05/09/2012 10:12 GMT+7

Hai cậu bé ở rừng "đại tướng"

ĐỨC THẠCH - VIỄN SỰ
ĐỨC THẠCH - VIỄN SỰ

TT - Mỗi ngày, cậu bé Đường Văn Nghiệp và Đường Văn Thành ở Mường Phăng (Điện Biên) vẫn kể cho khách xa về thăm những câu chuyện đầy cảm xúc về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.

BdiX2QKG.jpgPhóng to
Đường Văn Thành và Đường Văn Nghiệp trước lán nơi Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng làm việc ở rừng Mường Phăng - Ảnh: NGUYỄN ĐỨC THẠCH

Mới gặp Đường Văn Nghiệp và Đường Văn Thành - người bản Phăng (nơi có khu rừng năm xưa tướng Giáp dùng làm sở chỉ huy đánh trận Điện Biên Phủ lẫy lừng), học sinh lớp 6 và lớp 7 Trường THCS Mường Phăng - không ai nghĩ đó là hai “hướng dẫn viên” du lịch cho di tích rừng “đại tướng”. Nhưng khi đang loay hoay tìm chỗ đặt máy chụp một bức ảnh kỷ niệm trước lán tiền tiêu thì nghe lảnh lót: “Để cháu chụp cho chú nhé!”. Hơi bất ngờ nhưng sau vài mươi giây trao đổi ngắn gọn, Thành đã giương máy ảnh lên và sau đó là một khuôn hình rất chuẩn, đầy đủ những điểm nhấn của lán tiền tiêu. Nghiệp và Thành nói vì sinh ra ở bản Phăng nên biết rõ chỗ nào chụp ảnh đẹp nhất cho du khách. Và mỗi ngày đều bắt đầu “tự giới thiệu” mình với du khách như thế, trước lúc dẫn du khách đi vào khu rừng huyền thoại.

Tiềm thức về vị tướng già

Biết chúng tôi muốn tham quan đầy đủ khu di tích, hai cậu thi nhau liến thoắng: “Từ đây lên tới hầm Đại tướng những 800m cơ chú ạ! Chúng cháu đi cùng với chú cho vui nhé!”. Cứ ngỡ hai cậu sẽ nói những chuyện vu vơ tầm phào kiểu trẻ con cho vui nhưng không, nghe khách khen khu rừng đẹp và hoang sơ hai cậu bắt đầu câu chuyện về vị tướng già một cách chững chạc và bài bản: “Thưa chú, khu rừng này là “rừng đại tướng” đấy ạ. Dân bản gọi thế là vì ngày xưa Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đóng sở chỉ huy tại nơi đây”. Và vì “nhân dân ở đây kính yêu đại tướng lắm ạ! Mọi người có ý thức giữ gìn, bảo vệ, không bao giờ xâm phạm đến rừng cây đâu ạ!”.

Vẻ mặt hai cậu thật nghiêm trang và giọng điệu hết sức tự hào. Xưa nay tôi chỉ được nghe những giọng nói như thế này qua các cuộc thi kể chuyện của thiếu nhi, chứ đối thoại trực tiếp thì chưa bao giờ. Suốt chặng đường tham quan, hai cậu say sưa thay phiên nhau nói. “Thưa chú! Năm 2004 đại tướng đã về đây thăm lại chiến trường xưa. Máy bay trực thăng chở cụ đáp xuống chỗ kia (giơ tay chỉ) và cận vệ đưa cụ vào căn hầm chỉ huy trên con đường mà chú cháu mình đang đi đấy ạ! Đồng bào Mường Phăng ra đón cụ đông lắm ạ!” - Đường Văn Nghiệp tiếp nối câu chuyện.

Nhờ các thầy cô ở trường

Hỏi xem hai cậu bé đã biết những điều vừa thuyết minh từ bao giờ thì được trả lời là nhờ những gì học được từ thầy cô giáo ở Trường THCS Mường Phăng, những lần đi theo các đoàn khách và “nghe lỏm” lời giới thiệu của các hướng dẫn viên cùng ý thức “dân ta phải biết sử ta - câu ấy là của Bác Hồ đấy ạ” - Thành nói. Nhờ thế đã giúp hai cậu bé trở thành những hướng dẫn viên du lịch tuyệt vời.

Tôi cứ nghĩ nếu nơi nào cũng như Mường Phăng, học trò cấp III khi cầm tấm bằng tốt nghiệp THPT cũng có được vốn kiến thức của các cậu về chiến công “chấn động địa cầu” năm xưa thì có lẽ Bộ GD-ĐT đã không phải đau đầu vì hàng ngàn điểm 0 môn sử trong mỗi kỳ thi tuyển sinh đại học.

“Chú ơi, ở dưới con suối kia người ta có bắc một cây cầu nhỏ. Ai không biết cứ tưởng cầu gỗ nhưng thật ra là ximăng giả gỗ chú ạ. Người ta không làm cầu gỗ vì như thế phải phá rừng ạ! Thưa chú, ở đây những thùng rác cũng làm bằng ximăng giả gỗ để giữ vệ sinh chung và tạo sự hài hòa với cảnh quan chú ạ!” - Đường Văn Thành kể tiếp về câu chuyện của người bản Phăng.

Bất ngờ quá, những cậu bé Mường Phăng! Lời thuyết minh của hai cậu tuy hơi có vẻ thuộc bài nhưng không hề giả tạo mà đầy cảm xúc và lễ phép. Từng nghe “khu rừng đại tướng” được đồng bào gìn giữ. Từng biết nhiều câu chuyện về tình cảm của người dân Tây Bắc dành cho “vị tướng của nhân dân”, nhưng lòng vẫn cứ rưng rưng vì những gì hai cậu bé hồn nhiên thể hiện. Cả hai gọi vị tướng huyền thoại là cụ một cách tự nhiên như đang nói về người thân trong dòng tộc, tự hào như con cháu nói về chính ông, cha mình.

Suốt chặng đường, Nghiệp và Thành thuyết minh không nghỉ, kịp thời và hợp lý tới mức khi các cậu ngừng lời thì chúng tôi cũng vừa tới chỗ để tham quan. Mỗi chiếc lán, mỗi căn hầm cho tới bếp Hoàng Cầm... đều được thuyết minh một cách đầy đủ và chính xác. Kể cả khi chúng tôi tìm cách kiểm tra kiến thức bằng một vài câu hỏi cụ thể, các cậu cũng đều trả lời rành mạch.

Món nợ với Mường Phăng

Sau nhiều chuyến đi, lần đầu tiên chúng tôi có đủ hình ảnh kỷ niệm cho mình nhờ gặp “phó nháy” lanh lợi và tận tụy. Chỉ cần bảo “cháu chụp cho chú ở chỗ này, chỗ kia...” là Thành và Nghiệp tự tin cầm máy và kết quả bao giờ cũng hài lòng. Thậm chí khi gần tới tấm bia “Sở chỉ huy chiến dịch Điện Biên Phủ”, hai cậu còn gợi ý trước rằng “chú chụp một kiểu ở chỗ này đi, ai tới đây cũng đều chụp cả chú ạ!”. Chụp xong lại sôi nổi: “Cụ Võ Nguyên Giáp đã ở đây 105 ngày, tức là ba tháng rưỡi đấy chú ạ. Chiến dịch kết thúc vào ngày 7-5 nhưng cụ còn ở đây tới ngày 15-5!”.

Nhờ hai cậu tôi mới biết rằng năm 2004, đồng bào bản Phăng đã tặng đại tướng tám chai mật ong rừng, 16 tấm thổ cẩm và gửi gắm vào đó lời cầu chúc đại tướng “sống lâu muôn tuổi”. Không có hai cậu bé, tôi cũng không thể biết rằng những cận vệ của đại tướng năm xưa đã loan tin “rừng bản Phăng có cọp dữ” để góp phần giữ bí mật cho sở chỉ huy chiến dịch. Và cũng không thể biết từ căn hầm của đại tướng vòng theo ngọn núi phía sau 10km là nơi đặt trạm quan sát, bao quát được toàn bộ chiến trường, giúp đại tướng chỉ huy toàn quân làm nên lịch sử.

Sau khi đã tham quan đầy đủ các điểm trong rừng Mường Phăng, trở lại chỗ tấm bia “Sở chỉ huy”, hai cậu cùng đứng lại và cất giọng nghiêm trang: “Sau 56 ngày đêm, chiến dịch Điện Biên Phủ đã kết thúc thắng lợi. Chúng cháu chúc chú lên đường bình an, may mắn và sống lâu trăm tuổi ạ!”... Quả thật, hai cậu đã cho tôi quá nhiều “bài học” mà đi qua nhiều khu di tích khác tôi không mấy khi được nhận.

Bài học ấy không chỉ là những câu chuyện từ tiềm thức về đại tướng mà cả về lòng tự trọng trong tâm hồn mỗi cậu bé. Trước lúc ra khỏi rừng, chúng tôi gửi một ít tiền gọi là để thưởng cho Thành và Nghiệp nhưng hai cậu nhất định từ chối rồi lễ phép nói: “Chú mua giúp chúng cháu mỗi đứa một thang thuốc chống nhức mỏi được không ạ? Chỉ 60.000 đồng thôi chú ạ!”. Ôi! Những đứa trẻ bản Phăng nghèo khó giàu lòng tự trọng. Thật khác xa với kiểu tiếp thị chụp giật ở những khu du lịch chốn thị thành. “Thuốc của chúng cháu đang gửi ở dưới kia, chú xuống lấy cùng chúng cháu nhé!” - nói đoạn, cả Thành và Nghiệp liền nhảy chân sáo, đưa tôi về góc quán nhỏ ven đường với cả một niềm vui. Và chúng tôi biết sau buổi chiều chia tay các cậu, lòng mình đã có món nợ với Mường Phăng.

ĐỨC THẠCH - VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp