Theo Hãng tin Reuters, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết chiều 9-7, bà May đã chấp thuận đơn từ chức của ông Johnson, đồng thời gửi lời cảm ơn vì những đóng góp của ông trong thời gian qua. Thủ tướng Anh sẽ sớm thông báo người thay thế vị trí ông Johnson.
Việc Ngoại trưởng Boris Johnson từ chức đã khiến chiến lược Brexit của Anh rơi vào khủng hoảng về mặt chính trị. Ông là thành viên nội các thứ hai từ chức sau Bộ trưởng phụ trách Brexit David Davis.
Ông Johnson từ chức chỉ 30 phút sau khi Thủ tướng Theresa May trình bày kế hoạch mới dành cho Brexit trước Nghị viện Anh. Quyết định này của ông đã khiến nhiều thành viên Đảng Bảo thủ tức giận.
Bình luận viên chính trị của Đài BBC Laura Kuenssberg nói sự ra đi của ông Johnson đã biến “hoàn cảnh bẽ bàng và khó khăn cho thủ tướng trở thành một khủng hoảng toàn phần”.
Bà cho rằng ông không phải là một nhân vật nội các tầm thường, mà là “bộ mặt” của chiến dịch này trong cuộc trưng cầu ý dân 2016. Sự kiện mới đây sẽ châm ngòi cho những phỏng đoán về thách thức đối với giới lãnh đạo trong thời điểm này.
Trước đó, ngày 8-7, Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit, ông David Davis đã từ chức, nhằm phản đối các kế hoạch của chính phủ về một quan hệ thương mại mật thiết với Liên minh châu Âu (EU) sau khi rời khỏi khối này.
Bộ trưởng Anh phụ trách vấn đề Brexit, ông David Davis đã từ chức - Ảnh: REUTERS
Quyết định đưa ra chỉ hai ngày sau khi thủ tướng Anh tuyên bố nội các của bà đã đạt được sự nhất trí về thỏa thuận tạo cơ sở cho tương lai quan hệ giữa Anh với EU sau khi "xứ sở sương mù" rời khỏi khối này, hay còn gọi là Brexit.
Nội dung sơ bộ của thỏa thuận cho biết Anh sẽ thành lập một "khu vực thương mại hàng hóa tự do" với EU, theo đó cho phép trao đổi thương mại không rào cản và tránh việc phải áp đặt một biên giới "cứng" tại vùng lãnh thổ Bắc Ireland.
Thủ tướng May gọi thỏa thuận này là "bước đi quan trọng" trong quá trình đàm phán để Brexit diễn ra êm đẹp nhất.
Tuy nhiên, một số nguồn tin cho biết ông Davis đến trước thềm cuộc họp nội các đã không thể hoàn toàn đồng ý với thỏa thuận này, cho rằng một số nội dung được đưa ra "thiếu khả thi".
Sự ra đi của người dẫn đầu các nỗ lực đàm phán Brexit của Anh chỉ hai ngày sau cuộc họp nội các được đánh giá là một đòn mạnh giáng vào chính quyền của Thủ tướng May, đồng thời cho thấy chia rẽ sâu sắc vẫn chưa thể giải quyết trong nội bộ Đảng Bảo thủ cầm quyền về việc Anh rời khỏi "mái nhà chung" EU.
Cũng trong ngày 9-7, bà May đã bổ nhiệm nghị sĩ Dominic Raab làm bộ trưởng Brexit mới và nữ hoàng Anh đã phê chuẩn bổ nhiệm.
Trước đó, vào tối 6-7, Thủ tướng Anh Theresa May tuyên bố Nội các của bà đã đạt được sự nhất trí về thỏa thuận tạo cơ sở cho tương lai quan hệ giữa Anh với Liên minh châu Âu (EU) sau khi "xứ sở sương mù" Brexit.
Nội dung sơ bộ của thỏa thuận này cho thấy Anh sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các quy định và luật lệ của EU trong thời gian không xác định.
Thủ tướng May cho biết Anh sẽ thành lập một "khu vực thương mại hàng hóa tự do" với EU, theo đó cho phép tiến hành trao đổi thương mại không rào cản và tránh việc phải áp đặt một biên giới "cứng" tại Bắc Ireland.
Cụ thể, Văn phòng Thủ tướng Anh đã công bố bản tóm tắt gồm 12 điểm của thỏa thuận có tên gọi "Thỏa thuận Brexit của chúng ta cho nước Anh", với các nội dung mấu chốt sau: Một khu vực thương mại tự do Anh-EU với "bộ quy tắc chung" cho các sản phẩm nông nghiệp và hàng hóa công nghiệp; một thỏa thuận hải quan điều chỉnh cho phép Anh tự ấn định các mức thuế quan của mình và ký kết các thỏa thuận thương mại toàn cầu; cho phép Quốc hội Anh có tiếng nói cuối cùng về mọi quy định và luật lệ, đồng nghĩa với việc các nghị sĩ sẽ phải quyết định có thông qua hay không mọi sửa đổi do phía EU đưa ra; chấm dứt việc đi lại tự do và việc đóng góp cho EU, cùng với thẩm quyền của Tòa án Công lý châu Âu đối với nước Anh.
Thủ tướng May gọi thỏa thuận này là một "bước đi quan trọng" trong quá trình đàm phán để Brexit diễn ra một cách êm đẹp nhất.
Thỏa thuận này dự kiến sẽ được thể hiện thành "Sách Trắng" chính thức trong tuần này, cho phép nước Anh có quyền tự do xây dựng các thỏa thuận thương mại với các nước khác, trong khi vẫn duy trì những tiêu chuẩn cao về luật pháp, bảo vệ người tiêu dùng và môi trường.
Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra thời hạn hoàn tất thỏa thuận "ly hôn" với Anh vào tháng 10-2018 để Quốc hội Anh và Nghị viện châu Âu có đủ thời gian để thông qua thỏa thuận này trước thời điểm Anh chính thức rời EU dự kiến vào ngày 29-3-2019.
Tuy nhiên, đàm phán về vấn đề biên giới với Ireland vẫn không có tiến triển nào mới kể từ sau Hội nghị thượng đỉnh EU hồi cuối tháng 3.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận