Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội dự báo tình hình dịch sốt xuất huyết trên địa bàn Hà Nội sẽ diễn biến phức tạp trong thời gian tới do dịch đến sớm hơn so với hằng năm.
Nhiều ca bệnh nặng
Những ngày qua, các bệnh viện tại Hà Nội tiếp nhận nhiều bệnh nhân mắc sốt xuất huyết, bệnh đang gia tăng. Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Hà Nội đã ghi nhận 3.180 người mắc sốt xuất huyết. Số ca mắc tăng 5,7 lần so với cùng kỳ năm 2022.
Tại Bệnh viện E, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 20 ca sốt xuất huyết nhập viện điều trị. Tại Bệnh viện Nhi trung ương ghi nhận nhiều bệnh nhi nhập viện có dấu hiệu cảnh báo, nhiều trẻ tái mắc.
Điển hình trường hợp bé trai V.H. (8 tuổi, Hà Nội) có tiền sử mắc sốt xuất huyết cách đây 4 năm. Bé H. nhập viện trong tình trạng sốt cao, không đáp ứng thuốc hạ sốt, đau mỏi người, nôn, đau đầu.
Ở thời điểm nhập viện, trẻ đã xuất hiện chấm sốt xuất huyết vùng mặt, sốt cao liên tục, tiểu cầu giảm, men gan tăng... Bệnh nhi được chẩn đoán mắc sốt xuất huyết Dengue nặng.
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Lâm - giám đốc Trung tâm bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương, trẻ phải điều trị theo phác đồ, sau 10 ngày điều trị thì tình trạng mới ổn định.
Hai người trong gia đình cùng mắc sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện E. Anh N.K.T. (41 tuổi) cho hay trước đó người nhà anh (cũng từng mắc sốt xuất huyết) nhưng do lớn tuổi nên ông nhập viện ngay.
"Còn tôi do chủ quan, đã từng mắc sốt xuất huyết và tự điều trị nên không vào viện. Đến ngày thứ 6 bắt đầu sốt cao, đau đầu chóng mặt, chảy máu chân răng không đỡ nên tôi mới đi khám, được bác sĩ yêu cầu nhập viện", anh T. nói.
Bác sĩ Đào Văn Cao, Bệnh viện E, cho hay người dân khi thấy sốt cao đột ngột cần đến cơ sở y tế thăm khám.
Sốt xuất huyết có thể chuyển từ mức độ nhẹ sang mức độ nặng, vì vậy bệnh nhân cần được thăm khám, phân độ lâm sàng để tiên lượng bệnh và có kế hoạch xử trí thích hợp.
Theo bác sĩ Lâm, bệnh sốt xuất huyết Dengue có bốn loại tương ứng với bốn tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4.
Trẻ em mắc sốt xuất huyết thường có biểu hiện đa dạng khác nhau. Bệnh khởi phát khá đột ngột, diễn biến qua ba giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm và giai đoạn phục hồi. Trẻ có thể tái mắc với các tuýp vi rút khác nhau nên cha mẹ chú ý không chủ quan.
Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết
Hằng năm, tại Hà Nội, bệnh sốt xuất huyết thường bùng phát trong khoảng tháng 10 - 12. Tuy nhiên năm nay, số lượng ca bệnh tăng, ghi nhận xuất hiện sớm hơn dự kiến.
TS Nguyễn Văn Dũng, trưởng khoa côn trùng Viện Sốt rét - ký sinh trùng - côn trùng trung ương, cho hay Hà Nội có thể là điểm nóng nhất nước về sốt xuất huyết do có mật độ dân số cao, tỉ lệ lây nhanh.
TS Dũng phân tích: chỉ trong quý 1 và quý 2, miền Bắc ghi nhận số ca mắc sốt xuất huyết tăng hơn 60% so với năm trước. Hà Nội cũng đang là điểm nóng về sốt xuất huyết Dengue ở miền Bắc với khoảng 500 ca mắc.
Trong thời gian tới, Hà Nội có số ca mắc có thể tiếp tục gia tăng, đặc biệt trong thời tiết nắng nóng mưa nhiều tạo điều kiện rất tốt cho sự phát triển của muỗi.
Theo CDC Hà Nội, nhiều địa phương còn chưa đạt chỉ tiêu đề ra, diệt bọ gậy đạt thấp dẫn tới nguy cơ dịch có thể bùng phát trong thời gian tới. Sở Y tế Hà Nội cũng đẩy mạnh các biện pháp phòng chống dịch sốt xuất huyết, tuyên truyền người dân tự phòng bệnh và đến cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt xuất huyết.
Có nên tự diệt muỗi bằng hóa chất?
Nhiều gia đình tự mua các loại hóa chất diệt muỗi để phòng dịch sốt xuất huyết. Tuy nhiên, TS Dũng khuyến cáo người dân không nên tự mua hóa chất về phun.
Khi có nhu cầu diệt muỗi, người dân có thể liên hệ đến cơ sở y tế dự phòng ở địa phương. Không nên mua và tự sử dụng các loại hóa chất không rõ nguồn gốc để tránh ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và gây ra tình trạng muỗi kháng thuốc.
Ca sốt xuất huyết TP.HCM tăng nhẹ
Theo báo cáo từ Sở Y tế TP.HCM, tính từ đầu năm 2023 đến nay, TP.HCM có hơn 10.000 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Hiện mỗi ngày có từ 30 - 40 ca mắc mới và 40 - 50 ca nhập viện tại các bệnh viện trên địa bàn TP.
Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay số ca mắc sốt xuất huyết trong tuần gần nhất tăng 18,8% lần so với trung bình 4 tuần trước. Các quận, huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận 1, quận 8 và huyện Bình Chánh.
Tại một bệnh viện trên địa bàn TP.HCM đã ghi nhận các ca bệnh nặng, tổn thương một số cơ quan, phải điều trị tích cực (chủ yếu ở các tỉnh chuyển đến).
Điển hình trường hợp bé N.C.Đ. (2 tuổi, nam, ngụ tỉnh Bình Thuận) bị sốc sốt xuất huyết, suy hô hấp, tổn thương gan nặng phải chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) sau 4 ngày điều trị tích cực tại bệnh viện địa phương.
Bác sĩ CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố - cho biết bệnh nhi đã được chống sốc, dùng các thuốc vận mạch phối hợp, thở áp lực dương liên tục, đặt nội khí quản thở máy sớm, chọc dò dẫn lưu dịch màng bụng giải áp. Sau đó, lọc máu liên tục 3 đợt, điều trị hỗ trợ gan, hiện bé đã ổn định.
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 13-8, TS Nguyễn Minh Tuấn, trưởng khoa sốt xuất huyết - huyết học Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết hiện khoa đang điều trị khoảng 25 trẻ mắc sốt xuất huyết, trong đó ca bệnh nặng chiếm khoảng 10%.
Bộ Y tế: địa phương cần bổ sung kinh phí cho phòng dịch sốt xuất huyết
Theo Bộ Y tế, từ đầu năm đến nay cả nước ghi nhận 57.295 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 13 người tử vong. Số mắc và tử vong có xu hướng gia tăng trong các tuần gần đây, dự báo có thể gia tăng trong thời gian tới.
Bộ Y tế đề nghị sở y tế các tỉnh thành tăng cường các biện pháp phòng chống dịch. Đồng thời báo cáo ủy ban nhân dân tỉnh bố trí, bổ sung kinh phí cho công tác phòng chống sốt xuất huyết.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận