22/02/2023 09:15 GMT+7

Hạ tầng cứng và cơ chế mềm cho 'đại bàng làm tổ'

Để thu hút được các tập đoàn lớn tới đầu tư, kinh nghiệm từ Bình Dương cho thấy không chỉ cần những ưu đãi hay hạ tầng ổn như trước đây, mà hiện rất cần tạo ra một môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo.

Dự án Lego trong Khu công nghiệp VSIP 3 tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên), tỉnh Bình Dương (ảnh chụp trưa 21-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án Lego trong Khu công nghiệp VSIP 3 tại phường Hội Nghĩa, thị xã Tân Uyên và xã Tân Lập (huyện Bắc Tân Uyên), tỉnh Bình Dương (ảnh chụp trưa 21-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Nhà máy hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego (Đan Mạch) hay khu công nghiệp (KCN) cơ khí khoảng 26.000 tỉ đồng mà Công ty cổ phần tập đoàn Trường Hải (THACO) ấp ủ triển khai... là một trong số những câu chuyện điển hình về thu hút đầu tư tại Bình Dương.

Vừa làm hạ tầng, vừa hỗ trợ thủ tục hành chính

Những ngày giữa tháng 2-2023, Tuổi Trẻ trở lại công trường đang triển khai xây dựng KCN Việt Nam - Singapore (VSIP 3) tại TP Tân Uyên và huyện Bắc Tân Uyên.

VSIP 3 đón khách hàng đầu tiên là nhà máy sản xuất đồ chơi quy mô hơn 1 tỉ USD của Tập đoàn Lego, cũng là dự án vốn đầu tư nước ngoài (FDI) lớn nhất vào tỉnh Bình Dương trong năm 2022.

Trên công trường là không khí hối hả với hàng trăm phương tiện máy móc và các kỹ sư, công nhân đang san ủi đất, làm đường, lắp đặt hạ tầng điện, nước... KCN VSIP 3 có quy mô 1.000ha, trong đó riêng nhà máy của Lego dự kiến sử dụng khu đất khoảng 44ha.

Ông Preben Elnef, tổng giám đốc Tập đoàn Lego Việt Nam, cho biết tập đoàn lựa chọn Việt Nam để đặt nhà máy không phải để tận dụng lao động giá rẻ, mà bởi nhìn thấy nhiều cơ hội khác để từ Việt Nam mở rộng mạng lưới chuỗi cung ứng toàn cầu, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng thay đổi nhanh chóng ở khu vực Đông Nam Á.

Tỉnh Bình Dương có các hạ tầng và mối liên hệ với khu vực và thế giới được Lego đánh giá là phù hợp với chiến lược mở rộng sản xuất của tập đoàn.

Tiếp nối Lego, một tập đoàn lớn khác của Đan Mạch là Pandora (sản xuất đồ trang sức) cũng đã được trao chứng nhận đầu tư quy mô 163 triệu USD để xây dựng nhà máy.

Ngoài ra, còn có khoảng 30 tập đoàn, công ty trong và ngoài nước quan tâm tìm hiểu khả năng phát triển sản xuất vào KCN VSIP 3.

Ông Jeerasage Puranasamriddhi, giám đốc cung ứng Tập đoàn Pandora, cho biết lựa chọn Bình Dương để đầu tư vì cơ sở hạ tầng và sự hỗ trợ tốt từ cơ quan chức năng địa phương, cũng như để tiếp cận một lượng lớn thợ thủ công có tay nghề cao tại địa phương.

Dự kiến nhà máy của Pandora sẽ sử dụng 100% năng lượng tái tạo và hướng tới mục tiêu chỉ sử dụng bạc và vàng tái chế, làm ra 60 triệu sản phẩm mỗi năm và tạo việc làm cho hơn 6.000 người.

Dự án Lego trong Khu công nghiệp VSIP 3 với các phương tiện máy móc và các kỹ sư, công nhân san ủi đất, làm đường, lắp đặt hạ tầng điện,nước (ảnh chụp trưa 21-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Dự án Lego trong Khu công nghiệp VSIP 3 với các phương tiện máy móc và các kỹ sư, công nhân san ủi đất, làm đường, lắp đặt hạ tầng điện,nước (ảnh chụp trưa 21-2) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Để giúp các "đại bàng" làm tổ thành công, ông Võ Văn Minh, chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, khẳng định ngoài sự nỗ lực của các chủ đầu tư, các cơ quan chức năng ở địa phương cũng luôn đồng hành để hoàn thiện sớm các bước thủ tục pháp lý.

Ông Minh lấy ví dụ KCN VSIP 3 mới được khởi công tháng 3-2022 nên có rất nhiều việc phải làm. Nhưng tới tháng 11-2022 thì Lego đã có thể bắt tay vào khởi công.

Từ vùng đất trồng cao su, KCN VSIP 3 đã được HĐND tỉnh Bình Dương và cơ quan chức năng thông qua đồ án quy hoạch, khẩn trương hoàn thiện các thủ tục hành chính tiếp theo. Bên cạnh các hạng mục mà nhà đầu tư thực hiện, ngân sách địa phương cũng đầu tư gần 1.500 tỉ đồng để mở rộng tuyến đường tỉnh 746 đi qua KCN và nhà máy của Lego.

Tuyến đường này dự kiến sẽ được khánh thành đồng thời vào năm 2024, khi nhà máy của Lego và Pandora đi vào hoạt động.

Dữ liệu: BÁ SƠN - Đồ họa: T.ĐẠT

Dữ liệu: BÁ SƠN - Đồ họa: T.ĐẠT

Hình thành "vùng sáng tạo"

Ông Nguyễn Văn Hùng, chủ tịch HĐQT Tổng công ty Becamex IDC, cho rằng sau gần 30 năm phát triển công nghiệp thành công thì cách làm hiện nay của Bình Dương không nên dựa vào lao động giá rẻ hay các ưu đãi về kinh tế nữa.

Ông Hùng nhận định rằng đề án xây dựng "thành phố thông minh" dựa trên sự tương tác "nhà nước - nhà trường - nhà doanh nghiệp" tuy mới được Bình Dương khởi động nhưng có ý nghĩa rất lớn để các nhà đầu tư quyết định bỏ vốn làm ăn.

Lý do là nhà đầu tư thấy được định hướng phát triển, cũng như các quy hoạch rõ ràng, hình thành được nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho nhà đầu tư.

Ông Wu Feng Jen, giám đốc cấp cao Công ty TNHH Polytex Far Eastern Việt Nam, cho biết "đại bàng" này đã nâng tổng vốn đầu tư lên tới 1,37 tỉ USD chỉ sau sáu năm đầu tư tại KCN Bàu Bàng (vốn ban đầu là 274,2 triệu USD, từ năm 2015).

Sự phát triển ổn định, nguồn lao động đáp ứng được nhu cầu, sự đồng hành của chính quyền... là những yếu tố để "đại bàng" này mở rộng "tổ", trở thành một trong những doanh nghiệp FDI lớn đã giải ngân vốn và góp phần "xuất siêu" tại Bình Dương.

Việc thu hút được các doanh nghiệp nước ngoài cũng là tiền đề cho cộng đồng doanh nghiệp trong nước lớn mạnh theo. Mới đây, UBND tỉnh Bình Dương đã ký biên bản ghi nhớ với THACO nhằm xây dựng KCN cơ khí hỗ trợ, dự kiến quy mô đầu tư khoảng 26.000 tỉ đồng (hơn 1 tỉ USD).

Ông Đỗ Minh Tâm, tổng giám đốc Tổng công ty cơ khí và công nghiệp hỗ trợ THACO Industries, giải thích rằng Bình Dương nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung có thế mạnh hơn các nơi khác để xây dựng thành công KCN hỗ trợ.

Khu vực này đã có rất nhiều doanh nghiệp FDI lớn, cũng như hàng chục ngàn doanh nghiệp trong nước đã có quá trình phát triển sản xuất dài, các lợi thế về hạ tầng, quỹ đất cũng như sự đồng hành của chính quyền...

THACO dự tính KCN của mình không chỉ gói gọn trong lĩnh vực ô tô, mà còn "mở rộng cửa" cho các đối tác, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ để đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, qua đó tạo sự lan tỏa, cùng phát triển cho cộng đồng doanh nghiệp.

Công trường tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 tấp nập vớihàng trăm phương tiện và con người thi công mỗi ngày - Ảnh: BÁ SƠN

Công trường tại Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore 3 tấp nập vớihàng trăm phương tiện và con người thi công mỗi ngày - Ảnh: BÁ SƠN

"Xuất khẩu" KCN đi cả nước

Bình Dương là tỉnh đầu tiên trong cả nước không chỉ phát triển thành công các KCN trong địa bàn của mình mà còn "xuất khẩu" mô hình ra các tỉnh thành khác. Đến nay đã có 11 KCN Việt Nam - Singapore được triển khai tại nhiều tỉnh thành như Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Ninh, Nghệ An, Quảng Ngãi...

Mới đây, tại Singapore, Thủ tướng Phạm Minh Chính và đại diện hai nước đã chứng kiến nhà đầu tư từ Bình Dương và đối tác Singapore được trao chấp thuận chủ trương đầu tư cho KCN Việt Nam - Singapore thứ hai tại Nghệ An với quy mô 500ha.

Ngoài ra, còn ký ghi nhớ phát triển thêm năm VSIP khác trong vòng ba năm tới, có tổng mức đầu tư 1 tỉ USD. Hiện VSIP Cần Thơ cũng được chấp thuận chủ trương đầu tư và chuẩn bị khởi công.

● Đại biểu VŨ TIẾN LỘC (ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Cán bộ có thể thay đổi nhưng chính sách thì không

Với các nhà đầu tư nước ngoài, nhất là các doanh nghiệp FDI lớn, khi đầu tư vào Việt Nam một mặt họ dựa trên các tính toán trên chiến lược toàn cầu theo chuỗi cung ứng của mình; mặt khác là trên yếu tố thời gian, chi phí cơ hội và họ sẽ không thể triển khai được nếu các thủ tục hành chính chậm trễ, rủi ro pháp lý cao.

Do đó, đảm bảo môi trường kinh doanh an toàn, ít rủi ro, đẩy nhanh các thủ tục hành chính, pháp lý thì mới tiếp tục thu hút được các doanh nghiệp FDI.

Chúng ta cần nêu rất rõ thông điệp, chính sách trong việc thu hút đầu tư nước ngoài. Trong đó, cán bộ có thể thay đổi nhưng các chủ trương, chính sách đổi mới, mở cửa, hội nhập, cơ chế thu hút đầu tư nước ngoài vẫn nhất quán, kiên định, không thay đổi.

Chúng ta cũng phải thấy rằng đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng sẽ làm môi trường kinh doanh trở nên minh bạch, không tiêu cực. Đây cũng chính là điều mà các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp quốc tế lớn quan tâm và giúp các nhà kinh doanh làm ăn bài bản, liêm chính.

Trong thời gian vừa qua, Việt Nam cũng đã thông qua quy hoạch tổng thể quốc gia, trong đó xác định các vùng liên kết rất rõ ràng. Đây là điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khi đầu tư vào. Do đó, chúng ta cần đẩy mạnh thực hiện sớm quy hoạch này.

● Đại biểu NGUYỄN MẠNH HÙNG (ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Phải có cam kết rõ ràng hỗ trợ doanh nghiệp FDI

Thời gian qua, các nghị quyết, chiến lược của chúng ta đều xác định mục tiêu, xây dựng các cơ chế, chính sách, chuyển đổi kinh tế xanh, tuần hoàn để thu hút, ưu đãi nhằm đón các "đại bàng".

Từ đó đã có một thành quả như sự đầu tư của Tập đoàn Lego hay Samsung vừa qua đưa vào vận hành trung tâm nghiên cứu sáng tạo ở Việt Nam, là 1 trong 8 trung tâm lớn nhất của tập đoàn này trên toàn cầu.

Tuy nhiên cũng phải thừa nhận tăng trưởng vốn FDI thời gian qua dù có tăng nhưng chưa đạt như kỳ vọng, chưa có nhiều đột biến hay đột phá. Việc "lót ổ đón đại bàng" chưa thể hiện được một cách rõ ràng, các trung tâm sáng tạo như của Samsung tương đối ít.

Do đó, thời gian tới cần nghiên cứu, sớm ban hành đề án liên quan hành lang về mặt pháp lý, nhất là các thủ tục, chính sách để như một cam kết nhằm hỗ trợ doanh nghiệp FDI khi vào Việt Nam có đầy đủ cơ sở hạ tầng cả "cứng và mềm".

● Bà Nguyễn Thanh Hải (bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên):

Tỉnh đang đi tiếp bằng môi trường số

Trong nhiều năm qua, Thái Nguyên là địa chỉ đỏ thu hút nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Một trong những "chìa khóa" thu hút dòng vốn FDI là do tỉnh đã tập trung mọi nguồn lực để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu phục vụ thu hút đầu tư của tỉnh, trong đó trọng tâm là hạ tầng về giao thông, các khu, cụm công nghiệp, hạ tầng xã hội quanh các khu công nghiệp.

Để tạo niềm tin cho nhà đầu tư, Thái Nguyên tập trung thực hiện các chính sách ưu đãi, cởi mở, nâng cao chất lượng cải cách hành chính, chuyển đổi số.

Tăng cường rèn luyện đạo đức công vụ cho đội ngũ cán bộ, có các biện pháp phát hiện từ sớm, từ xa để ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực.

Đồng thời, thực hiện đồng bộ giải pháp nhằm tăng cường tương tác giữa chính quyền và doanh nghiệp trên môi trường số, tạo môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn, thông thoáng.

Định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài, đồng thời chủ động nắm bắt, giải quyết những khó khăn vướng mắc của các nhà đầu tư.

THÀNH CHUNG ghi

Vốn FDI vào Việt Nam sẽ tăng mạnh

Tín hiệu đầu tư FDI vào nước ta những ngày đầu năm rất khả quan. Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong tháng 1-2023 vốn đăng ký đầu tư FDI vào Việt Nam khoảng 1,69 tỉ USD, trong đó vốn giải ngân đạt 1,35 tỉ USD.

Dự báo về tình hình thu hút đầu tư FDI trong năm nay, ông Đỗ Văn Sử, cục phó Cục Đầu tư nước ngoài, cho biết vốn đăng ký đầu tư FDI trong năm nay có thể lên tới 36 - 38 tỉ USD (năm 2022 đăng ký gần 28 tỉ USD), trong đó vốn giải ngân đạt khoảng 22 - 23 tỉ USD.

Nhận định về tình hình đầu tư FDI, ông Nguyễn Văn Toàn, phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, cho rằng năm nay Trung Quốc mở cửa nền kinh tế nên ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến thu hút đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Kỳ vọng về làn sóng đầu tư từ Mỹ và EU vào nước ta trong năm nay cũng có những thách thức nhất định trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine còn phức tạp, căng thẳng thương mại Mỹ - Trung đang tiếp tục.

Yếu tố thứ ba có thể ảnh hưởng tới đầu tư FDI Việt Nam sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu trong năm nay.

Cũng theo ông Toàn, hiện Chính phủ đã thành lập tổ công tác về đầu tư nước ngoài để đưa ra những quyết sách nhằm tận dụng lợi thế từ thuế tối thiểu toàn cầu, đồng thời hạn chế những khó khăn thách thức khi áp thuế tối thiểu toàn cầu với đầu tư FDI.

"Việt Nam đã áp dụng nhiều chính sách ưu đãi đầu tư trong tiếp cận hạ tầng, giảm tiền thuê đất và ưu đãi thuế.

Giờ công cụ ưu đãi thuế không còn để giữ chân những "đại bàng" công nghệ, chúng ta cần bổ sung các công cụ khác như hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, hỗ trợ thực thi thủ tục hành chính, giảm chi phí không chính thức trong thực hiện thủ tục đầu tư.

Việc áp thuế tối thiểu toàn cầu cũng tốt giúp Việt Nam có thể thu đủ thuế, sau đó đưa ra những giải pháp hỗ trợ đầu tư trong quá trình thực thi dự án", ông Toàn nói.

Ông Toàn cũng thẳng thắn cho rằng lâu nay chúng ta hay lựa chọn các hình thức hỗ trợ trực tiếp các nhà đầu tư FDI bằng cách giảm các loại thuế, phí hạ tầng, các thủ tục đầu tư nhưng lại chưa nghĩ tới việc cải thiện điểm yếu nhất trong thu hút đầu tư FDI là sự lan tỏa, khả năng tham gia, hợp tác của các doanh nghiệp trong nước với các nhà đầu tư FDI.

Các doanh nghiệp nội địa đang tham gia rất ít vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp FDI vì công nghiệp phụ trợ trong nước chưa phát triển.

Điều này cần thay đổi, Chính phủ có thể thực hiện hỗ trợ các nhà đầu tư trong nước tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị của các nhà đầu tư FDI thông qua thúc đẩy phát triển công nghiệp phụ trợ trong nước.

Như vậy, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu kép trong thu hút đầu tư FDI thời gian tới, qua đó vừa giảm chi phí cho nhà đầu tư FDI đến Việt Nam đầu tư, đồng thời nâng tầm doanh nghiệp trong nước, ông Toàn nhấn mạnh.

BẢO NGỌC

Intel sẽ đầu tư thêm 1 tỉ USD vào Việt Nam?Intel sẽ đầu tư thêm 1 tỉ USD vào Việt Nam?

Trang Reuters vừa đưa tin Tập đoàn Intel đang cân nhắc đầu tư thêm tiền vào việc mở rộng nhà máy tại Việt Nam. Số tiền có thể lên đến hơn 1 tỉ USD.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp