Nhiều người băn khoăn không biết Cung thiếu nhi Hà Nội từng gắn bó nhiều thế hệ thiếu nhi thủ đô liệu có còn thuộc về các em - Ảnh: T.ĐIỂU
Vì thế, nhiều người lo lắng Cung thiếu nhi có bề dày lịch sử hơn nửa thế kỷ, gắn bó với nhiều thế hệ thiếu nhi thủ đô, gồm những công trình kiến trúc rất đặc trưng của Hà Nội là biệt thự Pháp và kiến trúc kiểu Xô viết sẽ không còn là ngôi nhà văn hóa của thiếu nhi Hà Nội nữa.
Lo lắng này là có lý do, bởi Cung thiếu nhi Hà Nội nằm trên "đất vàng" ở phố Lý Thái Tổ, bên cạnh hồ Gươm, gần trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Nhà khách Chính phủ (tòa Bắc Bộ phủ), khách sạn Metropole…
Nhiều người lo lắng nếu nơi đây không còn là Cung thiếu nhi nữa thì không chỉ là mất mát của nhiều thế hệ thiếu nhi từng lớn lên, trưởng thành ở đây mà còn là mất mát của lịch sử thành phố bởi nơi đây đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử của đất nước, là ký ức chung của nhiều người.
Tòa nhà Pháp cổ thuộc Cung thiếu nhi Hà Nội mà UBND TP Hà Nội từng muốn lấy để quản lý nhưng đã phải dừng lại dự định này - Ảnh: T.ĐIỂU
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online xung quanh câu chuyện này, ông Lê Quang Đại - giám đốc Cung thiếu nhi Hà Nội - cho biết "số phận" của Cung thiếu nhi Hà Nội sẽ do UBND thành phố Hà Nội quyết định và hiện thành phố chưa có câu trả lời về vấn đề này.
Nhưng tập thể lãnh đạo Cung thiếu nhi Hà Nội cũng mong muốn sẽ được tiếp quản cả hai nơi để phục vụ tốt nhất cho các thiếu nhi ở nhiều khu vực khác nhau toàn thành phố.
Ông Đại cũng cho biết thông tin ông từng trao đổi với một số lãnh đạo thành phố Hà Nội, và các lãnh đạo đều bày tỏ mong muốn để Cung thiếu nhi Hà Nội được quản lý cả hai địa điểm.
"Nó đã là ký ức của nhiều thế hệ người Hà Nội. Thậm chí nhiều gia đình, cả cha mẹ con cái cùng từng gắn bó với Cung thiếu nhi. Đây lại là món quà của Bác Hồ trao cho thiếu nhi thủ đô khi Chính phủ Cách mạng tiếp nhận tòa nhà Ấu Trĩ Viên từ thời Pháp thuộc", ông Đại nói về bề dày lịch sử của Cung thiếu nhi Hà Nội cũng như tình cảm gắn bó của người dân Hà Nội với nơi này.
Tuy nhiên, theo ông Đại, để được tiếp quản cả hai nơi thì ban lãnh đạo Cung thiếu nhi Hà Nội phải cố gắng vận hành tốt, hiệu quả Cung thiếu nhi hiện nay. Nhưng hiện cung đang gặp nhiều khó khăn bởi phải hoàn toàn tự chủ từ năm 2020, thời điểm tự chủ lại rơi vào dịch COVID-19, cung không có nhiều học sinh theo học.
Cung thiếu nhi Hà Nội đang làm đề án trùng tu tòa nhà Pháp cổ bằng ngân sách thành phố - Ảnh: T.ĐIỂU
Năm 2018, nhiều người Hà Nội và người yêu Hà Nội cũng bày tỏ không đồng tình với dự định của UBND thành phố Hà Nội muốn lấy lại tòa nhà Pháp cổ của Cung thiếu nhi Hà Nội để UBND thành phố Hà Nội quản lý, sử dụng. Ông Lê Quang Đại cho biết sau đó UBND thành phố Hà Nội đã phải dừng lại ý định này.
Theo ông Đại, cơ quan này đang làm đề án xin sửa lại tòa nhà Pháp bằng ngân sách của thành phố.
Phối cảnh Cung thiếu nhi mới tại quận Nam Từ Liêm dự định hoàn thành năm 2024 - Ảnh: Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình văn hóa xã hội thành phố
Cung thiếu nhi mới được xây dựng tại khu công viên hồ điều hòa CV1 (khu đô thị mới Cầu Giấy, quận Nam Từ Liêm), diện tích gần 40.000m2, dự kiến hoàn thành năm 2024 với tổng mức đầu tư 1.376 tỉ đồng.
Với thiết kế kiến trúc hiện đại, gần gũi với thiên nhiên, sử dụng nhiều thiết bị tự động thông minh, công trình bao gồm: nhà hát 800 chỗ, rạp chiếu phim 200 chỗ, nhà thi đấu 500 chỗ, bể bơi 10 làn, nhà học và thư viện, tháp thiên văn...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận