Hà Nội những ngày này càng về đêm nhiệt độ càng giảm, có lúc chỉ còn hơn 10 độ C.
Khác với cảnh tấp nập ban ngày, ở những bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội, về đêm tất cả chìm trong im lặng, lác đác người đi lại. Thi thoảng có tiếng còi xe cấp cứu hú vang hay tiếng bác sĩ gọi người nhà từ phòng cấp cứu, phòng mổ.
22h. Ngồi trước cửa Trung tâm gây mê và hồi sức, Bệnh viện Việt Đức chực chờ con trai phẫu thuật, ông Bình (quê Phú Thọ) gương mặt mệt mỏi, co chân rúc vào chăn cho đỡ lạnh.
Ông nói con trai gặp tai nạn giao thông từ hôm qua, giờ phải ngồi túc trực chờ tin tức từ phòng hồi sức. "Vừa rồi con gái đang học ở Hà Nội mang vào cho chiếc chăn để bố đắp cho đỡ lạnh. Càng về đêm càng lạnh, có lúc ngả lưng chợp mắt chút nhưng cũng chẳng ngủ được", ông Bình nói.
Từ cửa Trung tâm gây mê và hồi sức bệnh viện, bác sĩ bước ra gọi tên từng bệnh nhân. "Người nhà anh N.T.C., người nhà anh H.V.K.… đâu ạ?". Nghe thấy tiếng bác sĩ gọi tên, đang nằm trùm kín chăn, người nhà bệnh nhân lại ngồi dậy ngóng chờ có tên người thân mình không.
Tiếng xì xào nổi lên một lúc, rồi đêm lại chìm vào im ắng, lạnh lẽo.
Chị Hoa (quê tỉnh Nam Định) đang chăm sóc em trai tại Bệnh viện Việt Đức cũng đứng ngồi không yên chờ được gọi. Chị chia sẻ bố mẹ già nên chỉ còn chị lên Hà Nội chăm em.
"Chưa bao giờ phải ở ngoài trời lạnh thâu đêm thế này, nhưng biết làm sao. Mình còn trẻ, còn khỏe cũng đỡ. Nhìn nhiều ông, bà lớn tuổi màn trời chiếu đất còn vất vả hơn", chị Hoa nói.
Còn tại Trung tâm cấp cứu, Bệnh viện Bạch Mai, người nhà bệnh nhân cũng tấp nập đứng ngồi, trùm chăn co ro chờ tin từ bác sĩ.
Từ tỉnh Hòa Bình xuống chăm vợ, ông Tuấn vừa phải thuê chiếc chiếu để trải nằm cho đỡ lạnh lưng. "May hôm qua đi nhớ mang theo chăn nên có cái đắp, đỡ lạnh hơn. Ở đây cũng có cho thuê giường gấp để nằm, nhưng giường gấp đắt hơn nên thuê chiếu được rồi", ông Tuấn nói.
Trong khuôn viên nhà chờ trước cửa Trung tâm cấp cứu bệnh viện dựng sẵn máy sưởi công suất lớn nhưng chưa được bật. "Không hiểu sao họ chưa bật lên, nếu có máy sưởi người nhà đỡ vất vả hơn", một người nhà bệnh nhân nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận