Hai chị em Nguyễn Thị Tuyết Nhung và Nguyễn Thị Lan Anh (phải) ở ký túc xá Trường ĐH Sư phạm TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN
Từ Vĩnh Phúc, hai chị em vào TP.HCM để theo đuổi giấc mơ giảng đường. Với đôi tay co quắp, hai chân teo không thể tự di chuyển nhưng cả hai vẫn hằng ngày đón xe đến trường. Nhung cười tươi tắn và luôn cho rằng mình may mắn vì vẫn có ước mơ.
Nhung bảo có ước mơ và cố gắng thực hiện thì cuộc sống mới có giá trị. Và Nhung sắp chạm tay vào ước mơ trở thành cô giáo để có thể giúp đỡ những đứa trẻ khuyết tật khác.
Hai chị em ở ký túc xá Trường ĐH Sư phạm TP.HCM trên đường Lạc Long Quân (Q.11, TP.HCM). Tình cờ một lần đến thăm, tôi bắt gặp Nhung đang loay hoay trang điểm trước khi đến trường. Đôi tay yếu ớt đang cố gắng cầm cọ, son môi để làm đẹp cho mình.
Nhung chia sẻ: "Mình không muốn khi nói về một người khuyết tật là nghĩ ngay đến những hình ảnh đau khổ, mệt mỏi, tự ti. Vì thế mình luôn cố gắng làm cho mình đẹp lên trong mắt người khác, muốn họ luôn nhớ tới mình với nụ cười xinh, gương mặt rạng rỡ và những năng lượng tích cực".
Cô gái nhỏ Lan Anh cho biết chị gái chính là tấm gương, động lực để cô cố gắng đậu đại học. Nhà có ba chị em, sau Nhung và Lan Anh còn có một em trai đang học tiểu học cũng bị khuyết tật chức năng vận động.
Ý thức được hoàn cảnh gia đình và những khó khăn của bản thân, hai chị em cùng nỗ lực trong học tập. Nhờ vậy, Nhung nhiều năm liên tiếp nhận được học bổng của trường.
Khoảnh khắc rất con gái của Nhung trước khi ra đường. Nhung bảo bạn không muốn mọi người nghĩ người khuyết tật là buồn bã, đau khổ mà luôn tươi vui - Ảnh: DUYÊN PHAN
Sau giờ học ở trường, Nhung vội vàng đón xe về ký túc xá để học thêm ngoại ngữ buổi tối với sự giúp đỡ của bạn bè - Ảnh: DUYÊN PHAN
Nguyễn Thị Tuyết Nhung ngày ngày đến giảng đường nuôi dưỡng ước mơ làm cô giáo - Ảnh: DUYÊN PHAN
Hai chị em Nhung luôn vui vẻ và rất tự tin khi giao tiếp với mọi người - Ảnh: DUYÊN PHAN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận