Nhiều ôtô, cả xe container ùn ứ từ quốc lộ 1 qua cầu Phù Đổng, hướng sang tỉnh Bắc Ninh - Ảnh: NAM TRẦN
Ghi nhận của Tuổi Trẻ sáng 25-7 tại đường chốt kiểm soát cầu Phù Đổng trên quốc lộ 1 (đường Hà Nội - Bắc Giang, huyện Gia Lâm), hàng nghìn phương tiện ùn ứ kéo dài khoảng 3km theo hướng vào Hà Nội.
Không phải luồng xanh: quay đầu
Tại đây, lực lượng kiểm soát dịch chỉ cho các xe đã đăng ký "luồng xanh" lưu thông vào Hà Nội. Toàn bộ các phương tiện khác, kể cả chở hàng hóa đi ngang qua Hà Nội để vào các tỉnh miền Nam, cũng đều phải quay đầu.
Tài xế Trần Văn Tùng (ở Hải Phòng) cho biết anh cùng xe container chở hồ tiêu "chôn chân" trên cầu Phù Đổng từ 17h chiều 24-7. "Chúng tôi thức trắng cả đêm. Tuy nhiên, khi xuất trình giấy tờ hàng hóa, giấy xét nghiệm âm tính, cam kết không đi vào Hà Nội thì cán bộ y tế tại chốt lại yêu cầu tôi quay đầu vì chưa đăng ký luồng xanh" - tài xế Tùng kể.
Theo ghi nhận, phần lớn phương tiện ùn tắc tại đây đều có lộ trình từ Bắc Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn chở hàng hóa đi Hải Phòng, đi vào các tỉnh phía Nam.
Đủ thủ tục, xe bon bon
Tại trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (huyện Thanh Trì) lại không còn cảnh ùn tắc hàng dài như trong ngày 24-7. Đường sá thông thoáng, thi thoảng mới có xe ưu tiên qua trạm thu phí kể trên.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho biết để phục vụ các đối tượng ưu tiên lưu thông, chủ các phương tiện thực hiện cấp giấy phép "luồng xanh" quốc gia trên cổng dịch vụ công của Tổng cục Đường bộ, việc cấp không quá 4 phút và sau khi nhận được đầy đủ thông tin, Sở Giao thông vận tải sẽ cấp ngay trong thời gian không quá 1 phút, hoàn toàn thực hiện trên mạng Internet. Sau khi hoàn thành thủ tục, in giấy và dán trên xe.
Tuy nhiên, nhiều lái xe cho hay không dễ và nhanh như vậy.
Trong sáng 25-7, theo ghi nhận tại BOT Pháp Vân - Cầu Giẽ, các phương tiện đã đăng ký cấp phép "luồng xanh" và dán mã QR trên kính xe, hoặc xuất trình đều được lực lượng chức năng tại đây cho lưu thông vào TP Hà Nội.
Còn lại, một số xe dù chở mặt hàng thiết yếu nhưng chưa kịp đăng ký, hoặc đăng ký nhưng hệ thống chưa xác nhận hoàn tất thủ tục vẫn bị lực lượng chức năng yêu cầu quay đầu.
Ngoài ra, vẫn có một số phương tiện cá nhân không xuất trình được các giấy tờ cần thiết, nên buộc phải quay đầu.
Dữ liệu: PHẠM TUẤN - Đồ họa: N.KH.
Ở nhà, không khuyến cáo mà chính quyền yêu cầu
Ghi nhận ngày 25-7, tại một số tuyến phố trên địa bàn TP Hà Nội vắng vẻ như ngày tết, đa số người dân ở nhà, chấp hành lệnh giãn cách.
Tại các con đường dọc hồ Tây, để hạn chế việc người dân ra đường không cần thiết, UBND quận Tây Hồ lập chốt chặn tại các lối vào ven hồ, cử người túc trực. Nhiều tuyến phố cũng có chốt chặn. Trước đó, trong ngày 24-7, ngày đầu tiên thực hiện lệnh giãn cách, theo ghi nhận, đường phố Hà Nội vẫn đông đúc, nhiều hàng quán bán mang về vẫn hoạt động.
Trong sáng 25-7, phát biểu tại buổi làm việc với Sở chỉ huy phòng chống dịch COVID-19 TP Hà Nội, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho biết nguy cơ lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng còn rất cao, nên tuyệt đối không được chủ quan, nhưng phải thật bình tĩnh để ứng phó.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh cũng yêu cầu lực lượng chức năng xử phạt mạnh tay với các trường hợp không tuân thủ quy định phòng dịch. "Tuyên truyền rộng rãi đến người dân tinh thần: đây không phải khuyến cáo, mà là yêu cầu nhân dân ở nhà, không ra ngoài với các mục đích không được phép" - ông Chu Ngọc Anh nói.
Phạt hành chính tới 200 triệu đồng
Sáng 24-7, Sở Tư pháp Hà Nội đã thông báo mức xử phạt với 16 hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch COVID-19, trong đó mức phạt tiền cao nhất là 200 triệu đồng và có thể bị xử lý hình sự với mức phạt tù tối đa 20 năm.
Trong ngày 25-7, Công an TP Hà Nội cho biết sau hơn 1 ngày triển khai thực hiện chỉ thị 16, TP đã xử phạt 291 trường hợp và 5 cơ sở vi phạm các quy định về giãn cách xã hội.
Trong ngày 25-7, lực lượng chức năng của Công an TP đã xử phạt hành chính 168 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng 385 triệu đồng; 1 cơ sở kinh doanh dịch vụ không chấp hành việc tạm dừng hoạt động 15 triệu đồng...
Không kiểm tra xe chở hàng thiết yếu đã có QR code
Phó thủ tướng Lê Văn Thành vừa yêu cầu không kiểm tra phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm phục vụ đời sống người dân. Việc không kiểm tra này áp dụng đối với xe đã được dán giấy nhận diện có mã QR code của ngành giao thông vận tải, đi trên các tuyến đường cao tốc, quốc lộ, tỉnh lộ, đường giao thông liên huyện, giao thông đô thị trên phạm vi cả nước.
Việc kiểm tra với các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống người dân chỉ được thực hiện tại các điểm giao nhận hàng hóa, đảm bảo tuân thủ đầy đủ các yêu cầu phòng chống dịch.
Việc chỉ đạo như trên là để khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc cung ứng, vận chuyển, lưu thông hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm kịp thời phục vụ cho các địa phương, khu dân cư, đáp ứng nhu cầu đời sống người dân trong vùng có dịch COVID-19.
N.AN
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận