, dù giáo viên vất vả một chút nhưng bù lại để các con, để bố mẹ các con yên tâm công tác và bám đảo”.
Ông Lê Minh Tuấn - bí thư Huyện ủy, chủ tịch UBND huyện đảo Cồn Cỏ - cho biết cả hai cô giáo Hoàng Thị Thắm và Hoàng Thị Hiếu là những người rất tâm huyết với đảo. Tuy là nữ nhưng các cô đã tình nguyện ra đảo từ khi còn trẻ, cống hiến tuổi thanh xuân của mình cho giáo dục và xây dựng huyện đảo suốt gần 10 năm qua.
“Huyện đảo được phát triển như ngày nay có một phần không nhỏ của hai cô, không chỉ trong việc dạy chữ, chăm lo cho trẻ trên đảo mà còn cả việc đóng góp trí lực trong xây dựng kinh tế, văn hóa và các hoạt động trên đảo” - ông Tuấn chia sẻ.
Cô Hoàng Thị Thắm và cô Hoàng Thị Hiếu là hai trong số những gương mặt giáo viên tiêu biểu được tỉnh Quảng Trị chọn tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô năm 2016”. Chương trình này do Bộ GD-ĐT, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam phối hợp với Tập đoàn Thiên Long tổ chức. Đây là năm thứ hai chương trình diễn ra nhằm tuyên dương các thầy cô có hoàn cảnh khó khăn nhưng vẫn hết lòng vượt khó, đóng góp cho sự nghiệp giáo dục. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận