03/06/2020 21:35 GMT+7

Hà Nội thi thiết kế Cột mốc Km0: Chuyên gia tranh cãi 'nên đứng hay nằm'

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Một số chuyên gia cho rằng Cột mốc Km0 mà Hà Nội đang dự định đặt ở Hồ Gươm chỉ nên nhỏ gọn, nằm phẳng trên mặt đất như Mỹ, Pháp đã làm, một số chuyên gia khác lại cho rằng nó cần phải đứng để mọi người đến chụp ảnh cùng.

Hà Nội thi thiết kế Cột mốc Km0: Chuyên gia tranh cãi nên đứng hay nằm - Ảnh 1.

Vị trí đang đặt đồng hồ hoa Thụy Sĩ tại góc phố Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay là 1 trong ba điểm được ban tổ chức xác định sẽ đặt Cột mốc Km0 - Ảnh: T.ĐIỂU

Ngày 3-6, UBND quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) phối hợp với Hội Kiến trúc sư Việt Nam, Hội Mỹ thuật Việt Nam phát động cuộc thi thiết kế Cột mốc Km0 thuộc Dự án đầu tư xây dựng, cải tạo chỉnh trang khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm.

Mục đích cuộc thi là để tìm kiếm phương án thiết kế một biểu tượng văn hóa của thủ đô, một điểm nhấn không gian, điểm đến du lịch hấp dẫn tại khu vực hồ Hoàn Kiếm.

Các đơn vị tư vấn, thiết kế, các trường và viện nghiên cứu văn hóa, mỹ thuật và kiến trúc, mọi công dân Việt Nam là nhà điêu khắc, họa sĩ, kiến trúc sư, sinh viên thuộc các chuyên ngành văn hóa, mỹ thuật, kiến trúc… đều có thể tham dự.

Mong muốn đón nhận được những thiết kế sáng tạo độc đáo nhất, ban tổ chức không quy định về hình thức cũng như nội dung các thành phần chức năng của công trình Cột mốc Km0 mà chỉ đưa ra một số yêu cầu chung chung như "mang tính thời đại và dân tộc để tạo nên một điểm nhấn nghệ thuật tại không gian hồ Hoàn Kiếm, thể hiện đặc trưng văn hóa của Hà Nội, đem lại cảm xúc cho người dân thủ đô và du khách".

Một số yêu cầu khác cũng được đặt ra như: thiết kế phải thể hiện được chỉ dấu địa lý, có tính biểu tượng cao, vừa hiện đại, vừa thể hiện bản sắc văn hóa, lịch sử Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến, hài hòa với không gian cảnh quan hồ Hoàn Kiếm, dễ tiếp cận cho du khách. Công trình cần sử dụng chất liệu xây dựng bền vững và dễ thi công.

Đặc biệt, ban tổ chức chỉ định 3 điểm tại hồ Hoàn Kiếm, yêu cầu các tác giả thiết kế Cột mốc Km0 tại 3 điểm này.

Đó là: khu vực ngã tư Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay (vị trí đang đặt đồng hồ hoa Thụy Sĩ), sân trước tượng đài Lý Thái Tổ và phía bên bờ hồ Hoàn Kiếm đối diện Tượng đài Lý Thái Tổ.

Ngay tại lễ phát động, quy định của Ban tổ chức đã nhận nhiều góp ý của các kiến trúc sư rằng không nên chỉ giới hạn ở 3 điểm này. Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Quốc Thông đề xuất khuyến khích thiết kế tại ba điểm trên nhưng cũng chấp nhận những phương án thiết kế ở địa điểm khác.

Buổi phát động cũng ghi nhận nhiều ý kiến tranh luận của các chuyên gia và kiến trúc sư về thiết kế Cột mốc Km0 này. KST Nguyễn Thúc Hoàng - nguyên phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam - góp ý Cột mốc Km0 chỉ nên đặt nằm phẳng trên mặt đất giống như cột mốc Km0 của nước Pháp trước sân Nhà thờ Đức bà Paris hay cột mốc Km0 của Mỹ cũng vậy.

Theo ông Hoàng, Cột mốc Km0 không nên là các công trình tượng đài cao lớn, dựng đứng lên trên mặt đất bởi xung quanh Hồ Gươm "không nên làm công trình gì nổi bật lên". Một số ý kiến khác cũng đồng tình với quan điểm này của KTS Nguyễn Thúc Hoàng.

Trong khi đó, ban tổ chức mong muốn đây sẽ là một điểm du lịch, mang tính biểu tượng hơn là chỉ là một điểm mốc giao thông thông thường như ý nghĩa nguyên thủy của cột mốc Km0 được các nước trên thế giới bắt đầu dựng lên vào đầu thế kỷ 20.

Về điều này, TS.KTS Emmanuel Cerise (Viện PRX vùng thủ đô Paris) đồng ý rằng các cột mốc Km0 ở Pháp và Mỹ đều nhỏ gọn giản dị đặt nằm trên mặt đất nhưng đó là cột mốc Km0 của thế kỷ 20, khi mà cột mốc này chỉ có vai trò với giao thông đường bộ cho ôtô. Còn Hà Nội dựng Cột mốc Km0 mang tính biểu tượng văn hóa, phục vụ cho phát triển du lịch và thương hiệu của thủ đô thì nó không nhất thiết phải giống với cột mốc của Pháp hay Mỹ.

Tuy thế, là một trong những thành viên của hội đồng giám khảo, TS.KTS Emmanuel Cerise nói các giám khảo khuyến khích mọi ý tưởng sáng tạo chứ không nghiêng về lựa chọn cột mốc nằm hay đứng mà đón đợi những sáng tạo độc đáo của mọi người.

Ông cũng gợi ý Cột mốc Km0 không nhất thiết phải ôm hết cả "dân tộc và hiện đại" vào một thiết kế như một tiêu chí của ban tổ chức, mà có thể "buông rơi" truyền thống nghìn năm Thăng Long để sáng tạo một biểu tượng hoàn toàn hiện đại như một biểu tưởng mở ra một thời kỳ mới của Hà Nội, một thời kỳ ngàn năm khác.

Ban tổ chức nhận bài dự thi đến hết ngày 6-7, tại Tạp chí Kiến trúc, Hội Kiến trúc sư Việt Nam (40 Tăng Bạt Hổ, Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Dự kiến triển lãm, trao giải cuộc thi thiết kế công trình Cột mốc Km0 vào ngày 15-7. Ban tổ chức sẽ trao 1 giải A trị giá 100 triệu đồng; 1 giải nhì trị giá 80 triệu đồng; 1 giải ba trị giá 50 triệu đồng.

Khu vực hồ Hoàn Kiếm chính thức trở thành phố đi bộ từ 1-1-2020 Khu vực hồ Hoàn Kiếm chính thức trở thành phố đi bộ từ 1-1-2020

TTO - Không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận sẽ chính thức đi vào hoạt động sau 3 năm triển khai thí điểm. Quận Hoàn Kiếm sẽ nghiên cứu ý tưởng thả chim bồ câu tại đây.


THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp