Người biểu tình Hong Kong cầm cờ Mỹ và phiên bản biến tấu khẩu hiệu tranh cử nổi tiếng của Tổng thống Donald Trump trong cuộc biểu tình tại Hong Kong ngày 14-10 - Ảnh: REUTERS
Ba trong số bốn đạo luật / nghị quyết được thông qua liên quan đến Hong Kong.
Hãng tin Reuters bình luận việc tất cả nghị sĩ Dân chủ và Cộng hòa cùng đồng lòng thông qua các đạo luật cho thấy giới lập pháp Mỹ đang muốn gửi một thông điệp mạnh mẽ tới Trung Quốc sau 4 tháng bất ổn ở Hong Kong.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ngay lập tức lên tiếng nhấn mạnh Hạ viện Mỹ nên thôi "can thiệp công việc nội bộ" của nước này, đồng thời cảnh báo quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ bị hủy hoại nếu các đạo luật này chính thức có hiệu lực.
Bắc Kinh trước đó đã chỉ trích các phát ngôn của phương Tây về tình hình Hong Kong, cáo buộc Mỹ đứng sau tình trạng bạo lực ở đặc khu này.
Trong số các đạo luật khiến Trung Quốc tức giận, đáng chú ý có đạo luật Nhân quyền và dân chủ Hong Kong. Theo đó, nó yêu cầu Bộ Ngoại giao Mỹ phải đánh giá mỗi năm liệu Hong Kong có đang giữ được quyền tự chủ cao hay không; Nếu không, đặc khu hành chính của Trung Quốc sẽ không được nhận các đối xử đặc biệt từ Mỹ nữa.
Kế đến là đạo luật Bảo vệ Hong Kong, trong đó các nhà lập pháp Mỹ lập luận cần phải cấm bán các thiết bị quân sự và kiểm soát đám đông cho chính quyền Hong Kong với lo ngại chúng có thể được sử dụng để chống lại người biểu tình.
Một nghị quyết không ràng buộc pháp lý đã công nhận mối quan hệ giữa Hong Kong và Mỹ, lên án "sự can thiệp" của Trung Quốc và ủng hộ quyền được lên tiếng của người Hong Kong.
Nghị quyết còn lại bày tỏ sự ủng hộ Canada trong vụ bắt giữ Mạnh Vãn Chu - giám đốc tài chính Huawei - theo yêu cầu của Mỹ.
Để trở thành luật và chính thức có hiệu lực, các đạo luật trên cần được thông qua tại thượng viện trước khi đẩy tới bàn làm việc của Tổng thống Donald Trump, theo Reuters.
Các cuộc biểu tình rầm rộ đã làm rung chuyển Hong Kong kể từ khi nó được trao trả cho Trung Quốc năm 1997. Dù chính quyền Hong Kong đã rút lại dự luật dẫn độ với Trung Quốc - nguyên nhân khiến biểu tình bùng phát, người Hong Kong vẫn xuống đường.
Nhiều vụ đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình đã xảy ra với bom xăng, hơi cay, vòi rồng và gạch đá được sử dụng làm vũ khí. Tình hình Hong Kong được nhận định là thách thức lớn nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kể từ khi lên nắm quyền năm 2012.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận