Những đứa trẻ ở ngôi nhà Hạnh Phúc - Ảnh: Tự Trung |
Hai câu chuyện tưởng như không liên quan nhưng lại cùng xuất hiện trên mặt báo và gợi suy nghĩ cho người đọc: mô hình đường mẫu không có nạn buôn bán, lấn chiếm vỉa hè và câu chuyện mái ấm của những đứa trẻ thiếu may mắn mà mọi người thường gọi là nhà Hạnh Phúc không thể xin được giấy phép hoạt động đúng luật.
Điểm chung ở đây là cả hai đều cần được sự quan tâm, tổ chức đúng mức và đúng cách của các cơ quan chức năng.
Ở câu chuyện thứ nhất, ai cũng mong muốn những đường phố sạch đẹp với vỉa hè rợp bóng cây, thông thoáng cho người đi bộ. Nhưng cũng không thể phủ nhận được văn hóa vỉa hè, lối sống trên vỉa hè đã trở thành một phần không thể tách rời của người Việt, là nguồn sống của nhiều gia đình. Nhịp sống sôi động trên vỉa hè Sài Gòn, Hà Nội đã trở thành một thứ đặc sản.
Cũng có người nhăn mặt khi cần đi bộ trên vỉa hè nhưng cũng có người vui vẻ, nhẹ nhõm khi mua bán, để xe hay ăn uống trên vỉa hè vì sự tiện lợi của nó. Dung hòa giữa các nhu cầu này một cách công bằng, hợp lý và có tổ chức trên tất cả tuyến đường mới là bài toán cần phải giải, chứ không phải việc lấy ra một số con đường và dẹp bỏ buôn bán vỉa hè trên đó để... làm mẫu.
Trên thực tế, trước cảnh các nhân viên trật tự đô thị xua đuổi những người bán hàng rong, tịch thu rổ trái cây, xe nước mía trong lời nài nỉ, nước mắt lưng tròng của các bà, các chị lam lũ, người chứng kiến khó mà thấy được lý lẽ chính đáng thuộc về phía cơ quan chức năng.
Ở câu chuyện thứ hai, ai cũng hiểu được những yêu cầu về cơ sở vật chất, con người, tổ chức của cơ quan chức năng khi cấp giấy phép hoạt động cho cơ sở bảo trợ xã hội, nhưng cuộc đời thiên hình vạn trạng lại rất nhiều lúc không nằm trên trang giấy, khuôn trong những quy định. Trường hợp của nhà Hạnh Phúc là một ví dụ.
Căn nhà chưa giấy tờ hợp pháp vẫn được những nhà hảo tâm góp công góp của sửa sang; dù không có nguồn thu ổn định những anh chị tiểu thương vẫn góp gạo, góp rau củ, thịt cá đầy đủ cho bọn trẻ; những người khác nữa âm thầm lo sách bút, học phí... Bọn trẻ nhà Hạnh Phúc đã thật sự hạnh phúc trong tình thương yêu của mọi người chứ không phải vì bất cứ quy định nào.
Và giờ đây, khi áp vào những yêu cầu có phần cứng nhắc trong việc xin giấy phép hoạt động, hạnh phúc ấy lại có nguy cơ tan vỡ.
Thước đo tính hiệu quả, nhân văn của xã hội chính là cuộc sống của những người dân thuộc nhóm nghèo, thiệt thòi, kém may mắn. Vai trò của chính quyền là tổ chức cho họ tự vươn lên trong cuộc sống của mình.
Với những người đang lấn chiếm vỉa hè là tuyên truyền về ý thức và đặt ra những lằn ranh nhất định không được phép vượt qua để giành lại phần đường đi bộ, và quan trọng không kém là thái độ công bằng, kiên quyết nhưng cảm thông của người thực hiện pháp luật. Với những cơ sở bảo trợ mang tính tự nguyện như nhà Hạnh Phúc, sự thấu hiểu lại càng mang tính quyết định.
Nó sẽ mang lại những giải pháp nhân văn hơn, ví như việc kết nối những tấm lòng hảo tâm lại với nhau để bổ khuyết và tăng tính hiệu quả, vì đó cũng là một nhiệm vụ của những người thi hành pháp luật.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận