Dự án tuyến cầu cạn Mai Dịch - cầu Thăng Long đang gấp rút hoàn thành - Ảnh: NAM TRẦN
Kết quả này có được từ quyết tâm thực hiện nghị quyết của HĐND TP Hà Nội năm 2015 về chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông giai đoạn 2016 - 2020.
Đất dành cho giao thông tăng lên
Về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, hiện Hà Nội đã hoàn thành 5 tuyến đường giao thông liên vùng kết nối thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận gồm 4 tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Hải Phòng, Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Bắc Giang, Pháp Vân - Cầu Giẽ giai đoạn 2 và 1 cầu vượt sông (cầu Văn Lang trên tuyến Ba Vì - Việt Trì).
Ngoài ra, Hà Nội đã hoàn thành 5 công trình cầu vượt tại các nút giao thông trọng điểm: cầu vượt ở nút giao Cổ Linh, Ô Đông Mác - Nguyễn Khoái, nút giao trung tâm quận Long Biên, cầu vượt Bắc sông Hồng, cầu vượt An Dương và đã hoàn thiện kết nối một số đoạn tuyến còn lại của đường vành đai 1, vành đai 2, vành đai 2,5, vành đai 3. TP cũng đã cải tạo, mở rộng tuyến đường đê từ An Dương - khách sạn Thắng Lợi.
Cũng theo báo cáo của UBND TP Hà Nội, đến hết năm 2019, đã hoàn thành 5 cầu vượt dành riêng cho người đi bộ, mục tiêu trong năm 2020 tiếp tục hoàn thành 12 cầu vượt cho người đi bộ trên địa bàn.
Về vận tải hành khách công cộng, trong giai đoạn 2016 - 2019, TP Hà Nội đã mở 33 tuyến xe buýt, nâng tổng số tuyến xe buýt toàn TP lên 124 tuyến. Mạng lưới xe buýt đã phủ khắp 30/30 quận, huyện, thị xã; 453/484 số xã, phường, thị trấn; 27/27 khu công nghiệp.
Theo giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện, sau khi Thủ tướng phê duyệt đồ án quy hoạch giao thông thủ đô năm 2016, sự gia tăng tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông tính trên diện tích đất xây dựng đô thị đã thay đổi rõ.
Năm 2015, tỉ lệ diện tích đất dành cho giao thông đạt 8,65% diện tích đất xây dựng đô thị, đến cuối năm 2019 đạt 9,75% và dự kiến đến hết năm 2020 đạt khoảng 10,05%.
Trong thực hiện nghị quyết HĐND năm 2015, kế hoạch của TP năm 2017 về nhiệm vụ, giải pháp cấp bách, nhằm xử lý, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, theo báo cáo của UBND TP, số điểm ùn tắc đã giảm theo từng năm.
Năm 2016 có 41 điểm, năm 2017 giảm còn 37 điểm, 2018 giảm còn 33 điểm, đến cuối 2019 giảm còn 27 điểm thường xuyên ùn tắc giao thông.
Nhiều công trình hoàn thành trong năm nay
Mới đây, trong kiểm tra 5 công trình giao thông trọng điểm, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ đặc biệt lưu ý các đơn vị thi công phải đẩy nhanh tiến độ, sớm hoàn thành trong năm 2020 - 2021, góp phần giảm ùn tắc.
Cụ thể, với dự án mở rộng tuyến đường vành đai 3 đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long - dự án thuộc danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 và là tuyến giao thông huyết mạch kết nối từ nội thành đi sân bay Nội Bài, dự án cầu cạn trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội khẩn trương thi công, hoàn thiện trong tháng 9-2020.
Với dự án, cầu cạn trên cao đoạn Mai Dịch - cầu Thăng Long - dự án do Bộ GTVT thực hiện, ông Huệ yêu cầu phối hợp chặt chẽ để hoàn thành toàn bộ tuyến đường trên cao này vào ngày
10-10. Dự án cầu vượt tại nút giao giữa đường Hoàng Quốc Việt - Nguyễn Văn Huyên phải hoàn thành đúng tiến độ vào dịp 2-9.
Với dự án xây dựng tuyến đường bộ trên cao dọc đường vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy - ngã tư Sở, kết hợp với mở rộng làn đường phía dưới - dự án thực hiện theo hình thức hợp đồng BT, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng tập trung giải phóng mặt bằng để bàn giao cho đơn vị thi công. Với phần đường trên cao đoạn ngã tư Sở đến ngã tư Vọng, ông Huệ "chốt" tiến độ hoàn thành trong dịp 2-9.
Còn toàn bộ phần mở đường phía dưới đoạn từ Vĩnh Tuy đến ngã tư Vọng hoàn thành trước ngày 30-12, toàn bộ dự án hoàn thành cuối năm 2021.
Về các dự án đường sắt đô thị, TP Hà Nội đang phối hợp với Bộ GTVT tháo gỡ vướng mắc với dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông, mục tiêu đưa vào vận hành trong năm 2020. Còn với dự án đường sắt đô thị tuyến Nhổn - ga Hà Nội, mục tiêu phấn đấu đưa vào vận hành trong tháng 4-2021.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận