Tại Hà Nội, nhiều thời điểm rác chậm được chuyển tới nơi xử lý gây ô nhiễm, mất mỹ quan - Ảnh: XUÂN LONG
TP.HCM thí điểm nơi để rác cho người dân
Sáng 8-5, tại hội thảo "Quản lý nhà nước về chất thải rắn" do Bộ TN-MT tổ chức, vấn đề thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải sinh hoạt lại "nóng" lên khi các ý kiến tiếp tục nêu bất cập trong quản lý chất thải rắn từ khâu phân loại tại nguồn, thu gom đến xử lý.
Theo ông Võ Tuấn Nhân, thứ trưởng Bộ TN-MT, chỉ quanh câu chuyện rác thải sinh hoạt, từ tỉ lệ thu gom, năng lực thu gom, ý thức phân loại rác đều còn rất bất cập, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, bức xúc về môi trường.
Ngay tại Hà Nội, TP.HCM, vấn đề phân loại rác tại nguồn cũng không dễ thực hiện, thậm chí tại Hà Nội việc phân loại tại nguồn cũng được đánh giá chưa hiệu quả.
Đáng lo hơn, ở chính những đô thị lớn này, thói quen đưa rác thải sinh hoạt ra để trước cửa nhà, dưới lòng đường vẫn còn rất phổ biến. Ngoài ra, nơi gom rác tập trung vẫn chủ yếu là lấn chiếm lòng đường, vỉa hè.
Ông Lê Trung Tuấn Anh, trưởng phòng quản lý chất thải rắn (Sở TN-MT TP.HCM), nêu thực tế tại TP HCM vẫn phổ biến tình trạng người dân không đợi giờ giao rác mà chủ động bỏ rác ra trước cửa nhà, bỏ rác ra lòng đường.
"Thực tế này vừa gây ô nhiễm môi trường đường phố, còn trong hẻm thì bỏ rác bừa bãi trong ngóc ngách, gây mất mỹ quan đô thị", ông Tuấn Anh nêu.
Theo đại diện Sở TN-MT TP.HCM, khó khăn lớn nhất hiện nay vẫn là việc hình thành được những điểm tập kết, trung chuyển rác hợp vệ sinh.
"Điểm tập kết, trung chuyển rác lâu nay chủ yếu sử dụng các khu đất trống, hoặc diện tích nào đó trong đô thị. Vì thế, khi tập kết rác về sẽ xảy phải chiếm dụng lòng đường, vỉa hè, gây ô nhiễm, mất mỹ quan đô thị", ông Tuấn Anh nêu.
Tuy nhiên, để đầu tư triển khai các điểm tập kết rác mới, theo ông Tuấn Anh, khó khăn lớn nhất là người dân vẫn nhìn vào tồn tại của các điểm tập kết hiện nay để phản đối.
Ngoài ra, đi kèm với việc triển khai phân loại rác tại nguồn tại 24 quận, huyện, ông Tuấn Anh cũng cho biết TP. HCM đang triển khai thí điểm thu gom tập trung để người dân không bỏ rác bừa bãi.
Theo đại diện Sở TN-MT TP.HCM, địa phương này đang kêu gọi đầu tư 2 dự án xử lý chất thải rắn có công suất 1.000 tấn/ngày bằng công nghệ đốt phát điện.
Với các nhà máy xử lý rác trước đây, thành phố đã có chủ trương về giải pháp đầu tư chuyển đổi công nghệ của các nhà máy hiện hữu sang công nghệ tiên tiến và lựa chọn nhà đầu tư xử lý rác theo hướng đốt phát điện, giảm tỷ lệ chôn lấp.
Quản lý rác còn chồng chéo
Ông Đồng Phước An, phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, cho rằng ngay trong công tác quản lý nhà nước về chất thải rắn, việc phân công ở các địa phương cũng khác nhau, có nơi giao Sở Xây dựng, có nơi giao Sở TN-MT.
"Với Hà Nội, vừa rồi thống nhất giao cho Sở Xây dựng tạm thời một đầu mối quản lý chất thải rắn…, tuy nhiên chúng tôi kiến nghị của Bộ TN-MT nên quy định rõ luôn, giao sở TN-MT là đầu mối quản lý nhà nước, tham mưu cho địa phương quản lý chất thải rắn", ông An nói.
Theo ông An, về bộ máy, Sở TN-MT có cả chi cục Bảo vệ môi trường, còn với Sở Xây dựng chỉ có một phòng Quản lý hạ tầng kỹ thuật phụ trách 5 lĩnh vực: rác thải sinh hoạt, cấp nước, thoát nước, chiếu sáng, cây xanh.
Bà Đỗ Thị Hương, phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Hải Phòng, cũng cho rằng việc phân công trách nhiệm quản lý chất thải rắn còn rất bất cập.
"Bất cập nhất là chất thải rắn ở nông thôn, tại Hải Phòng giao cho Sở NN&PTNT quản lý, còn xuống các huyện thì mỗi nơi giao một phòng khác nhau" - bà Hương nêu.
Theo Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân, tháng 2-2019, Chính phủ đã có nghị quyết giao bộ là cơ quan đầu mối, thống nhất quản lý nhà nước về chất thải rắn; giao chủ tịch UBND cấp tỉnh, thành chịu trách nhiệm toàn diện về vấn đề rác thải và xử lý rác thải trên địa bàn. Vì vậy, hiện nay bộ đang triển khai rà soát để thống nhất mô hình quản lý ở địa phương.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận