Hai em Đinh Hữu Thiên Phúc (trái - lớp 11A5) và Phạm Hùng (lớp 12A7), chủ nhiệm đề tài hiến tạng, đang trao đổi về đề tài - Ảnh: H.L.
Đề tài nghiên cứu không nhắm đến việc sẽ có bao nhiêu người đăng ký tham gia hiến tặng mô tạng, mục tiêu nhắm tới của đề tài chính là làm thay đổi nhận thức, tạo sự lan tỏa đến tất cả mọi người cùng hưởng ứng về nghĩa cử cao đẹp này.
Cô Nguyễn Thị Thúy
Câu chuyện đẹp về nghĩa cử hiến tạng của những người như Hải An, Phạm Công Tuấn Anh, Trịnh Đình Vàng... chính là chất xúc tác, để rồi lần đầu tiên một đề tài nghiên cứu cấp tỉnh về hiến mô tạng được ra đời bởi nhóm học sinh của Trường THPT Nguyễn Du (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu).
Hai tác giả ấy chính là em Đinh Hữu Thiên Phúc (lớp 11A5) và em Phạm Hùng (lớp 12A7).
Hải An để lại nhiều bài học
Thiên Phúc và Phạm Hùng học khác khóa nhưng lại chơi với nhau khá thân thiết. Nhất là từ khi có chung một niềm trăn trở mong muốn nhân rộng câu chuyện hiến tạng cứu người.
Lứa tuổi học trò tinh nghịch, cả hai thú nhận không tránh khỏi "mê game", ham chơi... Nhưng trong một lần tình cờ được xem câu chuyện xúc động về hành trình của mẹ và bé Hải An trên sóng truyền hình, cả hai lặng đi.
"Đó là câu chuyện rất xúc động, Hải An còn rất nhỏ nhưng em có một nghĩa cử tặng giác mạc vô cùng cao đẹp, câu chuyện đó đã truyền một thông điệp nhân đạo sâu sắc với chúng em" - Phúc chia sẻ.
Thế rồi, từ Hải An đã thôi thúc hai em Thiên Phúc, Phạm Hùng say mê tìm hiểu về hiến ghép mô tạng cứu người. Càng tìm hiểu, các em càng cảm thấy ray rứt trước nhiều câu chuyện buồn về số phận của nhiều em bé đành phải sớm kết thúc cuộc đời bởi không có nguồn tạng thay thế.
Cuộc đời không chỉ một màu xám xịt, ở đó các em như được truyền thêm động lực bởi vô vàn câu chuyện lấp lánh niềm tin từ những người đã dâng hiến một phần cơ thể của mình để cứu sống nhiều mảnh đời đang đối diện với cái chết.
Điều mà Phạm Hùng nói cảm thấy buồn là khi em chia sẻ các câu chuyện này nhiều người tỏ vẻ thờ ơ, họ không đồng tình, thậm chí có người phản ứng gay gắt.
"Nhiều người muốn bảo toàn cơ thể khi qua đời, họ không muốn làm điều này bởi quan niệm xưa nay. Có bạn, khi tụi em đề cập đến việc này thì tỏ ra không hứng thú mà chỉ thích nói về game, về văn hóa thần tượng" - Hùng tâm sự.
"Chúng em phải làm gì đó để tác động vào nhận thức, suy nghĩ cho nhiều người hiểu giá trị của việc hiến tạng nối dài sự sống. Bởi từ khi biết Hải An, biết đến nghĩa cử cao đẹp mà bé ấy làm, bản thân em đã tự hứa sẽ sẵn sàng hiến tạng nếu không may có gì bất trắc xảy ra" - Thiên Phúc nói về quyết định hiến tạng và lý do thực hiện đề tài nghiên cứu.
Để bắt tay thực hiện đề tài này, hai bạn bảo rằng phải sáng tạo ra đủ các hình thức tác động như tổ chức kịch, thi hùng biện về các nhân vật, chia sẻ các câu chuyện có nghĩa cử cao đẹp. Không chỉ thế, hai bạn trẻ còn có ý tưởng tổ chức các sân chơi, các buổi tọa đàm đáp ứng được tâm lý, lứa tuổi, sở thích của các bạn.
"Dựa vào các bảng câu hỏi tụi em có thể đánh giá hiểu biết của các bạn về hiến ghép mô tạng, từ đó mới đưa ra định hướng làm thay đổi dần nhận thức của các bạn" - Hùng nói.
Và chính điều này phần nào làm thay đổi dần nhận thức của rất nhiều thầy cô, học sinh về hiến mô tạng. Nhiều người từ phản đối nay sẵn sàng hiến một phần cơ thể nếu chẳng may gặp chuyện chẳng lành. Đến nay có 18 thầy cô và cựu học sinh của trường đăng ký hiến tạng.
"Em rất khâm phục những người ở thời khắc quyết định, cuối cùng họ đã đưa quyết định hiến tạng cứu người. Em mong muốn sẽ trở thành người kết nối, thuyết phục thật nhiều trường hợp có thể hiến mô tạng để có thể ngày càng lan tỏa nghĩa cử cao đẹp này".
Đinh Hữu Thiên Phúc
"Đề tài rất mới"
Suốt bao năm gắn bó với công việc điều phối hiến ghép tạng nhưng khi được tiếp cận với đề tài nghiên cứu của cô trò Trường THPT Nguyễn Du, điều đầu tiên mà bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) - cảm nhận là không khỏi bất ngờ, cảm động.
Từ khoảng mấy tháng trước, bác sĩ Thu bất ngờ nhận được "cú" điện thoại của cô Nguyễn Thị Thúy, giáo viên hướng dẫn đề tài. Khi nghe ý tưởng, bác sĩ Thu đã nhanh chóng "gật đầu" nhận lời làm cố vấn cho một đề tài nghiên cứu về hiến ghép mô tạng, vốn "xưa nay hiếm" trong trường học.
"Tôi vui, hạnh phúc và rất ngạc nhiên khi các em học sinh còn ngồi trên ghế nhà trường đã có suy nghĩ, lựa chọn đề tài này. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được chính các thầy cô, các em học sinh tìm đến với mong muốn có tư vấn sâu hơn để cùng chung tay lan tỏa việc làm cao cả là hiến tạng cứu người" - bác sĩ Thu nói.
Theo đánh giá của bác sĩ Thu, đề tài này rất mới, có thể nói đây là đề tài đầu tiên về hiến ghép tạng được các em học sinh THPT tại Việt Nam thực hiện.
"Tôi hi vọng đây là một tiền đề để các cấp học cao hơn của Bộ GD&ĐT cùng với Bộ Y tế suy nghĩ đến việc phối hợp cùng nhau đưa chương trình này vào trong học đường. Đó có thể thiết kế dưới dạng các giờ ngoại khóa, giờ tọa đàm để ai cũng có thể hiểu sâu, lan tỏa mạnh mẽ hơn thông điệp về hiến ghép tạng cứu người" - bác sĩ Thu nói.
Bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) trò chuyện vui vẻ bên cô giáo hướng dẫn 2 em làm đề tài - Ảnh: H.L
Lan tỏa nghĩa cử cao đẹp
Người "chắp cánh" cho đề tài độc đáo của hai cậu học sinh này là cô Nguyễn Thị Thúy, một giáo viên dạy công nghệ nhưng lại có một tấm lòng nhiệt huyết với đề tài hiến tạng. Theo cô Thúy, cô trò bắt tay vào thực hiện đề tài nghiên cứu này từ tháng 3 đến nay.
Đến nay hiệu quả đề tài mang lại rất tích cực. Cô Thanh Huyền - mẹ của Phạm Hùng (một trong hai bạn thực hiện đề tài), cũng là giáo viên dạy văn của trường - bảo rằng khi nghe con nói về ý tưởng hiến mô tạng nếu có điều gì bất trắc cô giật mình.
"Dù có biết nhiều thông tin về hiến ghép tạng nhưng khi nghe chính con trai nói tôi hơi sốc. Nhưng sau những ngày tìm hiểu, rồi lặng đi để suy nghĩ, tôi tự hỏi tại sao con mình còn trẻ lại suy nghĩ được điều này, trong khi tôi là mẹ lại không suy nghĩ được. Tôi thấy đây là việc làm vô cùng ý nghĩa và đáng lẽ ra tôi phải giáo dục con từ rất sớm" - cô Huyền nói.
Không chỉ cô Huyền nhận thấy điều này, trong bài cảm nhận của mình, em Lê Thị Tú Anh (lớp 12A4) đã tự đặt cho mình rất nhiều câu hỏi về sự sống và cái chết. Để rồi cô gái xinh đẹp ấy kịp ngộ ra rằng: "Sống là cho và chết cũng là cho" và "cái chết sẽ không là kết thúc nếu nó trở thành một điểm tái xuất phát của một con người khác".
Còn chàng học sinh Nguyễn Quang Huy (lớp 12A3) lại đau đáu trước bao hoàn cảnh đang chờ đợi từng ngày để được ghép tạng duy trì sự sống. Huy nói rằng kể từ khi được tìm hiểu câu chuyện hiến tạng em thấu hiểu hơn về sự bất hạnh, nỗi đau, niềm khát khao được sống của rất nhiều người bệnh.
"Em nhận thấy mình phải có hành động gì đó thật có ích cho người bệnh, xã hội và cả cuộc đời em. Khi bước qua tuổi 18 em sẵn sàng hiến tặng một phần cơ thể của mình nếu chẳng may phải tạm biệt cuộc sống này" - Huy tâm sự.
18 giáo viên đăng ký hiến tạng
Buổi tọa đàm “Thay đổi nhận thức về việc hiến tặng mô tạng - thách thức và niềm tin với học sinh THPT” mới đây tại trường THPT Nguyễn Du (Bà Rịa - Vũng Tàu) có một hình ảnh rất đặc biệt: trao thẻ hiến tạng cho 18 thầy cô giáo của trường.
Đại diện Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM trao thẻ đăng ký hiến tạng cho các thầy cô Trường THPT Nguyễn Du - Ảnh: THIÊN CHƯƠNG
Trong số họ, có cô giáo Thanh Huyền - mẹ của em Phạm Hùng, thầy Tâm (hiệu trưởng), cô Bảo Ngọc (giáo viên dạy toán), cô Thanh Thúy (giáo viên dạy công nghệ)... Đây có lẽ là ngôi trường THPT đầu tiên của cả nước có số lượng thầy cô giáo đăng ký hiến tạng nhiều đến vậy.
"Đây là điều vô cùng quý giá và tuyệt vời. Hi vọng điều này sẽ ngày càng lan tỏa ra nhiều thầy cô ở nhiều ngôi trường khác trong cả nước", bác sĩ Dư Thị Ngọc Thu - Trưởng Đơn vị Điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) - chia sẻ.
Gần 13.000 lượt người đăng ký hiến tạng
Ca ghép tạng hiến tại Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM - Ảnh: BVCC
Thông qua các hình thức đăng ký như trực tiếp, qua email hoặc qua đường bưu điện, đến nay đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người (Bệnh viện Chợ Rẫy) tiếp nhận gần 13.000 người đăng ký hiến tạng, đủ mọi thành phần xã hội ở hầu hết các địa phương cả nước. Đặc biệt, trong số này có nhiều gia đình gồm cha con, vợ chồng, mẹ con, anh chị em cùng đăng ký hiến tạng.
Từ nguồn tạng hiến, đơn vị đã điều phối ghép tim, phổi, gan và giác mạc cho nhiều người bệnh cần để nối dài sự sống cho họ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận