21/11/2017 14:20 GMT+7

'Hai chân con rụng rồi, quen rồi, con muốn đi học'

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Chân cụt đến đầu gối, đường đến trường thì lởm chởm đá hộc, hai năm qua Thào Thị Gống đi học trên đôi chân của người chị gái mới lên 9.

Hai chân con rụng rồi, quen rồi, con muốn đi học - Ảnh 1.

Gống đến trường mỗi ngày bằng đôi chân của chị gái Thào Thị Trai, 9 tuổi - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Bố nó đi lên bản, ở nhà tôi thấy chân cháu bị rụng mất. Tôi nhớ mãi câu nói của cháu lúc đó: “Hai chân con rụng rồi, sợ bố mắng”. Cháu sợ nên khóc mãi.

Chị Mùa Thị Tùng (mẹ Gống)

Gống đang học lớp 1 ở điểm trường bản Xa Lú thuộc Trường tiểu học Chiềng Khừa, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La. Ngồi trong lớp, dáng Gống nhỏ thó chưa bằng nửa các bạn cùng trang lứa.

Thào Thị Gống đến trường

Chị cõng em đến trường

Bố mẹ đi làm nương, rảnh rỗi mới chở được các con đến trường. Thay bố, thay mẹ, đều đặn mỗi ngày Gống được người chị gái là Thào Thị Trai - đang học lớp 4 - cõng đến trường rồi cõng về nhà. Cõng Gống đến trường, bữa nào Trai cũng mồ hôi mồ kê nhễ nhại.

"Cõng thêm Gống mệt lắm đấy. Nhưng thương bố, thương mẹ, thương Gống, em làm đôi chân thay Gống đến trường" - cô bé Thào Thị Trai chững chạc nói.

Suốt hai năm qua, sức vóc của một đứa trẻ lên 9 cõng thêm đứa trẻ lên 6 và nụ cười tươi tắn, hồn nhiên của Gống khiến thầy cô và các bạn trong trường cảm phục.

Thỉnh thoảng thấy hai đứa con gái cõng nhau mệt nhọc, cậu bé Thào A Vảng (anh họ của Gống) "ra tay nghĩa hiệp" cõng giúp. "Thấy Trai cõng em nó tội nghiệp, mình ưng là mình cõng thôi. Con Gống không có chân, nó muốn đi học mình phải giúp nó" - Vảng giải thích.

Hai chân con rụng rồi, quen rồi, con muốn đi học - Ảnh 4.

Hai đứa con gái cõng nhau mệt nhọc - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Chưa nói sõi tiếng phổ thông, khó khăn lắm Gống mới tâm sự được trọn vẹn câu: "Gống không có chân nhưng Gống muốn đi học". 

Ở điểm trường Xa Lú, thầy cô tận tình chăm sóc, dạy dỗ Gống, còn các bạn thích chơi đùa với Gống. Cô bé nhỏ thó lết đi bằng đầu gối vui chơi với bạn bè, trò nào cũng chơi, trò nào cũng hăng.

Đầu gối của em nhăn nhúm, co rúm lại vì phải lết đi nhiều quá, nhưng Gống lắc đầu kêu không đau. Gống đã quen với việc đi lại trong nhà, trong lớp học, sân trường bằng hai đầu gối.

"Hai chân con rụng rồi, sợ bố mắng..."

Gống là con thứ hai. Trên Gống là chị Trai, dưới Gống còn ba em nhỏ nữa. Vì muốn đẻ cố cậu con trai, anh Thào A Tánh, năm nay mới 24 tuổi, đã sinh tới năm đứa con, nghèo lại càng nghèo, nay thêm tiền thuốc thang chữa bệnh cho Gống nên càng túng quẫn.

Gống sinh ra vẫn có chân, đi lại bình thường như mọi người. Năm 2015, một lần cháu bị sốt và đôi chân đông cứng lại, véo không thấy đau. Thào A Tánh đưa con đến bệnh viện thì bác sĩ nói cháu bị tắc mạch máu chân, không chữa được. 

Vợ chồng anh chạy vạy tiền bạc ôm con xuống Bệnh viện Nhi trung ương chữa trị, ba tuần sau bác sĩ cho cắt bỏ đôi chân. "Nhưng thương cháu còn nhỏ quá, gia đình xin cho cháu về nhà chạy chữa bằng thuốc Nam. Ai ngờ..." - ông bố nghẹn ngào.

Hai chân con rụng rồi, quen rồi, con muốn đi học - Ảnh 5.

"Hai chân con rụng rồi" - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Bên bếp lửa, chị Mùa Thị Tùng (26 tuổi, mẹ của Gống) không kịp ngăn dòng nước mắt: "Khổ quá rồi, không muốn kể nữa đâu". Mấy đứa trẻ ngồi cạnh bên thấy mẹ khóc thì ngơ ngác nhìn, còn bé Gống lê đầu gối dựa vào lưng bố lắng nghe mẹ tâm sự.

"Bố nó đi lên bản, ở nhà tôi thấy chân cháu bị rụng mất. Tôi nhớ mãi câu nói của cháu lúc đó: "Hai chân con rụng rồi, sợ bố mắng". Cháu sợ nên khóc mãi" - người mẹ đau đớn kể.

"Quen rồi. Không đau. Con đi học" - Gống cố phát âm rành rọt từng từ. A Tánh xoa đầu con gái, xót xa: "Giờ cháu quen rồi, chơi được với các chị, các bạn. Chân cháu không còn đau, mùa đông thì buộc thêm giẻ vào chân cho cháu đi đỡ buốt".

Mong một đôi chân giả cho Gống

Điểm trường bản Xa Lú có năm thầy cô giáo và hơn 50 em học sinh từ lớp 1 đến lớp 5. Thầy cô đều thương Gống và kèm cặp em học thêm.

Thầy giáo trẻ Điêu Chính Nghinh - giáo viên chủ nhiệm của Gống - vẫn nhớ như in ngày đầu nhận công tác nhìn thấy hình ảnh hai chị em Gống cõng nhau đến trường.

"Tôi vừa xúc động vừa cảm phục, vừa thương Gống vì đôi chân không lành lặn. Tôi mong em học tập thật tốt để cuộc đời em đỡ khổ về sau" - thầy Nghinh nói.

Hai chân con rụng rồi, quen rồi, con muốn đi học - Ảnh 6.

Em Thào Thị Mỷ (phải) là người bạn thân thiết cùng chơi đùa và luôn bên cạnh giúp đỡ Gống - Ảnh: P.CHINH

Thầy giáo Trần Văn Dĩnh (phụ trách điểm trường) nói các thầy, các cô ở đây chỉ mong nếu có thể sẽ xin cho Gống một đôi chân giả để em tự vận động, đi lại.

Thầy giáo Nguyễn Hữu Hùng (hiệu trưởng Trường tiểu học Chiềng Khừa) là người đăng clip nghị lực của cô bé Gống không chân lên mạng khiến nhiều người cảm động. Điểm trường này xa nhất trung tâm.

Thầy nói về Gống: "Gống sinh ngày 12-4-2011, năm nay vừa tròn 6 tuổi vào lớp 1. Tuy em khuyết tật nhưng chịu khó đi học từ cấp mầm non đến tiểu học, hòa nhập với các em toàn trường. Biết hoàn cảnh của em, chúng tôi đều cảm phục trước tinh thần vượt khó vươn lên của em. Em có học lực khá, chăm chỉ, thích học và thích chơi với bạn bè".

Hai chân con rụng rồi, quen rồi, con muốn đi học - Ảnh 7.

Mong Gống có một đôi chân giả để em tự vận động, đi lại - Ảnh: PHƯƠNG CHINH

Chia sẻ về mong muốn của gia đình, A Tánh nói năm ngoái gia đình đưa cháu xuống Hà Nội thăm khám, bác sĩ cho biết Gống còn bé quá, phải đợi lớn lên mới lắp được chân giả vì đỡ tốn chi phí thay nhiều chân. 

Gống cũng được các nhà hảo tâm trao tặng xe lăn nhưng đường ở bản gồ ghề, đá lởm chởm không tự đi bằng xe lăn được. "Mong mỏi lớn nhất của gia đình là lắp cho cháu đôi chân giả để cháu đi lại nhưng gia đình khó khăn quá, nợ nần chồng chất không lắp nổi" - A Tánh bày tỏ.

Điểm trường xa xôi, thầy cô vất vả

1

Thầy cô luôn dành tình cảm, quan tâm đến Gống, kèm cặp cho em nhiều hơn để theo kịp các bạn - Ảnh: P.CHINH

Từ thị trấn Mộc Châu vào trung tâm xã Chiềng Khừa khoảng 25km, rồi đi tiếp 13km đường đất đá lởm chởm nữa mới tới điểm trường Xa Lú.

Ngày nắng bụi mù mịt, ngày mưa đường lầy lội, trơn trượt, cung đường này là nỗi khiếp đảm của dân bản và thầy cô, chỉ có "tay lái lụa" quen từng chỗ cua, khúc ngoặt mới dám ngược đường lên bản.

Nhờ sự giúp đỡ của các anh Huyện đoàn Mộc Châu và thầy giáo Hùng, chúng tôi mới đến được điểm trường Xa Lú sau hai lần dừng đợi cho hai con rắn cạp nong trườn qua đường.

Ở điểm trường Xa Lú có năm thầy cô thường xuyên cắm bản, dạy lấy con chữ cho con em người dân tộc Mông. Không điện, không nước sạch. Cuối tuần các thầy cô mới trở ra thị trấn để về thăm nhà.

Cô giáo Hoàng Thị Bình (25 tuổi) là giáo viên trẻ nhất cắm bản ở điểm trường. Mới lập gia đình nhưng cô Bình vẫn vận động gia đình cho cô được đến với các em. Khiếp đảm nhất với cô là những ngày mưa trơn trượt, cô giáo phải có sự giúp đỡ của các thầy hay dân bản khiêng giùm xe máy.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp