Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn trung ương tối nay, áp thấp nhiệt đới cách Côn Đảo khoảng 300km về phía đông đông nam với sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6-7 (40 - 60km/h), giật cấp 9.
Áp thấp nhiệt đới này di chuyển theo hướng tây tây bắc, mỗi giờ đi được 15-20km. Dự báo ngày 1-11, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển Bến Tre - Cà Mau.
Do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp với không khí lạnh, ở vùng biển tây nam quần đảo Trường Sa, vùng biển từ Bình Thuận đến Cà Mau (bao gồm các huyện đảo Phú Quý, Côn Đảo) có mưa rào và dông kèm khả năng lốc xoáy, gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Trên đất liền các tỉnh ở Nam Bộ từ đêm nay 31-10 đến hết ngày 2-11 có mưa vừa, mưa to, tổng lượng mưa cả đợt phổ biến 100 - 150mm, có nơi trên 200mm.
Tại các tỉnh ven biển Trung và Nam Trung Bộ tiếp tục có mưa phổ biến 50 - 150mm, riêng các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định có nơi lượng mưa trên 200mm.
Trong khi đó một áp thấp nhiệt đới khác hình thành cách đảo Palawan (Philippines) khoảng 680km về phía đông ngày 31-10 di chuyển chủ yếu theo hướng tây, mỗi giờ đi được khoảng 20km đang được dự báo nhiều khả năng mạnh lên thành bão.
Dự kiến rạng sáng 2-11, bão sẽ vào Biển Đông trở thành bão số 12.
Ông Lê Thanh Hải, phó tổng giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhận định diễn biến của hai áp thấp nhiệt đới hiện nay rất phức tạp và có tương tác với nhau.
Khả năng áp thấp nhiệt đới thứ nhất sẽ di chuyển đi ngang phía nam mũi Cà Mau trước khi vào vịnh Thái Lan nhưng không loại trừ bão đổi hướng đổ bộ vào đất liền.
Riêng áp thấp nhiệt đới phía đông Philippines gần như chắc chắn sẽ thành bão, do còn ở khá xa nên nhận định ban đầu cơn bão này có khả năng hướng vào khu vực Nam Trung Bộ hoặc Nam Bộ.
"Lo ngại nhất là cơn bão này có thể gây thời tiết xấu trong những ngày diễn ra sự kiện APEC sắp tới", ông Hải cho hay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận