28/03/2023 16:00 GMT+7

Hai cô gái khuyết tật lập doanh nghiệp xã hội xanh

Đi xe lăn đến phố sách, hai cô gái mời chào khách hàng tham quan gian hàng. Ai cũng trầm trồ xuýt xoa trước những sản phẩm thủ công do chính tay những người khuyết tật làm ra.

Hai cô gái khuyết tật lập doanh nghiệp xã hội xanh - Ảnh 1.

Hai cô gái khuyết tật Nguyễn Thùy Chi (trái) và Lưu Thị Hiếu sáng lập doanh nghiệp 'Chạm vào xanh' - Ảnh: HÀ THANH

"Không một cộng đồng nào phát triển được mà chỉ dựa vào đi xin tiền tài trợ. Quan điểm của chúng tôi chính là không ai cứu mình được tốt hơn cho bằng chính mình" - chị Nguyễn Thùy Chi (33 tuổi, phó giám đốc doanh nghiệp xã hội "Chạm vào xanh") quả quyết.

NGUYỄN THÙY CHI

Chúng tôi cần tạo ra "một ngôi nhà", cần tạo dựng thương hiệu để sản phẩm đến được đông đảo khách hàng. Chúng tôi chọn màu xanh lá cây để nhận diện thương hiệu bởi đây là màu của cộng đồng người CP, đặc biệt màu xanh còn tượng trưng cho niềm hy vọng và niềm vui

Hành trình trên chiếc xe lăn

Là chủ nhiệm Câu lạc bộ CP trưởng thành (cerebral palsy - tạm dịch: bại não - một rối loạn thần kinh cơ gây ra bởi tổn thương vỏ não vận động của não đang phát triển), mối duyên đã đưa Chi gặp gỡ người cộng sự là Lưu Thị Hiếu (ở Hà Nội).

Cả hai cùng chung ý tưởng xây dựng một "mái nhà" mà ở đó các bạn khuyết tật nói chung và người CP nói riêng đều có cơ hội để làm việc, tạo một môi trường sáng tạo để ai ai cũng có thể tìm thấy niềm vui.

Để thực hiện ý tưởng của mình, trên chiếc xe lăn, hai cô gái "lăn" khắp nơi, tìm kiếm các nguồn tài trợ, kết nối các thành viên để vận hành doanh nghiệp.

Hai cô gái khuyết tật lập doanh nghiệp xã hội xanh - Ảnh 3.

Những mặt hàng sản phẩm thủ công của 'Chạm vào xanh' do người khuyết tật thực hiện

Chi kể đã từng có thời gian dài "lê la" trên phố đi bộ cho đến các hội chợ, quán cà phê nhằm giới thiệu cho mọi người biết về các sản phẩm thủ công của người khuyết tật. Tuy nhiên hai cô gái nhận ra các sản phẩm thủ công kể trên cần có một vị trí xứng đáng hơn.

Tháng 10-2022, "Chạm vào xanh" ra đời. Các sản phẩm mà "Chạm vào xanh" lựa chọn chính là đồ thủ công, các bức tranh vẽ do người khuyết tật hoặc do chính tay các mẹ có con là người CP làm ra.

Không ít khách hàng trầm trồ cầm trên tay những chú gấu len xinh xắn, chiếc móc chìa khóa ngộ nghĩnh hay lục lạc cho bé yêu đầy màu sắc.

Bên cạnh đó, "Chạm vào xanh" còn bày bán các mặt hàng thực phẩm sạch từ Đà Lạt chuyển ra thủ đô để gây quỹ vận hành doanh nghiệp.

"Điều thuận lợi là các bạn khuyết tật tham gia vào doanh nghiệp không phải thay đổi không gian sống của mình. Các bạn có thể ở nhà, tranh thủ thời gian rảnh rỗi để làm việc mà không chịu bất kỳ bất tiện nào trong sinh hoạt hay đi lại. Điều này là rất cần thiết với người khuyết tật" - Chi bộc bạch.

Tạo ra giá trị cho người khác

Sau 6 tháng vận hành, "Chạm vào xanh" đã có những vị khách thân quen từ các hội chợ, các trường quốc tế hay cộng đồng người Nhật tại Hà Nội.

Tuy nhiên việc vận hành doanh nghiệp không phải là điều dễ dàng. Để giải bài toán vận hành, Chi cùng cộng sự áp dụng phương pháp "chia nhỏ các bước".

Chi kể, rất nhiều người khuyết tật đã "thay đổi cuộc đời" nhờ mạng xã hội. Do đó, vừa áp dụng kênh bán hàng truyền thống là đến các hội chợ, quán xá, đường sách, hai cô gái còn xây dựng thương hiệu nhờ mạng xã hội.

Qua fanpage Facebook, Instagram, TikTok và mới đây là bán hàng trên Shopee, họ giới thiệu sản phẩm thủ công của người khuyết tật đến cho mọi người. Không dừng lại ở những vị khách thân quen, "Chạm vào xanh" bắt đầu đón chào những vị khách ở các tỉnh, thành khác nhau nhờ sự kết nối của mạng xã hội.

"Chúng tôi xây dựng thương hiệu với mong muốn cộng đồng quen dần với hình ảnh của người khuyết tật thoải mái đi ra ngoài, làm việc nhiều hơn, tạo ra giá trị cho xã hội" - Chi bày tỏ.

Người sáng lập "Chạm vào xanh" cho biết sắp tới sẽ cho ra mắt cửa hàng trưng bày các sản phẩm thủ công của người khuyết tật, từ đó mở ra một không gian để người khuyết tật bước ra hòa nhập với cộng đồng.

Đồng thời, hai cô gái cũng mong muốn tìm kiếm các quỹ đầu tư để vận hành dự án Nâng cao năng lực cho người CP trưởng thành sống độc lập, để các thành viên có thêm động lực yêu bản thân, bước ra ngoài và tham gia nhiều hơn vào các hoạt động xã hội.

Thùy Chi cho biết thêm hiện "Chạm vào xanh" cam kết sử dụng 51% lợi nhuận dùng để chi cho xây dựng hoạt động của cộng đồng CP trưởng thành, lợi nhuận còn lại dùng để vận hành doanh nghiệp và trả lương cho nhân viên.

Để đi ra ngoài, Thùy Chi lựa chọn thuê một người bạn hỗ trợ cô di chuyển chiếc xe lăn. Đó là cách mà suốt 13 năm qua, cô gái khuyết tật sinh sống và làm việc ở thủ đô.

Tham gia nhiều khóa học về kỹ năng, đặc biệt là kỹ năng sống độc lập giúp Chi làm chủ được đời mình. Cô rời mảnh đất Lào Cai xuống Hà Nội học đại học, sau đó xin việc làm, trở thành thành viên tích cực trong cộng đồng CP.

"Điều tôi mong muốn là làm sao cho cuộc sống của mình trở nên ý nghĩa hơn, trước hết là làm cho bản thân mình cảm thấy vui, có động lực. Khi có động lực sống thì mình mới lan tỏa năng lượng tích cực đó của mình cho người khác được" - Thùy Chi tâm niệm.

Gần 1.000 start-up tham gia Tuổi Trẻ Start-Up Award

Qua 4 mùa, Tuổi Trẻ Start-Up Award đã nhận được gần 1.000 start-up từ các kênh gởi về. Qua các vòng: sơ loại từ khâu nhận hồ sơ, vòng thẩm định và đi thực tế của phóng viên, vòng sơ kết của ban tổ chức, đã có hơn 200 start-up lọt vào vòng chung kết.

Ở 3 mùa giải trước, số lượng start-up xuất sắc đi đến vòng chung kết là 150. Trong đó, số lượng start-up tiêu biểu đã được vinh danh từ 3 mùa trước là 70, trong đó, có 2 start-up được Hội đồng thẩm định bình chọn thêm để trao giải đặc biệt, với giá trị 100 triệu đồng/giải.

Ngoài việc được trao hỗ trợ và được vinh danh trong gala, các start-up khi được đăng trên mặt báo cũng cho biết đã nhận được rất nhiều kết nối từ đối tác, khách hàng, đặc biệt là các nhà đầu tư...

Năm nay, sẽ có khoảng 25-30 câu chuyện khởi nghiệp nổi bật được chọn để giới thiệu trên báo Tuổi Trẻ (online hoặc báo giấy, truyền hình Tuổi Trẻ, fanpage…) từ tháng 3 đến tháng 5-2023. Ban tổ chức sẽ chọn một số start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị, như: VinaCapital, FE Credit, No.1, Thái Bình Group, IDICo, Volvo, Tín Nghĩa Corp., Saigontourist Group, Sân Golf Thủ Đức ..., trong đó, tiếp tục có 1 suất hỗ trợ đặc biệt giành cho Start-Up được Hội đồng thẩm định bình chọn, trị giá 100 triệu đồng, từ GIBC.

Các start-up, nhóm bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp hay và có tính thực tế cao, ứng dụng công nghệ, tạo lợi thế cạnh tranh, vận dụng AI, có tính bền vững, đóng góp cho cộng đổng, có giải pháp xanh, hướng đến môi trường... hoặc bạn đọc có các câu chuyện thiết thực phía sau những chân dung khởi nghiệp, từ hôm nay có thể gửi bài viết tự giới thiệu, những câu hỏi liên quan về địa chỉ email: [email protected].

MINH HUỲNH

Hai cô gái khuyết tật lập doanh nghiệp xã hội xanh - Ảnh 6.
Người khuyết tật truyền nghị lực trên mạng xã hội - Kỳ cuối: Đừng khóc, hãy yêu mình và yêu ngườiNgười khuyết tật truyền nghị lực trên mạng xã hội - Kỳ cuối: Đừng khóc, hãy yêu mình và yêu người

Tận dụng công nghệ, mạng xã hội để học tập, làm việc, vận hành doanh nghiệp, thậm chí tìm được bến đỗ hạnh phúc, nhiều người khuyết tật đã nhận ra mặt tích cực của môi trường số giúp họ thay đổi nhận thức, cuộc đời.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp