26/10/2018 19:18 GMT+7

Hà Nội nói ga ngầm C9 phù hợp với bảo tồn di sản

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Trong văn bản báo cáo Thủ tướng về ga ngầm C9, UBND TP Hà Nội trích Hiến chương Washington 1987 để khẳng định quy hoạch ga ngầm C9 phù hợp với yêu cầu về bảo tồn di sản và phát triển đô thị.

Hà Nội nói ga ngầm C9 phù hợp với bảo tồn di sản - Ảnh 1.

Phương án một là vị trí đặt ga C9 tuyến đường sắt đô thị số 2

Hà Nội vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng chính phủ về việc quy hoạch tổng mặt bằng ga ngầm C9 (ga hồ Hoàn Kiếm) thuộc dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội số 2.

Tuân thủ theo chuẩn mực quốc tế

Văn bản khẳng định thiết kế tổng mặt bằng ga ngầm C9 và tuyến hầm có phần nằm trong khu vực bảo vệ II nhưng hoàn toàn nằm ngoài và không xâm phạm khu vực bảo vệ I - là vùng có các yếu tố gốc cấu thành di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Còn tuyến hầm đi qua bên dưới gian trước của đền Bà Kiệu, cách gò đá chân Tháp Bút 1m nhưng là đi ngầm, đỉnh hầm cách mặt đất 12,3m, đáy hầm cách mặt đất 18,8m, hoàn toàn không xâm phạm vùng bảo vệ I, tuân thủ chặt chẽ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, bảo tồn văn hiến thủ đô.

UBND TP Hà Nội cho biết thiết kế và phương pháp thi công ga ngầm và tuyến hầm là công nghệ tiên tiến nhất hiện nay.

Việc khảo sát địa hình, địa chất được thực hiện và thẩm định bởi các cơ quan chuyên môn đủ năng lực và thẩm quyền, đã được nghiên cứu đánh giá tác động môi trường, xã hội; tính toán kỹ lưỡng, đề ra các biện pháp để giảm thiểu tối đa, phòng ngừa các nguy cơ tiềm ẩn, kiểm soát chặt chẽ các tác động tiêu cực đến cảnh quan, môi trường và các công trình di tích trong quá trình thi công, đảm bảo giữ gìn nguyên vẹn, an toàn các công trình di tích lịch sử.

UBND TP Hà Nội Hà Nội khẳng định tuyến đường sắt đô thị số 2 đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo có hướng tuyến chạy qua khu vực trung tâm phố cổ và vị trí ga C9 đặt ngầm dưới đường Đinh Tiên Hoàng và vườn hoa Bờ Hồ phía trước Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội là hoàn toàn phù hợp với các quy hoạch được duyệt và đã được hình thành, phát triển nghiên cứu trong giai đoạn dài từ 2004 đến nay, thể hiện tính thống nhất, quá trình xuyêt suốt có tính kế thừa đối với các quy hoạch.

Quá trình nghiên cứu, thiết kế lập quy hoạch hướng tuyến, vị trí nhà ga, lập quy hoạch tổng mặt bằng và thiết kế ga ngầm C9 được đơn vị tư vấn thực hiện đầy đủ các công tác khảo sát, lập báo cáo đánh giá địa hình, địa chất, thủy văn, tính toán chống thấm nước, sụt giảm mực nước ngầm khu vực, đánh giá tác động môi trường, xã hội, không gian văn hóa... tuân thủ các yêu cầu và thẩm định khắt khe của nhà tài trợ JICA theo chuẩn mực quốc tế và các quy định pháp luật của Việt Nam.

Hà Nội nói ga ngầm C9 phù hợp với bảo tồn di sản - Ảnh 2.

Phương án kiến trúc lối lên xuống của nhà ga C9

Yêu cầu Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch có văn bản chấp thuận

UBND TP Hà Nội cho biết ý kiến các bộ, ngành, cơ quan liên quan, cộng đồng dân cư, các chuyên gia, nhà khoa học... đều thống nhất về vị trí hướng tuyến, vị trí ga ngầm C9, chỉ lưu ý bố trí các công trình phụ trợ sao cho hài hòa cảnh quan, ảnh hưởng ít nhất đến quần thể di tích... Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội cũng thừa nhận vẫn còn một số ý kiến chưa đồng thuận.

Văn bản của UBND TP Hà Nội cũng trích khoản 3 điều 32 Luật di sản văn hóa năm 2013 quy định: Việc xây dựng công trình bảo vệ và phát huy giá trị di tích ở khu vực bảo vệ II đối với di tích quốc gia và di tích quốc gia đặc biệt phải được sự đồng ý bằng văn bản của bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch.

UBND TP Hà Nội cho biết đơn vị đã có văn bản báo cáo bộ trưởng Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch theo đúng quy định. Vì vậy, UBND TP Hà Nội đề nghị bộ trưởng có văn bản chấp thuận rằng Hà Nội đang tuân thủ các quy định của Luật di sản văn hóa.

Trước đó, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã có văn bản trả lời báo chí cho ý kiến về nhà ga C9, sau khi Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội đã có văn bản gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Thủ tướng kiến nghị xem xét việc xây dựng đường sắt đô thị số 2 vi phạm hành lang bảo vệ di tích đặc biệt Hồ Hoàn Kiếm, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không thể khắc phục đối với di sản, không gian văn hóa của trung tâm thủ đô.

Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch cho biết trong các văn bản gửi UBND TP Hà Nội, bộ đã đều yêu cầu TP chỉ đạo các cơ quan liên quan nghiên cứu thêm các phương án bố trí nhà ga, tịnh tiến thân ga về phía đông đường Đinh Tiên Hoàng, cách xa bờ phía đông của hồ Hoàn Kiếm và nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II của di tích quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn.

Tuy nhiên, UBND TP Hà Nội có công văn giải trình về việc bố trí nhà ga và cho rằng về mặt kỹ thuật cũng như an toàn vận hành thì không thể dịch chuyển vị trí nhà ga theo yêu cầu của Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch. Do đó, Bộ Văn hóa, thể thao và du lịch đã đề nghị UBND TP Hà Nội báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định.

Hà Nội nói ga ngầm C9 phù hợp với bảo tồn di sản - Ảnh 3.

Phối cảnh nhà ga tàu điện ngầm được UBND TP Hà Nội đưa ra trưng cầu để lấy ý kiến người dân vào đầu năm 2018

Hiến chương Washington

Đáng chú ý, văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ của UBND TP Hà Nội còn trích dẫn Hiến chương về bảo vệ thành phố và khu vực đô thị lịch sử (Hiến chương Washington 1987) để chứng minh việc đưa các yếu tố đương đại vào các đô thị lịch sử hoàn toàn có thể chấp nhận theo thông lệ quốc tế.

Văn bản viết: "Trong Hiến chương về bảo vệ thành phố và khu vực đô thị lịch sử (Hiến chương Washington 1987) có câu: "Việc đưa các yếu tố đương đại vào mà hài hòa được với tổng thể khung cảnh là có thể chấp nhận, bởi vì những yếu tố mới đó có thể góp phần làm cho khu vực thêm phong phú".

Từ câu trích dẫn này, UBND TP Hà Nội cho rằng việc đưa các yếu tố đương đại (ga ngầm C9) vào các đô thị lịch sử hoàn toàn có thể chấp nhận theo thông lệ quốc tế nhưng phải thận trọng, phù hợp với quy hoạch, với mục tiêu nâng cao chất lượng sống cho người dân và phải được cư dân khu vực ủng hộ.

Văn bản của UBND TP Hà Nội kết luận: "Từ Luật di sản văn hóa của Việt Nam (các quy định trong nước) cho đến Hiến chương quốc tế (các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia) đều cho thấy quy hoạch ga ngầm C9 phù hợp với yêu cầu về bảo tồn di sản và phát triển đô thị".

Lấy ý kiến người dân về ga ngầm hồ Hoàn Kiếm

TTO - Ga ngầm tuyến đường sắt trên cao đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo nằm cạnh hồ Hoàn Kiếm sẽ được trưng bày mô hình công khai để lấy ý kiến đóng góp của người dân Hà Nội.

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp