Tại lễ tiếp nhận chứng nhận kim cương của Tổ chức Đột quỵ thế giới cho Bệnh viện Bạch Mai sáng nay 29-4, giám đốc Trung tâm Đột quỵ (Bệnh viện Bạch Mai) Mai Duy Tôn cho biết trung tâm mới tiếp nhận hai bé gái 9 và 12 tuổi từ Hà Nam và Phú Thọ chuyển đến.
"Bé gái 9 tuổi đang ngồi học trong lớp thì bất ngờ bị tê bì, liệt nửa người bên trái, chụp cắt lớp không phát hiện tổn thương nhưng qua hội chẩn, các bác sĩ nghĩ nhiều đến đột quỵ.
Tại Trung tâm Đột quỵ, qua chụp cộng hưởng từ phát hiện thiếu máu não do đột quỵ chưa rõ nguyên nhân, sau gần một tuần tập phục hồi chức năng, bệnh nhân phục hồi gần như hoàn toàn, không để lại di chứng" - ông Tôn cho biết.
Một trường hợp khác là bé gái 12 tuổi ở Phú Thọ chuyển đến, trước đó cháu đột ngột bị nhìn mờ một bên mắt. Tại Trung tâm Đột quỵ, cháu được xác định bị dị dạng mạch máu não. Với sự can thiệp của các bác sĩ phẫu thuật thần kinh, bệnh nhi đã hồi phục.
Theo ông Tôn, kể từ khi thành lập (cách đây gần 6 tháng), trung tâm đã tiếp nhận hơn 5.500 bệnh nhân đột quỵ, trong đó nhóm người được coi là trẻ với bệnh đột quỵ (dưới 45 tuổi) chiếm 10%. Điều đáng chú ý là thời gian vàng để cấp cứu, điều trị hiệu quả cho bệnh nhân là 4,5-6 giờ từ khi có triệu chứng, nhưng chỉ có 30% bệnh nhân đến kịp thời gian này.
Với bệnh nhân đột quỵ não, phải chạy đua thời gian để điều trị hiệu quả, những dấu hiệu nghi ngờ là tê bì tay chân một bên, mờ mắt, méo miệng, yếu liệt hoặc nói ngọng đột ngột. Tuy nhiên nhiều bệnh nhân có dấu hiệu này và ở nhà đợi hồi phục nhưng qua đó mất thời gian vàng.
Tại Việt Nam, các thông số cho biết mỗi năm ghi nhận khoảng 200.000 bệnh nhân đột quỵ mới mắc, đây là nguyên nhân gây tử vong hàng thứ ba và gây tàn phế hàng thứ nhất trong số các bệnh mãn tính, bệnh có dấu hiệu gia tăng ở người trẻ tuổi thời gian gần đây.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận