Biểu cảm của ông McCarthy trong ngày thứ ba Hạ viện Mỹ bỏ phiếu bầu chủ tịch - Ảnh: REUTERS
Đây cũng là thất bại thứ 11 của dân biểu Kevin McCarthy, người hiện là lãnh đạo phe Cộng hòa chiếm đa số tại Hạ viện Mỹ. Tuy nhiên có một tín hiệu tích cực với vị dân biểu đại diện California là ít nhất bốn người trong nhóm 20 nghị sĩ chống đối đã có dấu hiệu mềm lòng.
Theo báo New York Times, thế bế tắc kéo dài ba ngày liên tiếp đã biến cuộc bỏ phiếu chọn chủ tịch Hạ viện lần này trở thành cuộc bỏ phiếu dài nhất kể từ năm 1859.
Bất chấp việc đã nhượng bộ, bao gồm hứa sẽ cho phép một dân biểu có quyền kêu gọi một cuộc bỏ phiếu để loại chủ tịch Hạ viện, ông McCarthy vẫn không thể thuyết phục được nhóm nghị sĩ cực hữu chống đối trong cùng đảng.
Trong các cuộc bỏ phiếu của ngày 5-1 (giờ Mỹ), ông McCarthy vẫn còn thiếu 18-20 phiếu ủng hộ để cán mốc tối thiểu 218 phiếu cần thiết.
Điều an ủi duy nhất với ông McCarthy lúc này là nhóm nghị sĩ chống đối vẫn chưa "trở cờ" bỏ phiếu cho người khác đảng.
Vẫn chưa được tuyên thệ
Hạ viện Mỹ sẽ tiếp tục bị tê liệt do chưa chọn được chủ tịch mới, đồng nghĩa hàng trăm dân biểu chưa thể làm lễ tuyên thệ để chính thức bắt đầu nhiệm kỳ.
"Tôi sẽ không bao giờ được tuyên thệ, phải không vậy", dân biểu Mary Peltola của Đảng Dân chủ than thở trên Twitter giữa các lần bỏ phiếu trong ngày 5-1.
Theo Đài Fox News, trong lịch sử của mình, Hạ viện đã 14 lần chứng kiến việc chọn chủ tịch phải tiến hành nhiều hơn một lần bỏ phiếu.
Lần đầu tiên là vào năm 1793 nhưng lần lâu nhất và phải bỏ phiếu nhiều nhất là vào năm 1855, khi các nhà lập pháp phải bỏ phiếu đến 133 lần trong vòng hai tháng.
Cuộc bỏ phiếu năm 1859 xếp thứ hai với 44 lần bỏ phiếu và hiện đây là cột mốc được báo chí Mỹ dùng để so sánh với cuộc bỏ phiếu hiện tại.
Tiền lệ của Hạ viện Mỹ cho thấy các nghị sĩ sẽ bỏ phiếu liên tục cho đến khi một ứng viên đạt đủ số phiếu ủng hộ cần thiết.
Khó có chủ tịch Hạ viện là ứng viên Đảng Dân chủ
Trong khi đó, các nghị sĩ Đảng Dân chủ vẫn đoàn kết sau dân biểu Hakeem Jeffries khi tất cả đều bỏ phiếu cho ông này.
Tuy nhiên Đảng Dân chủ hiện chỉ có 213 ghế tại Hạ viện, do đó sẽ không có kịch bản ứng viên Dân chủ trở thành chủ tịch của một Hạ viện mà Đảng Cộng hòa chiếm đa số.
Theo New York Times, nhóm nghị sĩ chống đối không hy vọng người mà họ bỏ phiếu sẽ giành chiến thắng, mà thay vào đó họ muốn bày tỏ sự không hài lòng với ông McCarthy để đổi lấy sự nhượng bộ.
Bản thân ông McCarthy đã phải lùi nhiều bước, thậm chí chấp nhận cả những yêu sách mà ông đã bác bỏ trong quá khứ, chẳng hạn đồng ý cho nhóm chống đối 1/3 số ghế trong Ủy ban Quy tắc Hạ viện - nơi quy định các nguyên tắc hoạt động của cơ quan này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận