Phóng to |
Ông Hai Tân - Ảnh tư liệu |
May, nhờ duyên phận làm ngành tư tưởng văn hóa và báo chí xuất bản nên được chú chỉ dạy đôi điều. Chuyện về chú thì nhiều, riêng tôi học được hai điều.
Thứ nhất, khi nói về lý tưởng với cán bộ Đoàn, chú thường hay nói: “... Đối với người cộng sản, người đảng viên thì điều quan trọng là nên tự hỏi: trong một ngày chúng ta vào Đảng và ra Đảng bao nhiêu lần. Việc ngày kết nạp và ngày bị khai trừ chỉ là hình thức bên ngoài, quan trọng là bản chất bên trong như thế nào...”.
Chú nói thêm: “...Những người cộng sản là những người sống với nhau, sống với đồng bào trong tình thương yêu máu thịt và chỉ phục tùng lẽ phải, phục tùng chân lý, không sợ cường quyền, không sợ áp bức...”.
Chú minh chứng trong lúc tù đày, đảng viên phải thọ hình nặng hơn, bí thư chi bộ phải thọ hình nặng hơn... nhưng nề nếp chi bộ trong lao tù được giữ vững không phải do quyền lực mà là do đạo đức, do trí tuệ, do sức mạnh lý tưởng của chi bộ, của đảng viên và của cấp ủy...
Bài học đó tôi nhẩm mỗi ngày, đến nay chưa thuộc.
Thứ hai, chú Hai sinh năm 1926, nay được 88 tuổi theo dương lịch. Tôi nhớ có lần ghé thăm chú, khi đó chú đã được 84 tuổi. Chú đang ngồi bó lại cây chổi tại nhà riêng và nói cho tôi nghe nhiều chuyện mà không hề có sự suy giảm trí nhớ nào của tuổi già.
Tôi hỏi chú bí quyết dưỡng sinh, chú có tập thể dục đều không và chú thường tập môn nào? Chú trả lời rằng chú không chơi thể thao mà cũng không tập thể dục. Quan điểm dưỡng sinh riêng của chú là “lao động lăng xăng và có ích”. Ví dụ sửa chổi, sửa xe, làm một số dụng cụ gia đình, chăm kiểng...
Theo chú, khi chúng ta nghĩ tập thể dục cho khỏe là khi đó ta rơi vào trạng thái “trước ý” của nhà Phật và nhà võ. Ví dụ có người muốn luyện Dịch cân kinh để võ công vô địch thì không được. Kẻ vô tình luyện lại thành. Nên chúng ta tập thể dục để muốn khỏe thì chưa chắc khỏe, tập thể dục như chuyện bình thường, như thói quen hằng ngày thì đôi khi lại khỏe.
Chú chọn “lao động lăng xăng và có ích” vì khi lao động, ta không chỉ dùng sức mà còn phải dùng trí và đôi khi là cả tâm hồn ta. Sau khi lao động xong, nhìn lại thành quả vừa làm có ích cho con cháu, cho gia đình, làm ta vui sướng. Niềm vui này tác động lại ta giúp trí tuệ và cơ thể tốt hơn...
Một bài học dưỡng sinh quá hay, theo tôi. Bài học này, đến nay, tôi cũng chưa thuộc.
Nhớ chú Hai. Kính chú Hai. Nhắc hai bài học, học được từ chú Hai thay lòng tri ân và cầu mong chú tiêu diêu ở cõi vĩnh hằng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận