22/01/2014 06:01 GMT+7

Hai cây cầu mơ ước

KHOA NAM
KHOA NAM

TT - Sáng 22-1, hai cây cầu vượt sông Cái Bé và Cái Lớn thuộc dự án đường hành lang ven biển phía Nam thông xe, chấm dứt sứ mạng của bến phà Tắc Cậu sau 30 năm đón khách.

By92mq5j.jpgPhóng to
Xe lu trải những mét nhựa cuối cùng trên mặt cầu Cái Bé trước ngày thông xe - Ảnh: K.Nam

Tắc Cậu là tên con rạch đường thủy nối tắt từ sông Cái Bé qua sông Cái Lớn, giữa một bên là vùng Châu Thành, Rạch Giá trù phú với một bên là vùng Miệt Thứ, U Minh Thượng một thời khỉ ho cò gáy.

Theo ông Nguyễn Văn Dũng - giám đốc Sở GTVT Kiên Giang, hiện tại Xí nghiệp phà Xẻo Rô - Tắc Cậu có tổng cộng 127 cán bộ, nhân viên. Dự kiến sau khi giải thể, sở chỉ có thể tiếp nhận bốn cán bộ lãnh đạo, quản lý bến phà. Hạt quản lý, duy tu cầu đường sắp thành lập cũng chỉ có thể tiếp nhận khoảng 30 người nữa. Số nhân viên còn lại đều phải cho nghỉ chính sách.

Bà Nguyễn Thị Diệp - hậu duệ đời thứ tư trong gia đình có tới năm thế hệ làm nghề đưa đò trên bến Tắc Cậu - cho biết mới lên 8 tuổi bà đã nối nghiệp nhà đưa khách sang sông. Theo lời bà Diệp, bà con vùng “Miệt Thứ” (tên người dân quen gọi các huyện vùng bán đảo Cà Mau, nay là vùng U Minh Thượng) muốn ra chợ Tắc Cậu hoặc chợ Minh Lương (huyện Châu Thành), hay xa hơn như chợ Rạch Sỏi, chợ Rạch Giá (TP Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang) thì phải đi xuồng tới gần căn cứ hải quân chế độ cũ (nay là Hải đoàn biên phòng 28) rồi dừng lại đi đò dọc qua bên Tắc Cậu mới có xe đò đi tiếp.

Còn ông Nguyễn Hoàng Hải, giám đốc Xí nghiệp phà Tắc Cậu - Xẻo Rô, cho biết thêm năm 1984 tỉnh quyết định thành lập bến phà Tắc Cậu để vận chuyển người và phương tiện vượt sông an toàn.

Ông Trần Hoàng Mẫm - phó bí thư Huyện ủy An Biên - khẳng định hai cây cầu vượt sông Cái Bé và Cái Lớn là ước mơ bao đời nay của bà con. “Chưa tính tới chuyện mở rộng cả tuyến quốc lộ 63, chỉ riêng việc có hai cây cầu sẽ đánh thức tiềm năng to lớn của cả vùng U Minh Thượng chứ không riêng gì huyện An Biên” - ông Mẫm nói.

Ông Lê Minh Hoàng, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Kiên Giang, lạc quan bày tỏ hi vọng sớm phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh du lịch sinh thái của vùng U Minh Thượng, nhất là du lịch sinh thái dưới tán rừng nguyên sinh ngập nước nhờ hai cây cầu này. “Giao thông thuận tiện thì chắc chắn du khách trong nước và quốc tế sẽ tìm tới một trong những địa điểm du lịch sinh thái hấp dẫn bậc nhất đồng bằng sông Cửu Long : rừng ngập mặn U Minh Thượng” - ông Hoàng nói.

KHOA NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp