Các trận đấu quyết liệt tại lễ hội chọi trâu - Ảnh tư liệu. |
Công văn do ông Nguyễn Khắc Lợi, phó giám đốc Sở VH-TT Hà Nội ký ngày 27-1, nêu rõ: “Để thực hiện tốt các quy định và ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL, Sở VH-TT Hà Nội đề nghị UBND huyện Phúc Thọ không tiếp tục tổ chức lễ hội chọi trâu huyện Phúc Thọ năm 2016”.
Lý do Hà Nội yêu cầu dừng tổ chức lễ hội chọi trâu là thực hiện ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL về việc yêu cầu các địa phương giảm tần suất, quy mô tổ chức lễ hội, không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành vi tội ác bao gồm những hoạt động trong đó thể hiện cảnh trái với truyền thống yêu hoà bình và nhân ái của dân tộc Việt Nam.
Sở VH-TT Hà Nội cũng dẫn thêm nhiều công văn chỉ đạo về công tác quản lý lễ hội như: chỉ thị số 41-CT/TW ngày 5-2-2015 của Ban Bí thư về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và tổ chức lễ hội; công điện số 229/CĐ-TTg ngày 12-2-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác quản lý và tổ chức lễ hội; thông tư số 15/2015/TT-BVHTTDL ngày 22-12-2015 của Bộ VH-TT&DL về việc Quy định về tổ chức lễ hội; căn cứ chỉ thị số 04/CT-BVHTTDL ngày 13-1-2016 của Bộ VH-TT&DL về việc tăng cường công tác quản lý, tổ chức và thực hiện nếp sống văn minh trong hoạt động lễ hội năm 2016;
Trong mùa lễ hội 2015, nhiều lễ hội như lễ hội chém lợn ở Ném Thượng (Bắc Ninh), lễ hội chọi trâu ở Phúc Thọ (Hà Nội), lễ hội đập đầu trâu ở Phú Thọ… dấy lên những cuộc tranh luận của dư luận, các nhà nghiên cứu văn hoá, các cơ quan quản lý nhà nước…
Thời gian qua chưa có hồi kết về việc có nên hay không duy trì những lễ hội này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận