Đoạn đường sắt từ Nhổn đến ga Hà Nội thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3 của TP Hà Nội đang được thi công - Ảnh: TUẤN PHÙNG |
Khoản vay này dùng để làm đường sắt đô thị đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai thuộc tuyến đường sắt đô thị số 3 và đoạn đường sắt đô thị Trần Hưng Đạo - Thượng Đình thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2,
Theo Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản, tuyến đường sắt đô thị số 3 Trôi - Nhổn - ga Hà Nội - Hoàng Mai có chiều dài khoảng 26 km. Hiện nay đoạn từ Nhổn đến ga Hà Nội (chiều dài 12,5 km) đang được xây dựng.
Việc tiếp tục thực hiện đầu tư xây dựng tuyến số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai (phố Tam Trinh) dài 8 km để hoàn chỉnh toàn bộ tuyến số 3 có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết giao thông đi lại từ phía Nam sang phía Tây Hà Nội.
Đồng thời sẽ kết nối với tuyến số 2 tại ga Hàng Bài tạo nên sự gắn kết của mạng lưới đường sắt đô thị Hà Nội trong giai đoạn đầu (gồm các tuyến số 1,2, 2A và 3), cơ bản giải quyết vận tải hành khách công cộng khu vực đô thị trung tâm Hà Nội.
Dự kiến tổng mức đầu tư đoạn ga Hà Nội - Hoàng Mai là 1,225 tỉ USD(tương đương 27,685 ngàn tỉ đồng). Trong đó, vốn vay nước ngoài 1,075 tỉ USD (tương đương 24,295 ngàn tỉ đồng), dự kiến vay của ADB và các nhà tài trợ khác để chi cho các hạng mục xây dựng, thiết bị và tư vấn của dự án.
Vốn đối ứng trong nước là 150 triệu USD (tương đương 3.390 tỉ đồng đồng) để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2025.
Được sự chấp thuận của Thủ tướng, ADB đã tài trợ không hoàn lại 1,5 triệu USD để lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cho đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai. Hiện ADB dự kiến sẽ tiếp tục tài trợ thêm cho dự án hoặc kêu gọi các nhà tài trợ khác để đồng tàỉ trợ cho dự án.
Trên cơ sở đó, UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét , lựa chọn đề xuất dự án tuyến đường sắt đô thị số 3, đoạn từ ga Hà Nội đến Hoàng Mai được sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ ADB (và các nhà tài trợ khác); Báo cáo Thủ tướng chấp thuận Đề xuất dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ ADB (và các nhà tài trợ khác) đối với dự án trên để UBND TP Hà Nội có cơ sở thực hiện thủ tục trình phê duyệt lại chủ trương đầu tư dự án theo quy định của Luật Đầu tư công và triển khai các bước tiếp theo của dự án theo các quy định hiện hành về quản lý đầu tư, xây dựng và quản lý nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Với dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội số 2, đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình, UBND TP Hà Nội cho biết dự án này được quy hoạch từ Nội Bài - Nam Thăng Long - Hoàng Hoa Thám - Bờ Hồ - Hàng Bài - Đại Cồ Việt - Thượng Đình - Vành đai 2,5 - Hoàng Quốc Việt với chiều dài khoảng 42 km.
Tuyến đi trên cao đoạn Nội Bài - đường Hoàng Quốc Việt và đi ngầm trên đoạn còn lại với tổng số 32 ga. Giai đoạn 1 triển khai thực hiện đoạn từ Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo (chiều dài 11,5 km) với 10 ga và 1 đề pô tại Xuân Đỉnh.
Tuyến số 2 được coi là tuyến đường sắt đô thị xương sống cho khu vực đô thị hiện tại và tương lai cần được ưu tiên đầu tư. Trong đó, ưu tiên đoạn đi qua trung tâm thành phố từ khu vực Nam Thăng Long (thuộc Bắc Từ Liêm) đến Thượng Đình (thuộc quận Thanh Xuân).
Hiện nay, Hà Nội đang triển khai thực hiện đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo với nguồn vốn ODA vay của Nhật Bản.
Việc xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn từ Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình đã nằm trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 đến 2020 của TP Hà Nội.
Theo quy hoạch, đoạn này dài khoảng 5,9 km, có 6 ga (đi ngầm toàn bộ) từ phố Huế (ngã tư phố Huế giao với đường Nguyễn Du- Lê Văn Hưu) đến nút giao đường Nguyễn Trãi với đường vành đai 2,5 (Thượng Đình). Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2020 đến năm 2025.
Để đầu tư đoạn Trần Hưng Đạo đến Thượng Đình cần tổng mức đầu tư dự kiến 177,26 tỉ Yên (tương đương 34.743 tỉ đồng). Trong đó vốn vay nước ngoài hơn 146 tỉ Yên (tương đương 28.631 tỉ đồng), dự kiến vay của Nhật Bản để chi phí cho các hạng mục xây dựng, thiết bị và tư vấn của dự án.
Vốn đối ứng trong nước là 6. 111 tỉ đồng để chi cho giải phóng mặt bằng, tái định cư, quản lý dự án, thuế và các chi phí khác của dự án.
Lý do UBND TP Hà Nội đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng chấp thuận đề xuất đoạn Trần Hưng Đạo - Thượng Đình sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của Nhật Bản là phía Nhật Bản đã có các cam kết để thực hiện toàn tuyến đường sắt đô thị số 2 (từ Nam Thăng Long - Thượng Đình).
Đoạn từ Nam Thăng Long đến Trần Hưng Đạo thuộc tuyến đường sắt đô thị số 2 cũng đang được triển khai bằng nguồn vốn vay ODA Nhật Bản.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận