18/09/2019 10:01 GMT+7

Hai bên giành trâu, tòa tuyên 'cưa đôi'

HOÀNG ĐIỆP
HOÀNG ĐIỆP

TTO - Đồng bào miền núi có tập tục thả rông gia súc nên việc trâu, bò giữa các đàn lớn lên cùng nhau rồi đi lạc hoặc nhập đàn khác xảy ra thường xuyên.

Hai bên giành trâu, tòa tuyên cưa đôi - Ảnh 1.

Có khi một con trâu lạc nhưng có đến hai người chủ nhận là trâu của mình. Do vậy, việc dẫn đến tranh chấp rồi kiện nhau ra tòa đòi trâu diễn ra khá phổ biến. Ngoài cách phân xử dựa vào đặc điểm, lời khai, người làm chứng..., nhiều vụ tòa buộc phải trưng cầu giám định ADN trâu.

Rắc rối cái... xoáy trâu

Tháng 5-2019, TAND huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam đưa ra xét xử một vụ tranh chấp gia súc đi lạc hi hữu giữa nguyên đơn là ông Trần Văn Nam và bị đơn là ông Lê Xuân Hóa, cả hai cùng ngụ tại huyện Đại Lộc.

Theo đơn khởi kiện và phần trình bày tại phiên tòa của ông Nam cho thấy: Trước đây, ông Nam có mua một con trâu cái nuôi giống và đã đẻ được nhiều lứa. 

Đến tháng 10-2017 có tổng cộng 24 con trâu được con trâu mẹ này sinh ra và được nuôi thả tự do tại lòng hồ Khe Tân, trong đó có một con trâu đực có xoáy "trật chìa" (xoáy nằm trên sống lưng) đẻ năm 2013. Sau đó, con trâu đực này đi lạc mất.

Đến tháng 8-2017, ông Ngô Phương phát hiện có một con trâu đực và một con trâu cái mắc bẫy trong rừng. 

Ông Phương gọi điện thoại báo và kêu ông Nam đến xem có phải trâu của ông không. Khi ông Nam vào rừng thì có rủ ông Hóa đi cùng. Đến nơi, ông Nam nhận con trâu cái là của mình, còn ông Hóa nhận con trâu đực là của mình.

Khi thấy ông Hóa nói con trâu đực này là của ông Hóa thì ông Nam hỏi có bằng chứng gì? Ông Hóa nói con trâu của ông Hóa có "2 xoáy tiền và 2 xoáy hậu". Tuy nhiên, con trâu đực kia lại có xoáy "trật chìa" nên ông Nam nói nó không phải trâu của ông Hóa mà là con đực xoáy "trật chìa" của mình đã bị lạc trước đây.

Việc con trâu đực của ông Nam có xoáy "trật chìa" thì nhiều người trong thôn đều biết nên ông Nam không cho ông Hóa dắt con trâu đực về, nhưng ông Hóa vẫn dắt về nuôi. Khi ông Hóa dắt trâu về thì ông Nam khiếu nại đến xã và việc hòa giải không thành nên ông Nam kiện ra tòa đòi trâu.

Tại phiên tòa, ông Hóa cho rằng ông cũng nuôi trâu và thả rông trong lòng hồ Khe Tân. Trong đàn trâu của ông có một con trâu đực được đẻ năm 2013. Do con trâu đực này nghịch phá keo tràm của hàng xóm nên năm 2016 nó bị đuổi đi. 

Ông Hóa đã đi tìm nó hơn một năm mới thấy, lúc đó ông có cho nó ăn cỏ và quay phim chụp hình lại làm bằng chứng. Nhưng khi được hỏi về xoáy trâu, ông Hóa nói không đúng nên ông Nam mới nhận là trâu của ông Nam. 

Ông Hóa khẳng định con trâu này của mình vì nó quen chủ nên ông mới xỏ mũi dắt về nhà được, còn ông Nam không phải chủ nó nên không dám đến gần.

Tòa xử... "vui cả làng"

Nhiều nhân chứng là những người quen với việc chăn thả hai đàn trâu của ông Nam và ông Hóa được mời đến tòa. Tuy nhiên không nhân chứng nào xác nhận được con trâu này là của ai. Riêng ông Phương, người phát hiện con trâu bị mắc bẫy, khẳng định cả ông Nam và ông Hóa đều đã từng có một con trâu đực đi lạc.

Theo biên bản thẩm định tại chỗ vào tháng 7-2018 thì con trâu trong video mà ông Hóa cung cấp và con trâu đang tranh chấp có phần đầu giống nhau. Còn ông Nam thì chỉ đưa được ra cái xoáy "trật chìa" chứ không đưa ra được bằng chứng gì khác. 

Do đó, tòa án nhận định rằng việc ông Nam yêu cầu tòa tuyên cho ông được sở hữu con trâu là không có cơ sở.

Ngoài ra, tuy không đưa ra được bằng chứng vững chắc thể hiện con trâu là của mình nhưng cả ông Nam và ông Hóa đều không yêu cầu tòa trưng cầu giám định ADN. Thậm chí, tòa yêu cầu cả hai ông cung cấp mẫu gen con trâu có cùng huyết thống để tiện bề đánh giá nhưng cũng không được họ chấp nhận. 

Do đó, tòa cho rằng không xác định được ADN của con trâu đang tranh chấp nên không có cơ sở khoa học xác định con trâu đang tranh chấp thuộc sở hữu của ông Nam hay ông Hóa.

Vì không cung cấp được bằng chứng gì liên quan đến vụ án nên cả hai bên đề nghị tòa xử trên cơ sở các bằng chứng thu được. Trong khi đó, tòa cho rằng lời khai của cả bên nguyên lẫn bên bị đều không đủ căn cứ để tuyên con trâu thuộc sở hữu của bên nào. Tòa cũng đã đăng thông báo tìm chủ trâu bị thất lạc nhưng không ai đến nhận.

Cuối cùng, cho rằng cả ông Nam và ông Hóa đều có công trong việc chăm sóc, nuôi dưỡng con trâu từ khi phát hiện tới thời điểm mở phiên tòa và cũng không có ai khác đến nhận, nên tòa áp dụng điều 231 Bộ luật dân sự về việc xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc. 

Theo đó, tòa tuyên cho cả ông Nam và ông Hóa cùng được quyền sở hữu con trâu tranh chấp.

Tháng 4-2019, ông Nam và ông Hóa thống nhất định giá con trâu là 30 triệu đồng. Trước đó, do ông Hóa bệnh tật không chăm giữ được con trâu nên có giao cho ông Nam chăm giữ, vì vậy tòa giao cho ông Nam tiếp tục chăm giữ con trâu, đồng thời ông Nam phải trả cho ông Hóa 15 triệu đồng.

Tòa tuyên xong, các bên cùng vui vẻ ra về. (còn tiếp)

Tòa thông báo tìm chủ trâu lạc

Do hai bên đều không đưa được chứng cứ chứng minh con trâu đực là của mình, để đảm bảo tính khách quan của vụ việc, tháng 3-2018, TAND huyện Đại Lộc có thông báo về việc tìm kiếm chủ sở hữu con trâu.

Mặc dù tòa thông báo công khai đến các xã lân cận nơi các đàn trâu thường được thả rông, nhưng suốt một thời gian dài vẫn không có ai đến nhận.

Tòa tuyên xong, nhiều bị hại gây náo loạn, đòi bị cáo trả tiền ngay Tòa tuyên xong, nhiều bị hại gây náo loạn, đòi bị cáo trả tiền ngay

TTO - Ngay sau khi tòa tuyên án, nhiều bị hại vốn là người lao động cực nhọc, muốn chủ hụi trả lại tiền ngay, không cần thi hành án nên đã gây náo loạn trước sân tòa.

HOÀNG ĐIỆP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp