Tại Hà Nội, nhiều người đưa trẻ đến tiêm chủng - Ảnh: DƯƠNG LIỄU
Bé trai Đ.H. (10 tuổi, ở Hà Nội) đã tiêm vắc xin COVID-19 mũi 1 tại phường từ ngày 25-4, theo lịch tiêm thì cháu đã quá lịch tiêm mũi 2 tới hơn 20 ngày mà không thấy phường gọi. Bố cháu tìm chỗ để tiêm mũi 2 cho con, nhưng đến điểm tiêm 2 lần cháu vẫn chưa được tiêm, bởi 1 lần là điểm tiêm hoãn tiêm, lần sau điểm tiêm cho biết không có vắc xin trẻ em.
Theo thống kê trên cổng thông tin tiêm chủng COVID-19 quốc gia, Hà Nội là 1 trong 10 địa phương có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất với tổng số hơn 17 triệu mũi tiêm/hơn 12 triệu dân. Nhiều địa phương đang trả lại vắc xin vì cho rằng dân không có nhu cầu, nhưng nhìn ở Hà Nội, TP.HCM khi triển khai tiêm mũi 4 cho thấy nếu tổ chức bài bản, người dân sẽ tiêm.
Tiêm mũi 4: Nếu tiện, người dân sẽ tiêm
Chị Nguyễn Thị Thu quê ở Hà Nam, đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội, cho biết đã tiêm chủng mũi 1 và mũi 2 COVID-19 ở Hà Nam. Sau đó, chị cùng gia đình lên Hà Nội làm việc và có đăng ký tạm trú. Mũi 3 theo đó sẽ tiêm ở Hà Nội.
"Tôi mới ra trạm y tế hỏi về lịch tiêm mũi 3 nhưng cán bộ y tế nói vừa tổ chức tiêm 2 ngày trước và không biết khi nào mới có lịch tiêm tiếp. Người này cũng hướng dẫn, nếu có lịch tổ dân phố sẽ thông báo đến các gia đình nên cứ về đợi. Tôi đi làm theo ca, nếu không biết trước lịch tiêm rất khó để sắp xếp thời gian. Nếu trạm y tế có lịch tiêm cố định thì sẽ thuận lợi hơn rất nhiều", chị Thu nói.
Theo ghi nhận của Tuổi Trẻ chiều 15-6 tại một trạm y tế thuộc quận Hà Đông, Hà Nội, hàng dài học sinh xếp hàng tiêm chủng COVID-19.
Bà Nguyễn Thị Thủy (quận Hà Đông) đưa cháu đi tiêm từ 14h, đang ngồi chờ theo dõi sau tiêm để ra về.
Bà Thủy chia sẻ tháng 2 cháu có bị nhiễm COVID-19, đợt nhà trường tổ chức tiêm thì cháu chưa đủ điều kiện tiêm. Sau đó nghỉ hè, chờ mãi không thấy cô giáo thông báo lịch tiêm chủng tiếp. Hôm qua mới thấy phường dán thông báo, cô giáo cũng gửi thông tin hôm nay tổ chức tiêm cho trẻ.
"Bố mẹ nó làm sao xin nghỉ được, tôi ở gần nên qua đưa cháu đi tiêm. Tiêm cũng để yên tâm hơn sau đi học lại cũng đỡ lo lắng cháu mắc COVID-19 nữa", bà Thủy nói.
Cũng như bà Thủy, ông Trần Văn Quyết đưa cháu học lớp 3 đi tiêm. "Tôi vừa tiêm mũi 4 sáng nay, người vẫn hơi mệt nhưng con cái nhờ đưa cháu đi tiêm. Sáng nay tôi cũng có hỏi cán bộ y tế xem nếu cháu không tiêm được hôm nay thì bao giờ có lịch tiêm tiếp theo, nhưng họ nói cũng không rõ vậy nên tôi cố đưa cháu đi", ông Quyết chia sẻ.
Khác với Hà Nội, theo ghi nhận tại một số điểm tiêm trên địa bàn TP.HCM trong ngày 16-6, công tác tổ chức diễn ra trơn tru, nghiêm túc. Địa điểm, ngày giờ tiêm chủng được địa phương thông báo từ nhiều nguồn khác nhau. Người dân có nhu cầu tiêm đều nắm được lịch tiêm và chỉ cần mang giấy tờ tùy thân, giấy xác nhận tiêm chủng những mũi trước đó sẽ được tiêm.
Tại Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1, TP.HCM) hơn 8h sáng 16-6, hàng chục người, chủ yếu là người cao tuổi, có cả người nước ngoài đã có mặt để tiêm vắc xin liều nhắc lại lần 2 (mũi 4). Công tác tiêm chủng tại đây diễn ra nghiêm túc.
Trong lúc chờ theo dõi sau tiêm, bà Hoàng Thị Mướt (69 tuổi, ngụ quận 1, TP.HCM) cho biết bà chưa nhiễm COVID-19 và đã tiêm đủ 3 mũi vắc xin. Sức khỏe yếu, phải ngồi xe lăn, bà đã trông chờ được tiêm vắc xin mũi 4 để tăng cường kháng thể, hạn chế chuyển nặng nếu chẳng may nhiễm COVID-19 trong tình hình mới.
Bà Mướt cho biết thêm, từ thông báo của tổ dân phố từ trực tiếp đến gián tiếp (qua nhóm Zalo) bà nắm được lịch tiêm vắc xin của trạm y tế phường.
"Không như đợt dịch cao điểm, tiêm vắc xin bây giờ thuận lợi lắm. Lịch tiêm ở trạm y tế phường được thông báo từ trước một tuần, tôi sắp xếp thời gian và cầm theo giấy xác nhận những lần tiêm trước thì nhân viên y tế tiêm cho mình thôi", bà Mướt chia sẻ.
Tiêm mũi 3 vào cuối năm 2021, bà Nguyễn Thu Hằng (72 tuổi, ngụ quận 1) đã được tiêm mũi 4 vào sáng 16-6. Bà cũng tiếp cận thông tin tiêm mũi 4 từ tổ trưởng tổ dân phố, bên cạnh thông tin báo đài truyền thông tháng cao điểm tiêm vắc xin liều nhắc lại tại TP.HCM.
Hà Nội nói "khó sắp xếp"; TP.HCM số người tiêm tăng dần
"Ngay khi nhận vắc xin phân bổ, trạm y tế sẽ tổ chức thông báo đến các tổ dân phố, người dân và tiến hành tiêm ngay. Không phải lúc nào chúng tôi cũng nắm được lịch phân bổ vắc xin để thông báo trước cho người dân nhiều ngày, người dân cần chủ động hơn để tiêm đúng lịch", một trưởng trạm y tế tại Hà Nội cho biết.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo trung tâm y tế một quận tại Hà Nội thừa nhận việc tiêm chủng còn một số hạn chế khiến nhiều người thực sự có nhu cầu tiêm chủng chưa tiếp cận được điểm tiêm.
"Tình hình dịch đã lắng xuống khiến nhiều người dân có tâm lý chủ quan, không tiêm chủng vắc xin COVID-19. Chúng tôi cũng nắm được thông tin người dân phải loay hoay đi tìm điểm tiêm nên đã đôn đốc rà soát đối tượng tiêm chủng, tổ chức điểm tiêm.
Tuy nhiên hiện hầu hết trạm y tế chỉ có thể tổ chức lịch tiêm mỗi tháng 1 lần cho tất cả các đối tượng. Sau đó lại tiếp tục rà soát rồi mới nhận vắc xin về để triển khai kế hoạch tiêm chủng tiếp theo", vị này cho hay.
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng việc thông báo lịch tiêm chủng cần sớm hơn để người dân chủ động. "Chúng tôi sẽ xem xét, yêu cầu các trạm y tế thông báo lịch tiêm trong tuần sớm hơn để người dân chủ động công việc, thuận lợi tiêm chủng hơn".
Dược sĩ Trần Thị Thanh Nguyệt - phụ trách Trạm y tế phường Đa Kao (quận 1, TP.HCM) - cho hay tính từ ngày 5 đến 15-6 có khoảng 800 lượt người đến trạm tiêm mũi 4. Trong ngày 16-6 tiêm khoảng 200 người. Số lượt người đến tiêm tăng dần trong những ngày gần đây.
"Những ngày đầu triển khai tiêm mũi 4, danh sách người tiêm được UBND phường gửi về trạm y tế tổ chức tiêm. Cách làm này kéo dài vài ngày, dù trạm dự trù được số người đến tiêm nhưng không nhiều.
Có người đến lịch tiêm mũi 4 nhưng chưa có trong danh sách nên không được tiêm, nhưng hiện nay người có chỉ định tiêm mũi 4 hoặc người chưa tiêm đủ liều tại phường chỉ cần giấy xác nhận đã tiêm các liều vắc xin trước đó là được tiêm", dược sĩ Nguyệt chia sẻ.
Bà Nguyệt cho biết thêm thời gian gần đây phường tổ chức tiêm chủng mở rộng cho trẻ, hằng tuần sẽ báo cáo lịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho UBND phường, UBND phường thông báo đến từng khu phố để người dân nắm, chủ động sắp xếp lịch tiêm phù hợp.
Cần lịch tiêm cố định
Một người nước ngoài đang tạm trú tại quận 1 (TP.HCM) đến Trạm y tế phường Đa Kao tiêm vắc xin liều nhắc lại lần 2 (mũi 4) vào sáng 16-6 - Ảnh: XUÂN MAI
Nhiều người dân cho rằng nên có lịch tiêm cố định cho việc tiêm chủng vắc xin COVID-19 để người dân thuận tiện, chủ động hơn.
"Như đối với tiêm chủng mở rộng cho trẻ em, các trạm y tế thường có lịch tiêm cố định. Đối với tiêm chủng vắc xin COVID-19 cũng nên như vậy. Có thể tổ chức tiêm cố định vào 1 buổi cố định 2 tuần/lần hoặc 3 tuần/lần", một người dân bày tỏ.
Tại TP.HCM, từ ngày phát động chiến dịch cao điểm tiêm vắc xin phòng COVID-19, Sở Y tế và Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thường xuyên cung cấp và cập nhật các điểm tiêm cố định trên từng địa bàn quận, huyện.
Bên cạnh đó còn tổ chức ở nhiều địa điểm khác như khu công nghiệp, khu chế xuất, trường học, bệnh viện, tại nhà... để người dân dễ dàng tiếp cận vắc xin.
7 đoàn kiểm tra phòng chống dịch sốt xuất huyết
Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết gần 6 tháng đầu năm, cả nước ghi nhận trên 60.000 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 97% so với cùng kỳ 2021.
Trên 80% số này tập trung tại khu vực phía Nam (ghi nhận khoảng 6.000 - 8.000 ca mắc mới/tuần). Đến nay cũng ghi nhận 36 ca tử vong do sốt xuất huyết, gần 100% số này ở khu vực phía Nam.
Theo Cục Y tế dự phòng, hiện đang bắt đầu vào cao điểm dịch sốt xuất huyết, xu hướng ca mắc vẫn sẽ tăng, đặc biệt tại các tỉnh thành miền Nam.
Đến thời điểm này, miền Bắc và các tỉnh Tây Nguyên đang có số mắc mới sốt xuất huyết hằng tuần ở mức thấp, nhưng miền Trung bắt đầu gia tăng và miền Nam tăng rất mạnh. Những ngày tới, sẽ có 7 đoàn công tác của Bộ Y tế và các viện đi kiểm tra công tác phòng chống sốt xuất huyết.
H.HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận