03/06/2012 12:08 GMT+7

"Hạ sát" rừng để đòi... rừng

XUÂN LONG - QUANG THẾ
XUÂN LONG - QUANG THẾ

TT - Bức xúc vì không được giao rừng, hơn 100 người dân xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) đã ra tay “hạ sát” khoảng 30.000 cây thông mã vĩ do chính mình trồng và chăm sóc từ những năm 2003-2004.

vkCxVxxF.jpgPhóng to
Một người dân ở Bản Luồng kể lại chuyện những đồi thông bị chặt - Ảnh: Quang Thế

Nguyên nhân của vụ việc đau xót này bắt nguồn từ chủ trương giao rừng cho người dân quản lý, trông coi, nhưng cách thực hiện thiếu minh bạch, không thông qua họp dân.

Rừng xanh thành rừng “cụt”

Sáng 2-6, khi phóng viên Tuổi Trẻ có mặt tại các địa điểm đồi Tàng Háng, Nà Niếng, Nà Giáo, thuộc thôn Bản Luồng, xã Tú Mịch, người dân thôn Bản Luồng vẫn xôn xao sau vụ rừng thông bị chặt hạ hàng loạt. Những đồi rừng thông mã vĩ xanh mướt hôm nào bỗng chốc biến thành rừng “cụt”, hàng loạt đồi thông rộng cả chục hecta chỉ còn trơ gốc.

Chị Hoàng Thị Thúy, thôn Bản Luồng, quả quyết nguyên nhân của sự việc đau lòng này là do việc phân bổ chỉ tiêu giao rừng cho các hộ dân trong thôn không công bằng. Chị Thúy kể: “Năm 2001, gia đình tôi cùng nhiều gia đình khác nhận trồng thuê rừng cho Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình. Khi đó việc trồng thuê rừng với mục đích để lấy tiền, nhưng sau đó công ty có nói sẽ ưu tiên những người có công trồng rừng để xét giao rừng cho quản lý, trông coi. Vậy mà khi phân bổ chỉ tiêu giao đất rừng cho người dân trông coi mới đây, chỉ có số ít người được xét duyệt”.

Theo chị Thúy, toàn thôn có 165 hộ nhưng đội lâm nghiệp Tú Mịch chỉ thông báo xét cho 20 hộ được nhận trông coi rừng là không ổn.

Ông Hoàng Văn Trưởng - trưởng thôn Bản Luồng - lý giải: “Khi có chủ trương về giao đất rừng cho người dân quản lý, trông coi thì chị Thi Thị Nẩm - đội trưởng đội lâm nghiệp Tú Mịch - thông báo chỉ có 20 hộ dân được nhận rừng quản lý, trông coi. Chị ấy nói không cần phải họp dân, thôn cứ xét theo tiêu chí nhà có nhiều người, có đất ruộng gần rừng. Vậy nên thôn lập ban xét duyệt chọn lấy 21 hộ. Đến ngày 22-5, khi thôn lập danh sách đề xuất lên đội thì những hộ còn lại trong thôn phản ứng vì lý do nhà được nhận rừng, nhà không được”.

Một cán bộ sai, tan hoang cả rừng

Chiều 2-6, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đinh Văn Đông, chủ tịch UBND xã Tú Mịch, cho biết việc người dân chặt hạ thông là sai, nhưng đau xót là việc làm sai đó lại bắt nguồn từ cái sai trong thực hiện chủ trương giao rừng cho người dân trông coi. “Tình hình trong ngày 25-5 rất nóng bỏng. Sau khi cán bộ đội lâm nghiệp không vào gặp dân, người dân bức xúc nên chặt hạ thông hàng loạt. Đến chiều mọi việc tạm dịu xuống nhưng đến sáng 26-5 lại tiếp tục chặt. Trưa 26-5, chủ tịch UBND huyện và các ngành phải chủ trì họp dân trong thôn nhưng đến chiều 26-5 vẫn còn hiện tượng người dân chặt hạ thông” - ông Đông nói.

Ông Đông cho biết tại cuộc họp giữa UBND huyện, các ngành trong huyện với người dân trong thôn vào trưa 26-5, huyện đã cho ý kiến về cách làm của đội lâm nghiệp Tú Mịch thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình là sai.

Trao đổi với Tuổi Trẻ qua điện thoại, ông Vương Văn Thi, phó giám đốc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Lộc Bình, thừa nhận việc làm của đội lâm nghiệp Tú Mịch là không đúng chủ trương của công ty. Ông Thi khẳng định: “Cách thực hiện là phải họp dân để người dân đăng ký theo nhu cầu và khả năng. Vì cách làm của đội lâm nghiệp Tú Mịch không đúng nên công ty đã đình chỉ công tác đối với đội trưởng Thi Thị Nẩm, đồng thời dừng toàn bộ việc xét chọn giao quản lý, trông coi rừng mà đội lâm nghiệp Tú Mịch đang thực hiện. Tới đây sau khi điều tra xong việc chặt phá rừng thông, công ty sẽ họp dân và xét giao rừng theo nhu cầu”.

XUÂN LONG - QUANG THẾ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp