Dự luật viện trợ sẽ được chuyển đến Thượng viện do Đảng Dân chủ kiểm soát, nơi đã thông qua một dự luật tương tự hơn hai tháng trước. Các nhà lãnh đạo Mỹ từ Tổng thống thuộc Đảng Dân chủ Joe Biden đến lãnh đạo phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell đã thúc giục Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đưa dự luật ra bỏ phiếu.
Thượng viện dự kiến sẽ xem xét dự luật đã được Hạ viện thông qua vào ngày 23-4. Việc bỏ phiếu thông qua sẽ diễn ra vào tuần tới, dọn đường cho Tổng thống Biden ký thành luật.
Chi tiết dự luật viện trợ
Theo Hãng tin Reuters, dự luật do Hạ viện thông qua cung cấp 60,84 tỉ USD để giải quyết xung đột ở Ukraine.
Dự luật cung cấp gần 14 tỉ USD để đào tạo, trang bị và tài trợ cho nhu cầu của quân đội Ukraine.
Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỉ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng.
Ý tưởng về một khoản vay, thay vì một khoản trợ cấp, được đề xuất bởi cựu tổng thống Donald Trump, người tin rằng Mỹ nên ngừng phân phát tiền mà không có bất kỳ khoản hoàn trả nào.
Khoảng 23 tỉ USD trong gói viện trợ được dùng để bổ sung vũ khí, cơ sở vật chất và trang thiết bị cho chính Mỹ.
Dự luật cũng ủy quyền cho tổng thống Mỹ tịch thu và bán tài sản của Nga để tài trợ cho việc tái thiết Ukraine, một ý tưởng cũng đang thu hút được sự chú ý của các nước G7 khác.
Theo báo Times of Israel, dự luật viện trợ 17 tỉ USD hỗ trợ quân sự cho Israel trong cuộc xung đột với Hamas. Khoản viện trợ sẽ được sử dụng để tăng cường hệ thống phòng không Vòm Sắt.
Bên cạnh đó, hơn 9 tỉ USD cũng sẽ được Mỹ viện trợ để giải quyết "nhu cầu cứu trợ nhân đạo cấp thiết ở Dải Gaza", cũng như các khu vực bị chiến tranh tàn phá khác.
Ngoài ra, dự luật cung cấp khoảng 8 tỉ USD để chống lại Trung Quốc, thông qua việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng tàu ngầm và thúc đẩy cạnh tranh với các dự án của Trung Quốc tại các nước đang phát triển.
Dự luật cũng dành hàng tỉ đô la tài trợ vũ khí cho Đài Loan.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã lên tiếng cảm ơn, nói rằng các nhà lập pháp Mỹ đã giúp "lịch sử đi đúng hướng".
"Gói viện trợ quan trọng của Mỹ được Hạ viện thông qua hôm nay sẽ ngăn chặn xung đột lan rộng, cứu sống hàng ngàn sinh mạng và giúp cả hai quốc gia của chúng ta trở nên mạnh mẽ hơn", ông Zelensky viết trên mạng xã hội X (Twitter).
Nhiều ý kiến phản đối
Kết quả biểu quyết thông qua gói viện trợ cho Ukraine là 311-112. Đáng chú ý, 112 đảng viên Cộng hòa phản đối dự luật, chỉ có 101 người ủng hộ.
Một số thành viên Cộng hòa phản đối mạnh mẽ việc viện trợ thêm cho Ukraine lập luận rằng Mỹ không thể chi trả trong bối cảnh nợ công lên tới 34.000 tỉ USD.
"Mike Johnson là một con vịt què… ông ta tiêu rồi", dân biểu cực hữu của Đảng Cộng hòa Marjorie Taylor Greene nói với báo giới.
Marjorie Taylor Greene là một trong những người phản đối mạnh mẽ nhất việc giúp đỡ Ukraine trong cuộc chiến chống Nga và từng đe dọa lật đổ ông Mike Johnson khỏi ghế chủ tịch Hạ viện vì vấn đề này.
Việc Hạ viện Mỹ thông qua dự luật viện trợ 95 tỉ USD được cho là đã phơi bày một số rạn nứt trong việc ủng hộ Israel tại Quốc hội. Những tháng gần đây, các dân biểu tiến bộ của Đảng Dân chủ đã bày tỏ sự tức giận với chính quyền Israel và cách họ tiến hành cuộc chiến tại Dải Gaza.
Kết quả biểu quyết thông qua gói viện trợ cho Israel là 366-58, với 37 đảng viên Dân chủ và 21 đảng viên Cộng hòa phản đối.
Việc thông qua gói viện trợ khổng lồ cũng được các công ty quốc phòng Mỹ theo dõi sát sao. Họ có thể ký được những hợp đồng khổng lồ để cung cấp trang thiết bị cho Ukraine và các đối tác khác của Mỹ.
Các dự luật được thông qua cũng bao gồm biện pháp đe dọa cấm ứng dụng mạng xã hội TikTok do Trung Quốc sở hữu và khả năng chuyển giao tài sản Nga bị tịch thu cho Ukraine.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận