20/06/2017 10:08 GMT+7

Hai bạn trẻ thấy hồn dân mình qua tiếng sáo, đàn bầu

ĐỖ TRƯỜNG
ĐỖ TRƯỜNG

TTO - Niềm say mê âm nhạc đã đưa hai bạn trẻ khiếm thị Phạm Xuân Hai (21 tuổi) và Trần Văn Báu (19 tuổi) tìm đến lớp học nhạc cụ dân tộc của Trung tâm bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc Nhạc viện TP.HCM.

*** Error ***
Trần Văn Báu với cây sáo trúc thân quen - Ảnh: Trần Trí Trung

Xuân Hai học đàn bầu, còn Văn Báu học sáo trúc.

1. Trần Văn Báu khởi động buổi học thổi sáo - như thường lệ - bằng cách luyện hơi, Báu thổi một hơi thiệt dài ở mỗi nốt nhạc. Bắt đầu bài học mới, thầy giáo cho em nghe bản sáo gốc, rồi em nói lên cảm nhận âm thanh ban đầu.

Sau đó, thầy thổi từng đoạn ngắn, giảng giải vị trí nốt nhạc, cách đặt môi vào sáo, bấm nốt trên lỗ sáo để tạo nên một bài thổi hoàn chỉnh. Bên cạnh kỹ thuật, thầy cắt nghĩa nội dung câu hát cho Báu hiểu mà luyến láy tiếng sáo sao thiệt tình cảm. Thỉnh thoảng, Báu thổi sai vài nốt, thầy lại đặt tay em vào đúng lỗ sáo cần bấm.

Lớp học một thầy một trò, thầy thổi trước, trò học lại, nhưng không vào khuôn sáo, bởi “kỹ thuật giúp em thổi chắc nhịp, còn làn hơi dài ngắn, trong đục, ngắt quãng hay thăng hoa là tùy thuộc vào tâm tư và tâm hồn em gửi gắm vào đó. Báu nhạy cảm nên tiếng sáo của em luôn chất chứa nỗi niềm” - thầy Trần Thiên Lâm nói.

Ngày còn nhỏ, Trần Văn Báu bén duyên sáo trúc nhờ một lần nghe tiếng sáo thổi làn điệu dân ca trên chiếc radio của ông.

Báu học lóm các anh chị trong xóm thổi sáo, rồi sau đó được học các nhạc cụ hiện đại như organ, harmonica nhưng Báu vẫn chọn sáo vì “thổi sáo là thổi luôn nỗi lòng của em vào đó. Thổi cả những ước mơ. Và thổi sáo em còn cảm nhận được cái hồn của dân tộc mình” - Báu tâm sự.

Văn Báu khoe em là cây văn nghệ của lớp, thường “hát lại” các ca khúc “hit” nhạc trẻ bằng tiếng sáo.

Báu chia sẻ vẫn thường rụt rè mỗi khi đứng trước đám đông, nhưng có cây sáo bên cạnh là Báu có thể xóa tan cảm giác tự ti. Một lần được thầy giáo giới thiệu biểu diễn ở Nhạc viện TP.HCM, dẫu Báu rất run, nhưng sau lần trình diễn đó, Báu đã mạnh dạn nói lên ước mơ và khát khao được truyền cảm hứng về niềm vui sống, niềm đam mê âm nhạc đến những bạn bè có hoàn cảnh như mình.

2. Ở một lớp học khác, Phạm Xuân Hai mặc sơmi trắng quần tây đen đóng thùng, ngồi vào cây đàn bầu thân bằng gỗ, một dây, một cần đàn. Vừa đặt tay vào đàn em đã phát hiện thầy giáo thay dây đàn mới, lần tay trên khóa đàn em điều chỉnh lại cho đúng với dây đàn.

Tay trái cầm cần đàn nơi điều khiển tâm tư của người chơi, tay phải nâng que gảy tạo nốt nhạc để khi kết hợp sẽ tạo nên âm thanh xúc cảm. Và bài Lý cây bông với tiếng đàn bầu của Xuân Hai đã bắt đầu như thế!

Đàn bầu chỉ một dây đàn thẳng tưng không làm khó Xuân Hai xác định các nốt nhạc.

Xuân Hai kể: “Tuy không nhìn thấy nhưng bù lại em nhớ và nghe rất kỹ, chính xác vị trí âm thanh của từng nốt trên dây đàn. Có lẽ một phần do ông trời "lấy cái này bù cái khác", nhưng phần lớn vẫn là do em chăm chỉ luyện tập hằng ngày”.

Hành trang đến lớp của Hai luôn có máy ghi âm trong balô. Hai ghi âm lại bài giảng của thầy, ghi âm lại bản nhạc, bài tập về nhà nghe lại và học thuộc.

Hỏi sao Hai còn trẻ mà chọn loại nhạc cụ có thanh âm buồn đến nao lòng, em trả lời là ngày nhỏ khi đi ngang một đám tang, âm thanh ai oán nỉ non của đàn bầu bám riết lấy em. Rồi khi lớn lên, bằng cách này hay cách khác, đàn bầu đến với em thật tự nhiên như duyên nợ.

Thầy Trần Trí Trung - giảng viên đàn bầu tại Trung tâm bồi dưỡng năng khiếu âm nhạc Nhạc viện TP.HCM, đang dạy đàn bầu cho Phạm Xuân Hai - chia sẻ việc dạy đàn cho người khuyết tật không mấy khó khăn, mà có nhiều niềm vui: “Họ mang trong người nghệ sĩ tính, khả năng thẩm âm và gout âm nhạc rất tốt”.

Gặp Xuân Hai và Văn Báu vào buổi sáng đầu tuần, cùng trò chuyện và lắng nghe tiếng đàn tiếng sáo của họ, mới thêm hiểu “cuộc đời vẫn đẹp sao tình yêu vẫn đẹp sao” như Phan Huỳnh Điểu từng viết...

ĐỖ TRƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp